Giọng hát Việt ngập... tiếng Tây
Ra đời ở Hà Lan năm 2010, tràn qua hàng loạt các nước Âu, Mỹ rồi đến Việt Nam trở thành Giọng hát Việt. Nhưng thí sinh hát tiếng Việt đâu chả thấy, chủ yếu thấy thí sinh hát tiếng Anh. Có lẽ, kết cục của việc “sính ngoại” này là thí sinh vô địch Giọng hát Việt sẽ “cao không tới, thấp không thông” khi tiến vào làng nhạc Việt sau cuộc thi.
Tỏa sáng nhờ tiếng nước ngoài
Không phủ nhận trong mặt bằng chung của các cuộc thi hát trên truyền hình hiện nay, Giọng hát Việt đang là “hoàng tử”. Sinh sau, đẻ muộn nhưng đến giờ này, Giọng hát Việt thừa sức đánh bạt các đối thủ Sao mai điểm hẹn và sắp tới là Vietnam Idol khỏi cuộc đua “tam mã”.
Sự xuất thần của Giọng hát Việt, ngoài yếu tố “mới”, ngoài sự hấp dẫn của format cũng như 3 cái tên Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng trên ghế nóng, thì yếu tố cốt lõi “giọng hát” của chương trình đang khiến người nghe thấy choáng ngợp.
4 huấn luyện viên của The Voice - Giọng hát Việt
Tài năng chỉ có thế, không thể lấy đâu ra toàn những gương mặt mới. Giọng hát Việt cũng vậy. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, chương trình là bệ phóng cho những tài năng chưa gặp thời. Bởi quá nhiều gương mặt xuất sắc tại Giọng hát Việt đều là những gương mặt cũ tại các cuộc thi. Thế nhưng, đến với Giọng hát Việt, họ được toả sáng.
Không ít khán giả đã nhận ra có sự lạ đời trên và nhận xét rằng, mấu chốt nằm ở chỗ, mọi sự yếu kém trong kỹ thuật thanh nhạc, cũng như mọi soi xét của cả huấn luyện viên lẫn khán giả đều bị... lờ tịt đi khi thí sinh Giọng hát Việt chọn hát tiếng nước ngoài, mà phần nhiều là tiếng Anh. Nói vậy cũng không ngoa.
Bởi phần đa công chúng theo dõi Giọng hát Việt không phải ai cũng biết tiếng Anh. Hơn nữa, họ dễ dàng bị chinh phục bởi các giai điệu kinh điển của các ca khúc bất hủ mà quên bẵng đi phần soi xét xem thí sinh hát đúng hay sai, hát có cá tính âm nhạc riêng trong bài hát hay không…
Ngay tập mở đầu, Giọng hát Việt đã gây chấn động với hai giọng hát “khủng” Đinh Hương và Hương Tràm. Đinh Hương chọn Warwick Avenue, Hương Tràm chọn I Will Always Love You, đều là những giai điệu quá nổi tiếng, dễ đi vào lòng người nghe. Nhưng lạ là cả Đinh Hương và Hương Tràm từng thất bại trong việc thể hiện các ca khúc tiếng Việt tại không ít cuộc thi trước đó.
Hương Tràm chọn I Will Always Love You khiến các huấn luyện viên nữ xúc động
Càng vào sâu, thí sinh hát tiếng Anh lại càng nhiều. Hầu hết các thí sinh được chọn đi tiếp vào vòng Đối mặt của Giọng hát Việt đều là những giọng hát chọn tiếng Anh làm sở trường. Đáng lo hơn là trong hơn 100 thí sinh thử giọng ở vòng này, không có bất cứ thí sinh nào hát tiếng Việt nhận được sự lựa chọn của cả 4 vị giám khảo.
Hoàng Uyên, giọng ca duy nhất hát Niềm hy vọng, một ca khúc tiếng Việt, được 3 huấn luyện viên Thu Minh, Trần Lập, Đàm Vĩnh Hưng chọn. Còn lại đa số những thí sinh hát ca khúc tiếng Việt chỉ được 1 đến 2 huấn luyện viên bấm nút lựa về đội mình. Tình trạng này trái ngược hẳn với các giọng hát chọn các ca khúc tiếng Anh để thi thố.
Hàng loạt thí sinh được cả 3 - 4 vị giám khảo đồng loạt bấm nút “chọn” để đi tiếp vào vòng trong như: Đinh Hương, Phạm Thị Hương Tràm, Thái Trinh, Phương Linh, Quốc Cường, Tiêu Châu Như Quỳnh, Thanh Hằng, Đồng Lan…. cũng đồng thời được đánh giá là những giọng hát “khủng” nhất Giọng hát Việt năm nay đều chọn hát lại những ca khúc tiếng Anh nổi tiếng.
Tiêu Châu Như Quỳnh cũng khiến Hồ Ngọc Hà nức nở với một ca khúc nước ngoài
Điều này có thể khiến cho khán giả dự đoán, trong vòng Đối mặt, tình trạng hát tiếng Anh cũng sẽ không cải thiện hơn là bao, khi hàng loạt những giọng hát “khủng” trên tiết lộ họ được các huấn luyện viên chọn ca khúc quốc tế để thi thố ở vòng này.
Giọng hát Việt không chốn dung thân?
Khi đặt ra vấn đề vì sao chương trình Giọng hát Việt lại hát toàn tiếng Anh, huấn luyện viên Trần Lập có nói: “Tôi thấy điều này rất bình thường với xu hướng hiện tại cũng như với tiêu chí của cuộc thi này. Giọng Hát Việt thì hát gì mà chẳng được, hát tiếng gì không quan trọng, chỉ cần chuẩn và hay là được”.
Thu Minh thì cho rằng: “Nhạc Việt bao nhiêu năm nay cũng chỉ quanh quẩn theo một xu hướng đã rất cũ, không có đa dạng và khó có thể làm nổi bật lên được những cá tính khác nhau trong từng giọng ca của thí sinh. Rồi ca từ trong tiếng Việt cũng là một hạn chế, tiếng Việt mình có nhiều âm sắc nên khi thể hiện cũng sẽ bị khó khăn ở những đoạn phiêu cùng nhạc. Vì vậy mà các bạn thí sinh chọn hát nhạc quốc tế cũng không phải là lạ”.
Theo khảo sát trên một trang mạng, trong số những thí sinh được yêu thích, Bùi Anh Tuấn là cái tên được chọn nhiều nhất và đây cũng là thí sinh hát tiếng Việt
Việc các thí sinh chủ yếu chọn ca khúc tiếng Anh trong Giọng hát Việt cũng là điều dễ hiểu. Bởi như đã phân tích ở trên, các ca khúc tiếng Anh thanh âm đơn giản dễ hát hơn tiếng Việt. Ngoài ra, phải thừa nhận ca khúc nước ngoài đa dạng về thể loại, khi hát lại không bị so sánh, soi xét kỹ như các ca khúc Việt.
Nhưng thực tế “sính ngoại” trên của Giọng hát Việt lại dấy lên không ít nghi ngại. Bởi dù thí sinh đoạt giải của Giọng hát Việt sẽ có sẽ có hợp đồng với hãng ghi âm quốc tế Universal thì cũng không vì thế các thí sinh lẫn huấn luyện viên lạm dụng tiếng Anh. Để rồi tự đánh mất cơ hội thực sự cho mình bước chân vào làng nhạc Việt khi bỏ quên những ca khúc bằng tiếng mẹ đẻ.
Khả năng cho Giọng hát Việt thành công trong thị trường hát tiếng Anh quốc tế là con số không. Đơn giản vì số lượng và chất lượng của các ca sĩ tiếng Anh bản ngữ đủ để cung cấp cho cả thế giới, không phải đợi đến Việt Nam.
Hơn nữa, chưa kể việc quá “sính ngoại” trên sẽ kéo chính các huấn luyện viên của Giọng hát Việt vào thế khó khi ngoài Thu Minh ra, 3 người còn lại, nhất là Đàm Vĩnh Hưng và Trần Lập chưa bao giờ có ưu thế trong việc hát nhạc ngoại. Sẽ ra sao khi họ làm huấn luyện viên cho các thí sinh đang chứng tỏ rất co gu với âm nhạc quốc tế này?
Các thí sinh thể hiện ca khúc tiếng Anh tốt chưa chắc đã hát tiếng Việt tốt. Trong khi đó Giọng hát Việt được lập ra là để tìm kiếm tài năng Việt, giọng hát Việt cho chính những khán giả Việt nghe. Vì thế thiết nghĩ, dù biết là hát tiếng Anh lợi thế, nhưng cả thí sinh, huấn luyện viên, lẫn nhà sản xuất hãy tỉnh táo.
Bởi kết cục của tư tưởng “sính ngoại” này ra sao, ai cũng rõ. Thí sinh vô địch Giọng hát Việt sẽ “cao không tới, thấp không thông” khi tiến vào làng nhạc Việt sau cuộc thi. Nói gì thì nói, tìm cách thăng hoa cảm xúc bằng bài hát tiếng Việt mới là việc của ca sĩ Việt Nam.
Ca sĩ Việt hát tiếng Anh hay đến mấy cũng chỉ khiến một bộ phận người Việt Tây hóa sướng tai tạm thời mà thôi. Về lâu về dài chẳng có mảnh đất nào dung thân cho họ khi hơn 80 triệu người dân Việt vẫn đang hàng ngày nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt. Hà cớ gì mà họ phải hâm mộ một giọng ca không hát thứ tiếng họ đang dùng?