Hé lộ công nghệ "nuôi gà" trong K-Pop
"Mô hình kim cương của văn hóa" mà người ta vẫn sử dụng khi phân tích yếu tố hiện tượng trong lĩnh vực mang tính xã hội học và nghệ thuật.
Những yếu tố tạo nên thành công của K-Pop được ví như hình thái của một viên kim cương gồm có 4 đỉnh chóp, tương đương với 4 yếu tố: người sản xuất, người tiêu thụ, sự phân phối và chất lượng nội dung.
4 yếu tố tạo thành công cho K-Pop
Trong “mô hình kim cương của văn hóa”, các mặt của kim cương được gắn kết bởi bốn đỉnh, tương ưng với 4 yếu tố tạo thành công lớn cho K-Pop.
4 đỉnh của viên kim cương tượng trưng cho mô hình thành công của K-Pop, bao gồm 4 yếu tố: người sản xuất, người tiêu thụ, sự phân phối và chất lượng nội dung
Yếu tố đầu tiên chính là người sản xuất - các công ty giải trí chuyên đào tạo ca sỹ, nghệ sỹ. Không thể không khâm phục công nghệ đào tạo rất chuyên nghiệp, chặt chẽ và thực tế của Hàn Quốc (Yếu tố này được phân tích trong phần tiếp theo của bài viết với nội dung "Công nghệ của các công ty giải trí Hàn").
Yếu tố thứ hai là phương thức phân phối sản phẩm. Quá trình để những sản phẩm âm nhạc đến với lượng lớn khán giả trong và ngoài nước được các nhà sản xuất K-Pop tận dụng triệt để hệ thống mạng xã hội, internet. Đây chính là xu thế vừa tiết kiệm được thời gian và chi phí vừa có sức mạnh quảng bá lớn.
Yếu tố thứ ba thuộc về người tiêu dùng. K-Pop đánh mạnh vào đối tượng những người tiếp cận và biết sử dụng internet. Đây là xu thế năng động trong việc thể hiện sự giao tiếp tự do và truyền bá văn hóa tích cực, thân thiện nhất. Với xu thế đó, sự nổi tiếng của K-Pop đã khuếch trương một cách nhanh chóng.
Yếu tố cuối cùng là content – nội dung. Các ngôi sao K-Pop dựa trên nền tảng đầy sức cạnh tranh, kết hợp cả ba mặt mạnh, gồm giọng hát, vũ đạo và hình ảnh, đồng thời luôn biến đổi không ngừng đã tạo nên một sự hoàn hảo đáp ứng nhu cầu nghe – nhìn của khán giả toàn thế giới.
Giọng hát, vũ đạo và hình ảnh của các ngôi sao K-Pop thỏa mãn nhu cầu nghe - nhìn của khán giả toàn thế giới
Công nghệ của các công ty giải trí Hàn
Với một công ty giải trí quy mô lớn tại Hàn, hệ thống đào tạo được chia làm bốn bước chính: casting (tuyển chọn), training (huấn luyện), producing (phát hành sản phẩm), promotion (quảng bá).
Bốn bước chính trong quá trình hoạt động của công ty giải trí Hàn kéo dài trong khoảng thời gian từ 5 năm đến 10 năm
Bước casting: Với chân lý, một nửa thành công nằm ở việc phát hiện ra “viên ngọc” tốt, các công ty giải trí tập trung chủ lực vào việc khai phá ra những nhân tài.
Yang Hyun Suk – CEO của YG Entertainment – từng nói: “Khi đánh giá một người, trước tiên tôi nhìn vào tính tiềm năng đang ẩn giấu trong con người họ”. Điều đó cho thấy việc nhìn ra tài năng của một ngôi sao là rất quan trọng.
Phương thức tuyển chọn thực tập sinh được tiến hành qua các cuộc thi đầu vào, mang tên audition hoặc thông qua các chương trình mang tính tìm kiếm tài năng nghệ thuật.
Ngoài ra, các “lò” đào tạo của Hàn không ngại bỏ ra một số tiền lớn tiến hành các cuộc thi audition trên toàn cầu để phát hiện nhân tài.
SM Entertainment từ năm 2006 tới nay, hàng năm đều tổ chức audition global tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Thái Lan… Hàng năm có khoảng 300.000 người tham gia và chỉ tuyển chọn được hơn 100 người.
Các cuộc thi audition được tổ chức toàn cầu để phát hiện ra tài năng âm nhạc của cả những quốc gia khác, đưa về đào tạo thành viên các nhóm nhạc đa quốc gia
Bước training: Công ty giải trí Hàn giống như nhà đầu tư lâu dài. Mục tiêu quá trình training chính là hình thành một nền tảng giáo dục vững chắc đối với người được huấn luyện để đưa họ trở thành ngôi sao giải trí số một.
Đồng thời, công ty giải trí còn thực hiện vai trò của một “gate keeper” (người canh gác) mạnh mẽ. Vậy nên trong số rất nhiều những “viên ngọc”, họ chỉ nuôi dưỡng những “viên ngọc” sáng nhất.
Các ca sỹ, nhóm nhạc Hàn Quốc trước khi khởi nghiệp (debut) đều phải trải qua một quá trình rèn luyện kéo dài nhiều năm của thời kỳ thực tập sinh.
Một đội riêng biệt gồm các chuyên gia đa lĩnh vực sẽ tiến hành giáo dục tập trung từng bước từng bước đối với việc luyện thanh, vũ đạo, diễn xuất, ngoại ngữ… và cả giáo dục nhân cách.
Các quy định nghiêm ngặt được đặt ra, như tuyệt đối không được uống rượu, hút thuốc đối với các thực tập sinh vị thành niên. Nếu vi phạm sẽ bị đuổi khỏi công ty ngay tức khắc.
Khi được trở thành thực tập sinh không có nghĩa là đã đến đích. Họ luôn phải vượt qua các bài kiểm tra mang tính định kỳ. Để chiến thắng trong quá trình cạnh tranh, họ phải chịu đựng huấn luyện vất vả, thậm chí là kinh hoàng.
Cứ hai tuần một lần, công ty tổ chức bài kiểm tra ngoại ngữ, định kỳ luôn có những bài test về năng khiếu để qua đó hình thành hệ thống đánh giá chặt chẽ về mặt mạnh và yếu của từng cá nhân.
Họ phải sống trong ký túc xá gần như bị cách biệt với gia đình, phải tập luyện từ sáng sớm tới tối khuya, khổ cực có, hy sinh có, nước mắt có và không bao giờ thiếu những giọt mồ hôi.
Nữ ca sỹ BoA được rèn luyện từ lúc gần 12 tuổi. Một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng để BoA học tiếng Nhật, tiếng Anh và phát triển tại hải ngoại trước khi chính thức ra album đầu tay vào năm 2000 - khi cô mới 16 tuổi.
Trưởng nhóm Lee Teuk của Super Junior phải mất 5 năm làm thực tập sinh tại SM Entertainment. Trưởng nhóm 2AM là Jo Kwon từ khi là một cậu bé 13 tuổi phải trải qua hơn 7 năm mới được debut. Trưởng nhóm Big Bang G-Dragon đã từng là một cậu bé thực tập sinh khi mới 8 tuổi.
BoA đi thi audition từ năm học lớp 5
Sau nhiều năm làm thực tập sinh, cô đã trở thành một ca sỹ nổi tiếng
Jo Kwon - Trưởng nhóm 2AM - trải qua hơn 7 năm mới được debut
G-Dragon trưởng nhóm Big Bang làm thực tập sinh công ty giải trí từ năm 8 tuổi
Để đào tạo những ngôi sao thần tượng, công ty giải trí chịu trách nhiệm gánh chi phí trong toàn bộ quá trình training kéo dài nhiều năm. Thông thường, thời gian training trên 5 năm. Mọi phí tổn về việc giáo dục đào tạo, ăn ở sinh hoạt của thực tập sinh đều được công ty lo chu tất.
Đương nhiên, phương thức đầu tư này được tuần hoàn vốn bằng việc nhiều năm sau khi khởi nghiệp, lợi nhuận kiếm được từ ca sỹ sẽ được chia phần lớn cho công ty giải trí.
Với các “gà cưng” của K-Pop, thời gian thực tập sinh của nhóm SNSD là 5 năm, Big Bang là 6 năm, DBSK là 7 năm.
Thành viên SNSD chụp hình cùng cô giáo - Họ đã có phải trải qua 5 năm làm thực tập sinh trước khi debut
Bước producing: Đây là quá trình sản xuất các sản phẩm âm nhạc sau đào tạo. Việc ra album luôn có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới ở các lĩnh vực sản xuất âm nhạc để tạo độ hoàn thiện tối đa: từ bước đưa ra ý tưởng bài hát đến việc thu thập đa dạng các sáng kiến ngoài lề.
Trong trường hợp của SM Entertainment, họ mời hơn 300 nhà viết nhạc nước ngoài và hàng năm đều tổ chức hai kỳ hội nghị sáng tác.
Khi chuẩn bị cho album Tell me your wish của nhóm SNSD, SM chia ra kế hoạch sản xuất mang tính đa quốc gia với phần sáng tác nhạc thuộc về nhóm Design Group (một nhóm sáng tác của Bắc Âu), phần lời và biên tập được giao cho Yoo Young Jin (nghệ sỹ người Hàn trực thuộc SM), vũ đạo do một người Mỹ gốc Nhật chịu trách nhiệm.
Album đầu tay của SNSD được vạch ra kế hoạch sản xuất mang tính đa quốc gia
Bước promotion: Khâu cuối cùng chính là phân phối, quảng bá các đĩa nhạc. Từ khâu lên kế hoạch đến việc mở rộng ra thị trường đều được tập trung để làm giảm thiểu tối đa nhất sự không minh bạch và tổn thất khi xuất khẩu các sản phẩm âm nhạc ra nước ngoài.
Một trong chiến lược quảng bá toàn cầu là việc công ty giải trí Hàn ký kết hợp đồng làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong thị trường nhạc.
Để xuất khẩu nhạc sang thị trường Nhật, các “trùm sò” K-Pop đã ký trước hợp đồng với các công ty lớn của Nhật như Universal Music Japan, Avex…
Bên cạnh đó, các công ty giải trí Hàn cũng đang tiến hành phương thức đẩy mạnh bắt tay quan hệ với các đối tác về mạng truyền thông internet có sức ảnh hưởng toàn cầu.
Ngoài ra, để đẩy mạnh việc bán album ra nước ngoài, các nhà chiến lược Hàn Quốc đang khắc phục rào cản ngôn ngữ thông qua ca từ, thời trang, music video… K-Pop được truyền bá rộng khắp qua các đoạn quảng cáo, các bộ phim truyền hình và điện ảnh…