Giọng hát Việt vẫn chưa thuyết phục
The Voice kịch tính nằm ở cách sắp xếp thí sinh, huấn luyện viên để kích thích tâm lý khiến khán giả nức nở và cả thí sinh rơi nước mắt khi chia tay cuộc thi... Tất cả đều màu sắc, nhưng chỉ duy nhất cuộc đua về cá tính trong giọng hát ở mỗi thí sinh lại thiếu sự “liều lĩnh”.
Bỏ qua cách chọn của huấn luyện viên hay kịch bản được dàn dựng sao cho mỗi tập phát sóng đều có tinh thần để truyền thông, sau 2 đêm của vòng Đo ván thấy rằng các thí sinh chưa thuyết phục bởi họ luôn mang lại cảm giác thiếu tự tin cho người xem.
Cát Tường - Thảo Nhi hai thí sinh cá tính nhưng cơ hội đi tiếp chỉ dành cho Cát Tường mà thôi
Sân khấu của Giọng hát Việt gần như quá lớn với thí sinh năm nay. Dù thí sinh chọn bài an toàn hay có chút phiêu lưu nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Thêm vào đó một số thí sinh lạm dụng cách hòa âm phối khí hai màu tương phản trong một bài hát, tức là nửa đầu chậm nửa sau có tiết tấu nhanh để làm náo động sân khấu, nhưng đó chưa phải là cá tính âm nhạc của một ca sĩ thật sự.
Dù hát ở những bản ballad nhẹ nhàng hay rock đầy tự do phóng khoáng, giọng hát tuyệt vời là giọng hát đưa người nghe đi đến tận cùng của cảm xúc và thể loại. Tại sao phần thi của các cặp thí sinh trong tập Đo ván 2, kể cả Diễm Hương, hay Cát Tường dù được chọn vẫn mang lại cảm giác chưa đủ cho một giọng hát hay ở Giọng hát Việt? Diễm Hương có hát Tìm lại tốt đến đâu theo nhận xét của huấn luyện viên Mỹ Linh thì đây vẫn là giọng hát bình thường, chỉ biết hát trong một số dạng thức an toàn.
Tìm lại không phải bài hát quá khó, khán giả nghe nhiều, thêm một chút khỏe khoắn trong giọng hát, Diễm Hương không quá khó để chiến thắng. Nhưng ở Nhật Thu lại khác, dù phải dừng chân nhưng I don’t want to miss a thing lại là bài hát gần như đánh bật Diễm Hương về thể loại, phong cách lẫn đòi hỏi ở khả năng xử lý không dễ dàng chút nào.
Nhật Thu “liều lĩnh” hơn Diễm Hương nhiều, có như vậy khán giả mới cảm thấy đã và tìm thấy trong từng giọng hát một sự níu kéo để chọn lựa ca sĩ mà họ yêu thích. Nếu như cứ trôi tuột như Mi Hoàn, Nguyệt Anh, Văn Viết, Cát Tường... thì chẳng bao lâu đời sống âm nhạc gần như thiếu hẳn những giọng hát cá tính để khán giả được thưởng thức sự sáng tạo không cùng của nghệ thuật âm nhạc.
Trường hợp của Diễm Hương (váy đỏ) được đi tiếp cũng gây ra tranh cãi
Nghe tưởng chừng như mơ hồ, nhưng lại rất rõ ràng, ngay cả huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng trong sự nghiệp ca hát của anh, anh đã khẳng định rằng khi quyết định hát nhạc xưa, nhạc Bolero thì anh phải hát cho tới dù là ở giọng hát hay cách thức tái hiện một không gian âm nhạc đặc biệt trong sản phẩm thực thể là album.
Vậy thì tại sao ở đa số thí sinh được chọn của Giọng hát Việt chúng ta gần như không tìm thấy điều đó? Có thể áp lực của cuộc thi vẫn đè nặng lên thí sinh. Dù gì, ước muốn được đi vào vòng trong chắc chẳn không thể không có. Thứ 2, làm sao vừa lòng huấn luyện viên có khi lại là áp lực nhiều hơn so với thể hiện con người riêng và làm hài lòng khán giả.
Chính những ràng buộc này có thể khiến cho thí sinh không thể nào “liều lĩnh” trên sân khấu. Nhưng cứ trực quan nhìn vào phần trình diễn ngay tại sân khấu, duy chỉ có Thành Nam và Nhật Thu là hai thí sinh mang lại cho người xem cám xúc nhiều nhất. Nhiều không hẳn là họ hát có cảm xúc mà họ là nghệ sỹ thực thụ, dù chuyên nghiệp hay không thì bản năng nghệ sỹ không thể cứ chăm chỉ tập luyện là có được.
Trôi qua hai đêm Đo ván mờ nhạt. Khán giả vẫn mong đợi một thí sinh nào đó cho họ thấy Giọng hát Việt luôn tìm ẩn những cá tính đầy sáng tạo, có chút lỗi cũng được nhưng để nhớ hơn là cứ hát như trả bài, hát để an toàn được chọn. Thêm vào đó, yếu tố ngoại hình, bắt mắt sân khấu cũng phần nào tác động đến tâm lý người xem trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi.
Các HLV vẫn đang gặp nhiều tình huống khó trong việc chọn thí sinh nào đi tiếp
Ca sĩ khi bước ra sân khấu, họ không chỉ mang theo giọng hát của mình, mà phải có hình ảnh. Đó là gì? Chính là sự tương tác giữa phong cách âm nhạc và dấu ấn cá nhân về trang phục, sắc thái biểu cảm phải toát được từ con người thật. Điều này lại rất khó với thí sinh của Giọng hát Việt năm nay.
Có mấy thí sinh mang được tất cả lên sân khấu? Giọng hát có phong cách riêng phải được hòa quyện trong một hình ảnh tương đối đồng nhất, trừ khi khán giả bật đĩa CD nghe tại nhà, chứ đã biểu diễn sân khấu thì một ca sĩ có phong cách đòi hỏi cả điều này.
Thí sinh chưa “liều lĩnh” đem con người thật lên sân khấu, giọng hát thật và sự lựa chọn thật. Giọng hát Việt đi 3/4 chặng đường với nhiều cảm xúc khác nhau. Huấn luyện viên cũng đã hoàn thành khá tốt công việc của mình là giúp thí sinh hát tốt trên sân khấu.
Nhưng cũng rất tiếc khi chính các thí sinh lại quá e dè đưa ra cho người xem một trong những điều cực kì thiếu trong đời sống âm nhạc hiện nay đó là liều lĩnh trong sáng tạo nghệ thuật.