Đàm Vĩnh Hưng: Phía sau "ngai vàng showbiz"
…là “ông hoàng” Đàm Vĩnh Hưng kiêu hãnh nhưng thực chất rất đa cảm, viết thơ tặng người tình rồi cất trong két sắt như báu vật của riêng mình
Nếu chỉ nhìn trên mặt báo và cả những câu chuyện “tám” với nhau ngoài quán xá vỉa hè về Đàm Vĩnh Hưng, người ta thường thấy những phát ngôn khá sốc, thú chơi ngông về quần áo đồ hiệu, show diễn bạc tỷ và những lời đồn đại về giới tính, sắp vỡ nợ… phía sau cuộc sống riêng tư của anh. Điều đó không khó hiểu khi bây giờ nhiều công chúng nhìn người đẹp, chân dài nổi tiếng thì cho rằng họ cặp với đại gia, làm giàu không chính đáng bằng nhan sắc…
Người hiểu luật chơi
Có vẻ như những chuyện “xấu mặt” của sao sẽ khiến người ta hể hả yên lòng vì những người nổi tiếng hào nhoáng kia cũng đầy rẫy vấn đề, cũng tầm thường như bất cứ ai đấy thôi. Và quan trọng hơn, người ta còn được xoa dịu với thú vui lên án một người nổi tiếng, chỉ trích họ đã làm ảnh hưởng đến những giá trị đạo đức to tát ra sao.
Đàm Vĩnh Hưng hiểu luật chơi. Anh là vua chiêu trò, vua làm quá, nên tất nhiên “ông hoàng showbiz” cũng không thấy quá phiền khi biết họ đang bàn tán về mình. Phải để cho họ bàn tán chứ nếu không, những nỗ lực của anh sẽ vô nghĩa.
Mr. Đàm nói: “Làm nghệ sỹ mà để một ngày nào đó chẳng ai thèm nói gì, đồn đại gì về mình thì đi ngủ là vừa”.
Trong cuộc đại chiến truyền thông, mạng xã hội về showbiz, khi mà ai cũng có quyền treo trên tường nhà mình những lời lên án, chỉ trích gay gắt về đạo đức của một ai đó, nghệ sỹ phải tự chọn cho mình một thế đứng. Có người ra sức chứng tỏ mình đàn ông 100%, có người tránh xa cho an toàn…
“Showbiz Việt đang trải qua thời kỳ mà các nghệ sỹ phải đi nhẹ nói khẽ. Vì rất có thể ngày mai, với một sự hớ hênh nào đó, người ở trên bàn mổ của bàn dân thiên hạ sẽ là họ. Đừng trách nghệ sỹ an toàn vì họ cần phải phòng vệ”, anh nói.
“Tráng sỹ” Ngọc Sơn từng phát ngôn: “Cái xã hội này giống như tụi con nít còn đi học vậy. Khi giỡn chơi, cả đám hùa vào chơi ác, tụt quần một đứa, gọi là trò bắt nạt. Lớn lên, cứ thấy ai xắn quần, đứng thẳng lưng lên là có cả một cộng đồng xông tới túm quần tay nọ kéo xuống. Thôi thì đã vậy, tôi tự tụt tôi!”.
Đàm Vĩnh Hưng điềm tĩnh hơn: “Báo chí thích sốc, gặp tôi để làm bài sốc thì tôi cho họ điều đó”.
Nhưng đừng bao giờ mong sẽ thấy hình ảnh Mr. Đàm khúm núm, đi nhẹ nói khẽ và tự bôi xấu mình. Họ Đàm quá kiêu hãnh và duy mỹ để luôn thẳng lưng. Anh đủ “mạnh” để dám nói thẳng mọi suy nghĩ của mình.
Tố chất giải trí của anh chàng mặt ác, mũi khoằm
Đừng đọc những cuốn sách dạy về thành công để có thể bóc tách bí ẩn “ngai vàng showbiz” của Đàm Vĩnh Hưng. Anh không tự hào khoe mình đã đương đầu với số phận ra sao, đã luôn khát khao thực hiện ước mơ thế nào để có được thành công hôm nay.
“Đây là một cú quá mạng. Tôi đã đón nhận cơ hội một cách hết mình và cũng hiểu được mình đang làm gì”, Mr. Đàm chia sẻ.
Nhưng chắc chắn Đàm Vĩnh Hưng mê hát. Anh mê cái cảm giác người ta thẫn thờ nghe mình hát từ khi còn là một nam sinh trung học. Chẳng ai tin một tay lấc cấc mặt ác, mũi khoằm, giọng khàn hụt hơi như Huỳnh Minh Hưng (tên thật của Đàm Vĩnh Hưng) có thể sống thọ với nghề ca hát.
Áp lực kinh tế của gia đình khiến anh buộc phải chọn nghề cắt tóc. Mr. Đàm không chọn bán cơm, bán gạo vì lý do ai cũng cần ăn. Đơn giản anh thích làm đẹp, đẹp cho mình và cho người khác.
“Tôi tin vào con mắt của mình. Ít có khách nào của tôi bỏ tôi qua tiệm khác lắm. Giống như khán giả của tôi vậy, không biết trước đó họ ghét tôi ra sao nhưng nếu đã nghe tôi hát trực tiếp, họ sẽ đến nghe nữa. Nghề nào cũng vậy, phải có bản sắc riêng và phải để người ta yêu mến mình thật sự”, anh tâm sự.
Thợ cạo là một nghề hoàn hảo để làm bước đệm cho con đường trở thành người của công chúng. Nghề này cho anh va chạm với đủ mọi dạng người, cả tốt, cả xấu. Anh hiểu cuộc đời xung quanh hơn, biết cách “hấp dẫn hóa” bản thân hơn vì hiểu người ta thiếu thốn gì.
Tại sao ư? Này nhé, một anh thợ cắt tóc đắt khách buộc phải có 2 yếu tố: tay nghề giỏi và hay chuyện. Đàm Vĩnh Hưng đã nhìn và hiểu nhân tình thế thái qua hàng trăm mảnh đời đến cửa tiệm của mình, không phải chỉ để cắt tóc mà còn để tâm sự đủ mọi chuyện.
Anh xoa dịu họ, làm đẹp cho họ, anh học cách chạm vào tâm tư tình cảm của mọi người. Và đương nhiên, anh thấy hạnh phúc, khoái chí khi người ta mê mình, chịu nghe những câu chuyện thú vị, tếu táo của mình và hơn hết, anh luôn có cách thuyết phục rằng họ đẹp và mọi chuyện rồi sẽ ổn.
Tôi hỏi: “Anh ngạo mạn và kiêu hãnh. Đúng, ở vị thế của anh, anh nói gì chả được. Nhưng khi còn là anh thợ cạo quèn, anh có ngông không hay cũng phải kìm cơn sĩ để chiều chuộng những “thượng đế” giời ơi nhất của mình?”.
Mr. Đàm cười: “Một trong những nguyên tắc sống của tôi là không hạ thấp bản thân. Tôi từng đuổi thẳng một bà lủng lẳng hột xoàn, vàng đeo đầy tay vì kì kèo mặc cả vài ngàn đồng. Tôi không thích ai mặc cả với tôi vì tôi sống luôn biết điều. Hơn nữa, tôi ghét những kẻ bần tiện”.
Và bất chấp làm được bao nhiêu trả nợ bấy nhiêu, chủ nợ đến tận nơi giật tiền trên tay… anh vẫn âm thầm nuôi mộng làm ca sĩ. Anh tập biểu diễn trên những hòm gỗ giả làm sân khấu, thu lại giọng hát qua những băng cát-sét ở quán karaoke để tự thỏa mãn và cũng để hiểu xem mình có “ngửi” nổi mình không, có gì cần khắc phục. Anh xin đi hát ở bất cứ chỗ nào, không từ bỏ một cơ hội dù nhỏ đến đâu chỉ để đứng trên sân khấu.
Bí quyết thành công của Mr. Đàm là dám mơ, dám liều nhưng đừng quên giỏi ứng biến. Anh tâm sự rằng: “Tôi là người ăn cắp nghề siêu nhanh. Cái gì hay ho mà để tôi nhìn thấy một lần là “mất nghề” với tôi ngay. Và đương nhiên, tôi biết biến cái người khác giỏi thành cái của mình một cách đẹp nhất và ấn tượng hơn”.
Bóng ma thời gian
Tôi đến nhà riêng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tại cư xá Bắc Hải vào một buổi chiều muộn. Anh cũng vừa về đến nơi sau cả ngày bận rộn thu âm và ghi hình cho một show truyền hình.
Trong chiếc thang máy đưa chúng tôi lên phòng riêng của “ông hoàng showbiz”, chủ nhân của biệt phủ nhìn vào gương bên trong thang máy và thở dài: “Thời gian đáng sợ thật. Tôi rất sợ một ngày nào đó sẽ già đi…”.
Tôi hỏi anh, khi nào anh mới dừng lại? Đàm Vĩnh Hưng trả lời: “Thực ra tôi muốn hát cho đến hơi thở cuối cùng. Tôi không nói mình sẽ dừng lại ở đỉnh cao như nhiều người hay ngậm ngùi rút lui khi hết thời. Tôi sẽ không hát nữa khi tôi không còn đẹp. Tôi không sợ chết nhưng sợ bị già đi. Nhưng ngày mà tôi quyết định dừng lại, tôi sẽ làm show diễn hoành tráng nhất cuộc đời để chia tay khán giả trong vòng… ba năm”.
- Vậy anh muốn được chết như thế nào?
- Ngày xưa, tôi từng nói muốn được chết khi hát trên sân khấu. Nhiều người cũng nói như vậy vì có lẽ câu trả lời đó hay ho, cống hiến lắm. Bây giờ tôi biết, tôi muốn được chết sau một show diễn hết mình, trở về nhà, tắm rửa sạch sẽ và ra đi trong giấc ngủ. Chết như giấc mơ của một đứa trẻ, được trở về trạng thái yên ổn, thanh khiết nhất, sau những tràng pháo tay yêu thương, bỏ qua những thù hận, bon chen…
- Đến giờ, anh hối tiếc nhất điều gì?
- Có 2 việc. Tôi từng làm mất một cuộc tình, lúc đó tôi không biết coi trọng, để khi mất đi tôi mới biết đó là điều đẹp nhất cuộc đời mà tôi từng có. Thứ hai là tôi không còn bố. Không còn người để tôi chia sẻ mọi thứ. Ông không còn để tôi có thể hàn gắn sự rạn nứt dẫn đến ly dị của bố mẹ mình.
Tôi tin bây giờ tôi có thể làm được điều đó, không phải vì quyền lực của tiền bạc. Tôi nghĩ mình đã có đủ chính kiến, đủ khổ đau để biết trân trọng hạnh phúc và để niềm tin để mọi người trong nhà ngồi xuống tháo gỡ mọi vấn đề.
- Một câu hỏi mà tụi học sinh hay hỏi nhau, nếu mẹ và người yêu anh cùng gặp nguy hiểm, anh chỉ cứu được một người, anh sẽ làm như thế nào?
- Việc này tôi đã gặp rồi nhưng không cụ thể như vậy. Tôi đưa tất cả mọi người quan trọng của mình đến nơi an toàn trước và mình tôi ở lại. Không phải vì tôi chọn chết để mọi người được sống mà vì tôi tin mình khó mà chết được. Sóng gió cỡ nào cũng không dọa được tôi.
Bản tính tôi bao đồng, muốn mọi người quanh mình phải ổn, phải no đủ. Chính vì thế, tôi không cho phép mình sai lầm hay thất bại. Phía sau còn có bao nhiêu người sống phụ thuộc vào tôi. An nguy của tôi ảnh hưởng rất lớn đến họ.
- Anh bị áp lực phải trở thành người hùng hay là khi giàu có anh mới chơi trò người hùng?
- Tôi từng bẻ đôi miếng bánh khi bụng đói meo. Tôi từng quá khổ cực nên khi thành đạt, tôi muốn giúp càng nhiều người càng tốt. Người hùng thật sự là không tính toán khi giúp một ai đó để được tôn vinh. Tôi chỉ làm những việc nên làm thôi.
“Tôi hát mà không tiếc rẻ cổ họng của mình. Tôi có nhu cầu để khán giả nhìn thấy ngọn lửa trong tôi”
Báu vật của Mr. Đàm Chiếc giường của anh được bài trí như một sân khấu với 3 bậc tam cấp. Anh cho biết: “Giường mà cứ thế leo lên thì bình thường quá. Tôi muốn có mấy cái bậc dẫn lên để có cảm giác quyền uy, trân trọng, được đặt để trên cao. Tôi thích sự lấp lánh xung quanh mình như đứa trẻ có thể mê mẩn ngồi ngắm cây thông Noel cả ngày vậy”. Cuộc nói chuyện của chúng tôi trôi đi với đủ chuyện nghề, chuyện đời của anh. Cuối cùng anh nói: “Anh sẽ cho em xem vật báu của anh”. Tôi hết sức tò mò, nhìn Mr. Đàm mở cái két sắt và lấy ra một cuốn sổ nhỏ. Trong đó, anh chép những bài thơ viết cho những người tình của mình. Anh kể mình có 2 người tình khắc cốt ghi tâm. Một người yêu anh khi mới 18 tuổi. Mối tình đó đẹp đến nỗi anh đã viết lên những câu thơ: “Ai đã đến vào chiều mưa tháng Sáu/ Để tôi mềm lòng chất ngất tình trong mơ/ Ai đã cuốn hồn tôi với tuổi “hai lần chín”/ Để tôi thấy mình chới với biển yêu đương…”. Với người tình định mệnh khác, anh và cô trao nhau những vần thơ: “Làm sao yên vui khi phương ấy là em/ Một mình chống chọi với cơn đau thể xác/ Làm sao yên giấc khi phương ấy là em/ Lạnh lẽo cô đơn trong giấc ngủ không tròn/ Anh đếm từng lo âu, từng trăn trở/ Làm dấu thánh giá anh mang bao lời nguyện/ Mong rằng hồn đẹp nơi ấy được bình yên”. Trong rất nhiều bài thơ anh viết, có những bài rất buồn và cô độc: “Tôi ngắm nhìn mình bằng những cử động của hiện tại/ Cười một mình thích thú và đầy bí hiểm/ Ngoài kia nắng vẫn căng đầy gắt gỏng như không muốn chiều bóng mát/ Tôi phải tránh nắng bằng bóng râm ngay dưới chân mình”. Báu vật của anh là những điều đơn giản như vậy. Anh cũng như một đứa trẻ trong vai người hùng, phải vững chãi, luôn chiến thắng vì những người phía sau mình. Trong phút chốc, tôi chợt hiểu những câu thơ anh viết: “Tôi phải tránh nắng bằng bóng râm ngay dưới chân mình”. |