Chuyện ít biết về thu nhập ca sỹ Hoa
Trong hợp đồng giữa ca sĩ và công ty âm nhạc, số tiền sẽ được phân chia như thế nào? Ca sĩ được và mất gì khi đầu quân cho một công ty phát hành đĩa thay vì tự thân vận động?
Tiền hợp đồng, ca sĩ không được hưởng trọn
Nhiều người vẫn nghĩ, tiền hợp đồng sẽ được trao cho phía ca sỹ. Tuy nhiên trên thực tế ca sĩ không được nhận toàn bộ số tiền như đã ghi trong hợp đồng. Thông tin này được ông Tướng Chính, đến từ công ty giải trí Nova giải thích: “Khi công ty ký hợp đồng với ca sĩ, hai bên đã bàn bạc trước về giá trị hợp đồng, không có chuyện thêm bớt”. Tuy nhiên, số tiền trên sẽ còn được chia nhỏ cho đội ngũ người quản lý của chính ca sĩ.
Được biết, tiền hợp đồng tại showbiz Hoa ngữ sẽ được phân bổ theo hai loại sau:
Loại thứ nhất, công ty ghi âm sẽ tính gộp thu nhập của ca sĩ lẫn người quản lý, từ đó tính ra tỷ lệ ăn chia hợp đồng giữa công ty và ca sĩ. Còn về mức phân chia giữa ca sĩ và người quản lý là bao nhiêu, ca sĩ và quản lý sẽ tự bàn bạc và đi đến quyết định với nhau.
Nam ca sĩ Ngô Khắc Quần là một tên tuổi sáng giá trong showbiz nhạc xứ Đài.
Loại hợp đồng thứ hai, ca sĩ nhận đội ngũ quản lý mới từ phía công ty mới. Đội ngũ, cá nhân với tư cách người quản lý, được công ty ghi âm giao trọng trách sắp xếp lịch diễn, ghi âm, liên lạc... cho ca sĩ, đồng thời là người đại diện của công ty đứng ra lo mọi việc cho ca sĩ. Do đó họ cũng nhận được một phần nhỏ trong giá trị hợp đồng giữa ca sĩ với công ty ghi âm, cho dù mức phần trăm này khá ít ỏi.
Theo anh Nhiếp Tiểu Viễn từ công ty nữ ca sĩ Thượng Văn Tiệp (được mệnh danh Lady Gaga Trung Quốc) tiết lộ, bất luận như thế nào quyền phân chia giá trị hợp đồng sẽ do phía ca sĩ định đoạt, công ty không được phép can thiệp.
Hợp đồng ca sĩ Đài Loan, Hồng Kông đè bẹp ca sĩ từ đại lục
Cũng theo ông Tướng Chính cho biết, giá trị hợp đồng âm nhạc trong những năm gần đây không có nhiều biến động: “Sự thay đổi trong giá trị hợp đồng có quan hệ mật thiết rất lớn đối với giá trị tự thân của ca sĩ. Ca sĩ càng nổi tiếng bao nhiêu, giá trị hợp đồng theo thời điểm ký vì vậy có sự khác biệt”. Như vậy, với một ca sĩ mới vào nghề, giá trị hợp đồng được quy ra số tiền. Nếu danh tiếng của ca sĩ càng nổi, giá trị hợp đồng theo đó được cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, sự khác biệt giữa giá trị hợp đồng của ca sĩ Trung Quốc đại lục với ca sĩ ở Hồng Kông và Đài Loan là điều dễ nhận thấy. Ca sĩ từ đại lục thường nhận hợp đồng có giá trị thấp hơn hẳn so với các đồng nghiệp khác: “Ca sĩ ở Đài Loan và Hồng Kông thường có khả năng chiếm lĩnh sân khấu lớn nhỏ ở cả Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore. Trong khi có rất ít ca sĩ từ đại lục có khả năng trên”, ông Tướng Chính chia sẻ. Điều này dẫn đến lý vì sao giá trị hợp đồng ký cho ca sĩ đại lục khiêm tốn hơn hẳn.
Diva và Vương Lực Hoành từng là hai ca sĩ hàng đầu ở Đài Loan nhận được những hợp đồng "khủng".
Theo một thống kê của trang QQ, tính đến thời điểm hiện tại, người nắm giữ kỷ lục với giá trị hợp đồng “khủng” nhất sân khấu nhạc Hoa ngữ thuộc về diva Vương Phi. Ngay từ năm 1997 khi gia nhập công ty EMI Vương Phi đã nhận hợp đồng trị giá 240 triệu Đài tệ (gần 200 tỷ đồng). Vị trí thứ hai là nam ca sĩ Vương Lực Hoành (Wang Lee Hom) với 150 triệu Đài tệ (105 tỷ đồng) khi ký hợp đồng với công ty âm nhạc Universal Music năm 2006.
Trong khi những ca sĩ hạng A của Đài Loan và Hồng Kông thường xuyên nhận những hợp đồng trị giá hàng trăm triệu tệ, ca sĩ từ đại lục lại ảm đạm và cám cảnh hơn với con số đếm trên đầu ngón tay.
Theo anh Nhiếp Tiểu Viễn nhận định: “Có rất ít ca sĩ đạt được những hợp đồng có giá trị như trên. Thực tế cho thấy, đa phần ca sĩ hạng A ở đại lục thường tự lực cánh sinh, rất ít người chịu nằm dưới sự quản lý của bất kỳ công ty ghi âm hay phát hành đĩa. Nếu có ca sĩ nào đạt được mức như trên, chỉ có thể là những quán quân từ các cuộc thi ca hát là có khả năng nhất”.
Những ca sĩ nổi tiếng đến từ đại lục hiếm khi có được những hợp đồng hàng trăm triệu tệ như đồng nghiệp xứ cảng thơm và Đài Loan.
Số phận hẩm hiu của ca sĩ hạng B, C và D
Nhiếp Tiểu Viễn còn chỉ ra rằng, không chỉ có những ca sĩ hạng A mới được ký hợp đồng, những ca sĩ hạng B, C khi chuyển công ty cũng có cơ hội được các công ty mới chào đón, cho dù con số những ca sĩ như vậy không hề nhiều. Tuy nhiên, đối với những ca sĩ hạng B, C khi được ký hợp đồng thường là trường hợp “đường cùng”, vì họ không thể nhận được bất kỳ hợp đồng ở đâu khác. Do đó họ phải chịu nhận số tiền hợp đồng vô cùng ít ỏi, ưu đãi hạn chế và bị nhiều ràng buộc.
Nếu một ca sĩ hạng B ký hợp đồng với một công ty ghi âm mới hoàn toàn thì có khả quan hơn, bởi công ty đó đang cần đến ca sĩ. Trừ trường hợp ca sĩ hạng D nếu từ bỏ công ty cũ sẽ không bao giờ tìm được hợp đồng mới. Những ca sĩ này chỉ thuần túy sống dựa nhờ vào thu nhập từ ăn chia sau khi đĩa được bán ra.
Ký hợp đồng: Ca sĩ được nhiều hơn mất
Tiền ký hợp đồng được coi như một kiểu lợi ích mà công ty ghi âm trả cho ca sĩ. Phía công ty băng đĩa không tiếc tiền bỏ ra hàng trăm triệu tệ, với mục đích thu hút và giữ chân nghệ sĩ. Ngoài ra, công ty phát hành, ghi âm có khả năng tạo dựng tên tuổi và biến ca sĩ thành “cây hái ra tiền”, mang lại nguồn lợi dồi dào vô số kể cho chính bản thân công ty. Dưới cái nhìn của anh Nhiếp Tiểu Viễn, ca sĩ mới chính là người xứng đáng hưởng lợi ích trực tiếp từ những hợp đồng giá cao ngất ngưởng.
Ngoài ra, ca sĩ cũng luôn hy vọng đời sống xã hội ngày một nâng cao, nhờ vậy túi tiền của họ cũng ngày một dày hơn. Đồng thời các ca sĩ sẽ cảm nhận được sự tin tưởng và kỳ vọng của công ty dành cho, vì vậy cũng mong muốn cống hiến hết mình để thu lại bộn tiền cho công ty: “Đây chính là mong muốn của phần nhiều những ca sĩ hạng A có tiếng. Họ không chỉ dừng lại ở con số 5 triệu, 10 triệu tệ mà mong muốn công ty sử dụng tài năng và tên tuổi của họ một cách có hiệu quả nhất”, ông Tướng Chính nhận định.
Như vậy, số tiền mà ca sĩ nhận được từ hợp đồng không khác gì một món tiền đảm bảo. Nhờ đó, công ty ghi âm sẽ định vị việc ca sĩ có bao nhiêu thị phần người nghe trên thị trường, mang lại giá trị thương mại cho công ty là bao nhiêu. Từ đó quyết định chia cho ca sĩ bấy nhiêu. Đó chính là giá trị thực của một ca sĩ!
Ca sĩ Dương Tông Vỹ bỏ túi 12 triệu tệ với một công ty ghi âm ở đại lục, sau khi chia tay Universal Music.
Vậy, nếu công ty đầu tư của công ty cho một ca sĩ gặp rủi ro, không thu lời được một đồng nào từ hợp đồng từng ký với ca sĩ, liệu ca sĩ có phải bồi thường cho những thiệt hại trên hay không? Điều này được ông Tướng Chính thẳng thắn giải thích, trong trường hợp rủi ro như trên, phía công ty phát hành đĩa phải hứng chịu, khi tiền đã bỏ ra thì khong thể lấy lại được: “Giống như việc bạn mua một căn hộ, bạn để đó và đợi khi được giá thì bán. Thế nhưng thị trường nhà đất hoặc bất động sản gặp sự cố, bạn chỉ còn cách bán tống bán tháo”.
Thực tế việc thanh toán tiền hợp đồng thường diễn ra theo hình thức chuyển khoản định kỳ. Thế nhưng nếu công ty phát hiện khoản tiền lớn có xu hướng “một đi không trở lại”, liệu họ có thể dừng hợp đồng với ca sĩ được hay không? Chắc chắn phía công ty vẫn phải trả bằng hết số tiền như đã ghi trong hợp đồng với ca sĩ bởi hợp đồng là giấy trắng mực đen và có hiệu lực pháp luật, không thể không tuân theo.
Từ đó có thể nhận thấy, ca sĩ hưởng lợi rất nhiều từ việc ký hợp đồng với các công ty âm nhạc, đồng thời cũng phải chịu không ít rủi ro. Ông Tướng Chính có lời khuyên đối với các ca sĩ, nên lấy chuyện tiền nong để đong đếm thiệt hơn. Ví dụ khi một ca sĩ “bán mình” cho một công ty âm nhạc bỏ ra rất nhiều tiền cho họ nhưng không có năng lực quản lý, quảng bá, tiếp thị... Việc làm này chỉ khiến chủ công ty mất tiền, ca sĩ lãng phí tuổi thanh xuân, thậm chí không bằng ký với một công ty dù hợp đồng thấp nhưng có năng lực và nhạy bén.