“Đẳng cấp không phụ thuộc vào cát sê”

Giọng ca trữ tình, ấm áp và giàu nội lực Hồ Trung Dũng đã chia sẻ những suy nghĩ rất thật và sắc bén của mình về Giải thưởng gây tranh cãi này.

Vượt qua ca sỹ trẻ có lượng fan hùng hậu Noo Phước Thịnh và giọng ca đầy nội lực Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng đã giành được giải thưởng danh giá cho Nam ca sỹ được yêu thích nhất tại HTV Awards 2013. Cũng chính với bất ngờ này, giải thưởng này đã gây ra tranh cãi lẫn nghi vấn về tính minh bạch của nó.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Hồ Trung Dũng về vấn đề này cũng như những quan điểm làm nghề, giá cả và cả chuyện fan cuồng đang gây phẫn nộ dư luận thời gian gần đây:

Fan của tôi không ít hơn của Noo Phước Thịnh

Đến bây giờ nhiều người vẫn thắc mắc rằng tại sao fan của Noo Phước Thịnh đông hơn Hồ Trung Dũng mà anh lại là người thắng cuộc tại HTV Awards năm nay. Anh có lời giải nào cho thắc mắc này?

Ngày hôm đó tôi nghĩ fan của tôi so với fan của Noo cũng không ít hơn. Fan của tôi cũng đông nhưng anh tôi có dặn trước fan là không nên làm quá ồn ào. Ngay khi Ban tổ chức sướng tên tôi thì các bạn cũng đã hô hào tên nhưng tôi có ra dấu để trấn tĩnh các bạn, vì tôi không muốn xảy ra trường hợp fan đấu đá nhau trong khi nghệ sĩ không muốn như vậy.

Lúc bước lên nhận giải, tôi cũng có nghĩ rồi, chắc chắn sẽ có nhiều bạn không hài lòng với kết quả đó, kể cả fan và những người trong nghề, hay giới báo.

“Đẳng cấp không phụ thuộc vào cát sê” - 1

Hồ Trung Dũng bỏ xa Noo Phước Thịnh và Đức Tuấn để giành giải thưởng Nam diễn viên được yêu thích nhất tại HTV Awards 2013

Ý của tôi không phải là lượng fan của chỉ riêng ngày hôm đó mà là lượng fan thực có được? Liệu có khuất tất gì trong giải thưởng này như suy nghĩ của nhiều người không?

Về vấn đề minh bạch của chương trình thì tôi luôn tin vì từ trước giờ tôi thấy ít có chương trình nào đưa ra được số phiếu rõ ràng như chương trình này và còn có công ty thứ 3 để làm việc đó. Còn tại sao số phiếu của tôi cao hơn, tôi không muốn nhấn mạnh và nếu cần thiết thì tôi cũng đưa ra được những giả thuyết.

Trong các chương trình Vietnam Idol, những bạn mà có FC đông thì thường cuối cùng hay lọt vào vòng nguy hiểm. Lượng fan online đặc biệt là fan online của dòng nhạc thị trường chỉ là tương đối, các bạn có thể tham gia rất nhiều các FC khác nhau và để khi bình chọn thì chưa chắc các bạn đã bình chọn mình.

Thứ hai, dòng nhạc của tôi nó trải rất rộng, từ các bạn trẻ cho đến những người lớn tuổi, 50-60 vẫn có và đặc biệt những người đã trung niên rồi thì họ sẽ không hoạt động trên online, họ không hoạt động nổi, họ chỉ hoạt động chìm thôi và khi cần điều gì thì họ sẽ xuất hiện.

Những người họ đã ổn định rồi thì những lúc cần huy động rất dễ, chỉ cần nói một tiếng thôi là họ sẽ hết mình. Vì thế, tôi không quá bất ngờ về số lượng tin nhắn mà tôi chỉ bất ngờ về số lượng tin nhắn của người khác, tại sao Noo lại thấp hơn mình chứ tôi không bất ngờ về con số của tôi.

Cả ở bảng nữ cũng vậy anh không bất ngờ về con số của Văn Mai Hương mà tôi bất ngờ về con số của Uyên Linh. Tôi nghĩ ai cũng xứng đáng để được nhận giải thưởng đó chỉ có điều ai là người may mắn hơn mà thôi. Và giải thưởng cũng chỉ mang tính chất tương đối.

“Đẳng cấp không phụ thuộc vào cát sê” - 2

Fan của Hồ Trung Dũng hoạt động "chìm" không có nghĩa là không đông

Anh có buồn không trước những phản ứng khá gay gắt của nhiều antifan?

Tôi buồn không phải vì người ta nói mình như thế  nào mà tôi buồn vì mọi người yêu ghét một cách hơi cực đoan. Ở một đất nước phát triển, khán giả họ sẽ yêu mến một cách công bằng hơn.

Nếu như một bài hát của tôi không hay thì họ vẫn nói là không hay mặc dù đó là fan ruột của tôi, hoặc họ khen bài hát của người khác hay hơn nếu như hay hơn chứ không phải là cứ mình thích thì làm cái gì thì cũng đúng và đối thủ của mình họ làm cái gì thì cũng sai. Đó là điều tôi mong muốn sẽ thay đổi. 

Có hiểu mới yêu được bền!

Anh đang đề cập đến vấn đề văn minh của khán giả. Nếu nói như vậy thì khán giả của VN chưa đủ văn mình?


Nếu lật ngược lại câu hỏi như thế thì có phần hơi không công bằng lắm. Tôi chỉ nói là có một số bạn vẫn còn mang tính chất là của ta và địch, chuyện thắng thua, có một số bạn vẫn luôn nghĩ trong các cuộc thi thì ta luôn phải là người chiến thắng trong khi tôi thì tôi không đặt nặng vấn đề đó.

Cái tôi sợ là những bạn có xu hướng, suy nghĩ như thế thì đều là những bạn rất trẻ, nói một cách khác là chủ tương lai của đất nước, là tầng lớp đông đảo nhất của nước mình, nếu chúng ta không hướng cái tư duy tích cực thì nó sẽ tương đối nguy hiểm.

Ý anh là ca sĩ có vai trò quan trọng trong việc định hướng cho fan của họ?


Hoàn toàn đúng như vậy. Tôi chưa lập ra FC vì khi lập ra rồi tất cả các hoạt động của các bạn mình sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Những cách cư xử của mình trong nghề cũng ảnh hưởng đến fan rất nhiều. Ca sỹ như thế nào thì fan của họ sẽ như thế đó!

“Đẳng cấp không phụ thuộc vào cát sê” - 3

Anh không buồn vì bị phản ứng gay gắt mà buồn vì cách cư xử thái quá của nhiều khán giả

Dư luận, phụ huynh và cả báo giới chỉ trích khá nặng nề chuyện phát cuồng của giới trẻ ngày nay dành cho thần tượng của mình, mà “kinh điển” nhất là màn hôn ghế thần tượng trong thời gian vừa qua. Là một thần tượng của nhiều khán giả, anh nghĩ thế nào về vấn đề này?

Tôi không cho rằng mình là một thần tượng mà chỉ là người bạn đồng điệu với họ mà thôi. Hành động quá khích như trên và kể cả Gangnam Style thì tôi cũng hoàn toàn không hiểu được. Tôi hiểu là người ta thấy tò mò, thấy lạ nhưng không hiểu tại sao mà nó lại đến mức độ như vậy.

Tôi nghĩ, ở đây có hiện tượng phong trào, đám đông, đặc biệt khi chúng ta chưa thực sự biết chúng ta thích cái gì và với tuổi trẻ thì chuyện đó là bình thường. Khi chưa biết thích thì người ta thường có hai xu hướng. Ví du như văn hóa phương tây nếu như chưa biết thì người ta thường làm điều ngược lại vì họ nhấn mạnh cái tôi của mình.

Còn ở Châu Á mình thì khi mà mình chưa biết thì mình sẽ đi theo đám đông. Chỉ cần khi mình thích cái gì thì các bạn phải biết được tại sao mình thích cái đó. Và nếu khi bạn trả lời được điều đó thì các bạn hoàn toàn có quyền yêu thích thứ bạn thích.

Bây giờ giả sử có một bạn fan của anh, hôm cái ghế mà anh vừa ngồi nhưng bạn đó có thể lý giải tại sao bạn ấy làm như thế thì anh có suy nghĩ như thế nào?

Tôi hoàn toàn không tưởng tượng ra được fan của tôi sẽ làm điều đó. Thực sự câu hỏi này quá khó, nhưng chắc chắn là tôi sẽ không vui. Tôi chỉ nghĩ, khi họ hiểu mình thì họ thích rất bền còn khi họ không hiểu thì có thể ngày mai có người khác mà họ thích hơn thì là hết. Và nếu hiểu Hồ Trung Dũng thì chắc chắn fan của Dũng sẽ không làm điều đó.

Thế còn với Đức Tuấn thì sao, anh có nghĩ mình xứng đáng để vượt qua anh ấy để giải thưởng này?

Tôi và Đức Tuấn, mỗi người chọn dòng nhạc của  mình thì mình đều biết cái mặt được và mặt xấu của nó. Chúng tôi chọn khán giả gần như là tương đương nhau nên chúng tôi chia sẻ với nhau lượng khán giả từ trung niên trở lên nhưng anh Tuấn không có lượng khán giả trẻ tuổi nên lượng bình chọn của anh Tuấn ít hơn của anh thì đó cũng là điều dễ hiểu. Và tôi nghĩ Đức Tuấn cũng không lạ lùng gì điều đó cả.

“Đẳng cấp không phụ thuộc vào cát sê” - 4

Với anh, cát xê không phải là điều tiên quyết nói lên đẳng cấp của một ca sỹ

Số phiếu bình chọn của tôi cao hơn là do tôi có lượng fan trẻ tuổi nhiều hơn Đức Tuấn và tôi nghĩ fan của Đức Tuấn còn ít hoạt động hơn fan của tôi, họ còn là những người thầm lặng hơn fan của tôi. Nhưng điều đó không có nghĩa là Tuấn thua vì anh Tuấn sẽ có những sân chơi khác. Điều đó cũng như bây giờ tôi tham gia vào một giải thưởng của dòng nhạc trẻ tuổi teen thì tôi không thể nào vượt qua Noo Phước Thịnh được vậy. 

Hỏi thật nhé, giải thưởng này có nó nâng cát xê của anh lên không?

Nâng hay không thì do bản thân mình nhưng hiện tại thì anh chưa nghĩ đến chuyện này. Nó còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế như thế nào. Tôi không muốn nâng đẳng cấp của mình phụ thuộc vào cát xê. Tôi không xuống giá, với cái mức giá đó anh biết phải làm thế nào để mình đủ “sống”.

Nhưng tôi cũng không thích tăng giá rồi khi thấy mình ít show rồi xuống giá. Đó là điều không bao giờ xảy ra với tôi nên mỗi khi tăng giá anh phải suy nghĩ rất kỹ và mỗi lần tăng giá thì đều phải có lý do để lên như thế.

Giữa giá cả và nghệ thuật, tôi luôn cố gắng cân bằng giữa hai vấn đề đó. Cái giá nó cũng rất quan trọng, nó đánh giá được cía công sức mình bỏ ra và thứ hai là mình có thể tái đầu tư vào sản phẩm kế tiếp.

Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Thảo ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN