Chuyện ít biết về nghệ sỹ “không có bao tử”
"Khi thấy tôi trình diễn nuốt kiếm với rất nhiều loại dài, ngắn, kích thước hình thù khác nhau, họ thích thú lắm. Họ rất nể, sợ và gọi tôi là “người Việt Nam không có bao tử” - Nghệ sĩ Minh Tân kể về những kỉ niệm đi diễn tại Lào.
Con đường dẫn vào nhà nghệ sĩ xiếc Minh Tân nằm hun hút trong một con hẻm tại khu phố 3, phường Tân Hưng, quận 7.TP.HCM. Nếu không được anh ra tận đường lớn đón, có lẽ chúng tôi khó tìm được đường vào nhà anh. Từng xem anh biểu diễn trên sân khấu không ít lần, đặc biệt là lần xuất hiện "phi thường" gần đây nhất trên chương trình Người bí ẩn, nhưng ngoài đời, nghệ sĩ Minh Tân cũng như bao người khác.
Anh kể: “Màn biểu diễn ở chương trình Người bí ẩn chỉ là một trong vô số những màn trình diễn của tôi thôi. Khán giả quen hay anh em trong nghề nhớ đến Minh Tân là nhớ đến màn nuốt kiếm. Học trò tôi nhiều người làm được lắm nhưng đâu chỉ nuốt vô là xong mà phải có nghệ thuật để khán giả phải cười, vỗ tay tán thưởng. Nhiều khi, diễn mà ít khán giả, hay họ cổ vũ không sung, diễn mất hứng lắm”.
Cứ như thế, câu chuyện từ mấy mươi năm về trước khi bắt đầu vào nghề, anh nhớ không sót một chi tiết nào.
Làm cơm cúng xin nghệ danh
Minh Tân kể, từ khán giả thân thiết cho đến anh em trong nghề không mấy người biết đến tên thật của anh. Họ chỉ nhớ một Minh Tân làm nghề diễn xiếc kungfu với những màn biểu diễn rợn người.
“Tên thật của tôi là Phan Văn Sơn, sinh năm 1963. Tính đến nay tôi đã có gần 30 năm tuổi nghề. Nghề này là đam mê từ khi còn nhỏ. Nó giúp tôi nuôi sống bản thân, sau này là cả gia đình một vợ, hai con cùng hàng trăm học trò” – anh mở đầu câu chuyện.
Nghệ sĩ Minh Tân trong ngôi nhà riêng và cũng là "đại bản doanh" anh dạy các học trò
Cách đây gần 30 năm, chàng trai tên Văn Sơn vốn đam mê ca hát và nuôi mộng trở thành ca sĩ. Thế nhưng, do duyên chưa đến và “không được tổ đãi nên ước mơ đó không bao giờ thành hiện thực". Không làm được ca sĩ, anh chuyển làm diễn viên ảo thuật vì “miễn sao được làm nghệ thuật là vui rồi”.
Anh kể, khi đó nói là ảo thuật chứ kì thực, anh chỉ được thầy dạy duy nhất trò nuốt bóng cao su vào bụng sau đó nhả ra bằng miệng. “Thầy chỉ dạy tôi một môn đó rồi ông qua đời. Sau đó, tôi tìm mọi cách tự mày mò, học hành, xoay sở rồi đến với bộ môn diễn xiếc kungfu rất tự nhiên”.
Tiết mục nuốt kiếm của nghệ sĩ Minh Tân trên sân khấu Người bí ẩn
Thế nhưng, câu chuyện về người thầy chưa chấm dứt ở đó. Anh Minh Tân kể, một ngày khi thầy anh vì nhậu say, trên đường về nhà đã ngã xuống kênh nước và qua đời. “Người ta vớt xác thầy tôi lên nhưng không ai đến nhận. Ngay cả gia đình, vợ con cũng lờ đi coi như không quen biết. Khi đó, tôi chỉ nghĩ, một ngày là thầy, trọn đời là cha nên đã tổ chức tang ma, hỏa táng rồi đưa thầy lên chùa. Tôi cũng làm mâm cơm cúng và xin thầy nghệ danh Minh Tân. Minh Tân chính là tên người thầy đầu tiên của tôi. Tôi lấy tên đó vì không muốn thầy của mình khi mất đi sẽ thành vô danh” – anh ngậm ngùi nhớ lại.
Cho đến giờ, người ta có thể không biết Văn Sơn là ai, nhưng trong nghề, cứ nói đến Minh Tân, ai cũng biết tường tỏ. Vừa xoa đầu, anh vừa hài hước tâm sự, đa phần những người làm nghề như anh đều cạo trọc đầu vì khi diễn trên sân khấu thường mặc đồ nhà chùa, phải cắt tóc mới phù hợp với trang phục. Vì thế, khi xuất hiện trong chương trình Người bí ẩn, được hóa trang, đội mũ giả gắn lông nên danh hài Hoài Linh không nhận ra người quen.
“Hoài Linh thương tôi lắm vì chúng tôi cùng nhau đi diễn suốt từ Nam chí Bắc. Anh em rất thân thiết và hiểu nhau nhưng vì chương trình hóa trang kĩ quá nên Linh không nhận ra tôi. Đến khi biết được, Hoài Linh đã khóc”.
Anh khoe cây kiếm dài mà mình đã nuốt khi trình diễn trên nhiều sân khấu
Học trò đều kêu tôi là ba
Ngôi nhà mà cả gia đình nghệ sĩ xiếc Minh Tân đang sống cũng chính là “đại bản doanh” nơi anh dạy các học trò của mình. Tất cả đều được anh lo ăn, ở và trả lương để các em có tiền chi tiêu trong cuộc sống.
“Trong nhà tôi lúc nào cũng có khoảng 10 em ăn, ở theo học nghề. Không đứa nào gọi tôi là thầy mà đều kêu là ba. Những lần tôi đi diễn tỉnh hay các tụ điểm, chúng đứng xem rồi thích quá nên xin về nhà theo học. Có những đứa chỉ học được vài tháng nhưng có những em học đến 9 – 10 năm vẫn gắn bó” – nghệ sĩ Minh Tân kể về con đường trở thành người thầy, người cha của các học trò.
Nhắc đến đây, anh nhớ đến Minh Nguyên – chàng trai vừa gây sốt trong chương trình Người bí ẩn với màn trình diễn nuốt kim vào bụng. “Nguyên quê Lào Cai, khi đó là phụ tá cho đoàn ca nhạc Phương Tường chuyên lo các công việc hậu đài. Khi chúng tôi cùng nhau diễn trong một sân khấu, nó đã xin theo học và đến nay đã được gần 10 năm”.
Theo nghệ sĩ Minh Tân, để ra sân khấu diễn được có thể chỉ mất từ 5-10 buổi với những bộ môn cơ bản như: múa lửa, nuốt rắn, ngậm than… Tuy nhiên, nếu muốn được coi là có nghề, ít nhất phải học 4-5 năm. Muốn thành thạo và làm được các màn trình diễn khó phải từ 8-10 năm khổ luyện.
Không thể nhớ hết số lượng học trò của mình nhưng nhẩm tính đến nay, anh đã có hàng trăm học trò từng đến ăn, ở, học hành suốt mấy chục năm qua. Các học trò của anh còn đến từ nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Nhiều người sau khi rời nhà anh đã bôn ba khắp mọi miền đất nước sinh nghề tử nghiệp bằng nghề diễn xiếc kungfu rồi cưới vợ, gả chồng.
Nghệ sĩ Minh Tân thị phạm cho chúng tôi và lý giải những vết xẹo chằng chịt trên cổ
Một điều đáng chú ý, tất cả các nghệ danh của học trò đều được anh chọn và đặt tên bắt đầu bằng chữ Minh - theo tên của thầy. Đa phần, học trò của anh đều là con trai, chỉ có số ít là con gái.
Theo anh giải thích, chỉ có con trai mới có thể thực hiện được những màn trình diễn mạo hiểm như nuốt kim, nuốt kiếm, dùng yết hầu để nâng các vật nặng, đóng đinh vào người... Học trò nữ chủ yếu học múa lửa, lắc vòng lửa.
Anh Minh Tân đặc biệt nhớ đến một học trò nữ có tên Minh Phương mà anh nhận làm con nuôi. Đó là một cô gái can đảm, có thể làm được tất cả các màn trình diễn như con trai. Anh gặp cô bé này khi đi diễn ở An Phú, An Giang. Sau đó vì cảm mến anh nhận làm đệ tử rồi làm con nuôi. Điều trùng hợp là, sau này anh có một đệ tử khác tên Minh Trí vì yêu quý Minh Phương nên đã xin thầy để cả hai thành vợ chồng. Đến nay, họ đã có hai con. Nói đến đó, ánh mắt của anh ánh lên niềm tự hào và hạnh phúc vì giờ đây anh đã có đủ cháu nội, ngoại ở tuổi 53.
Sinh nghề tử nghiệp
Nghệ sĩ Minh Tân kể, trong gần 30 năm theo nghề, anh đi diễn từ Bắc chí Nam, thậm chí có giai đoạn còn ăn dầm nằm dề ở nước ngoài vài tháng trời.
Một kỉ niệm vui mà anh tự hào và nhớ mãi: “Tôi nhớ nhất là những lần sang Lào biểu diễn cùng Đoàn xiếc TP.HCM. Khi đó, anh em đồng nghiệp nước bạn đều nhường xuất diễn cho nhóm xiếc Minh Tân. Khi thấy tôi trình diễn nuốt kiếm với rất nhiều loại dài, ngắn, kích thước hình thù khác nhau, họ thích thú lắm. Họ rất nể, sợ và gọi tôi là “người Việt Nam không có bao tử”. Cho nên, mỗi lần qua diễn lại họ đều gọi tôi bằng cái tên như thế”.
Ngoài Lào, nghệ sĩ Minh Tân còn thường xuyên đi diễn trong các casino ở Campuchia hay tại Đài Loan. Tuy nhiên, anh vừa phải từ chối đi diễn tại Đài Loan và nhường cho các đệ tử của mình.
“Nói đi diễn nước ngoài nhiều người ham nhưng tôi chỉ thích diễn trong nước. Có giai đoạn, tôi từng đi diễn ở Đài Loan suốt 3 tháng trời. Toàn bộ sinh hoạt đều diễn ra trong những container chở hàng, ban ngày thì nóng như thiêu đốt, còn về đêm thì lạnh. Ăn uống chỉ toàn cơm hộp” – anh nhớ lại.
Nhiều vết sẹo vẫn còn mưng mủ do quá trình tập luyện
Để đi diễn và sống được với nghề, không ít lần anh gặp những tai nạn nghiêm trọng. Còn việc trầy xước ngoài da thì không đếm xuể. Quay cổ của mình, anh chỉ lên những vết sẹo chằng chịt, trong đó có vết mới còn đang mưng mủ. “Vết sẹo này cách đây 2-3 ngày khi tôi dùng cổ cho thanh sắt sáu đâm vào, sau đó bẻ cong nó. Còn những vết sẹo cũ hoặc dùng dao cứa vào hoặc là của những cây thương nhọn hoắt. Sắp tới đây, tôi còn dự định sẽ tập với loại dao thái”.
Nổi tiếng là người nuốt kiếm nhưng chưa bao giờ bị thủng ruột. Theo anh, muốn thực hiện thành thục những phần trình diễn này, điều quan trọng nhất là luyện tập nội công để khi nuốt kiếm, toàn bộ cơ thể phải nín thở, như vậy mới không bị thương nặng. “Nuốt kiếm nhiều nên tôi cũng sợ ăn cá lắm. Tôi chỉ dám ăn các loại cá lớn, không có xương chứ cá nhỏ, nhìn rồi là không muốn ăn”.
Tuy nhiên, gần 30 năm làm nghề, có lúc anh cũng gặp những tai nạn nhớ đời. “Tết vừa rồi, tôi có đi diễn ở Bến Tre với màn trình diễn dùng mũi khoan, khoan vào lỗ mũi. Khi vừa đặt mũi khoan vào mũi, tôi biết các đệ tử của mình đã lắp chệch gen nhưng vì đang diễn nên không thể dừng lại hay chỉnh mũi khoan được. Kết quả là, khi rút mũi khoan ra, máu chảy đầm đìa”.
Nghệ sỹ Minh Tân chia sẻ, khi ra đường vẫn đeo khuyên như thế này
Khi được hỏi về chuyện thu nhập, giọng anh trùng xuống. “Tiền kiếm được ngày nào thì xài ngày đó để lo cho mình, gia đình vợ con và các học trò. Nếu nghỉ diễn là coi như không có gì luôn chứ làm sao dám tính đến chuyện có tiết kiệm. Cực nhất là vào mùa mưa, các sân khấu ở TP.HCM gần như tạm ngưng, chúng tôi phải tính đường đi các tỉnh miền Bắc để kiếm sống. Qua mùa mưa, lại quay về Sài Gòn”.
Nói đến đây, ánh mắt người nghệ sĩ 53 tuổi vẫn ánh lên niềm vui vì anh luôn tâm niệm, đó là nghề đã theo mình mấy chục năm nay, nuôi sống cả nhà. Chuyện bỏ nghề chưa bao giờ xuất hiện trong đầu anh, dù chỉ là thoáng chốc.
Đam mê, chấp nhận sinh nghề tử nghiệp và sống dựa vào nghề “mãi võ giang hồ” nhưng nghệ sĩ Minh Tân luôn tâm niệm “có đức mặc sức mà ăn”. Vì thế, dù không biết chữ nhưng anh luôn dạy các học trò của mình bài học đạo đức đầu tiên trước khi vào nghề. Mời độc giả đón đọc bài viết về chân dung người nghệ sĩ không biết chữ này nhưng luôn tâm niệm truyền tài, dụng đức cho các học trò của mình vào 0h sáng thứ Bảy (26/4) trên mục Ca nhạc MTV. |