Chinh phục đỉnh cao: Khó “lên đỉnh”

Từ ngôi sao nhạc Pop đến ngôi sao Opera, một cách dịch từ tên gọi chính thức của Pop Stars to Opera Stars. Chương trình chỉ mới loại 2 thí sinh và chặng đường còn khá dài. Tuy nhiên, điều khán giả vẫn cảm thấy mơ hồ và khó nghe vì không biết 8 thí sinh đang hát những “biến thể” hay “nguyên bản” của Opera.

Đã 4 liveshow của Chinh phục đỉnh cao trôi qua, chương trình đã cố gắng đến mức có thể để giúp khán giả hình dung chính xác về cái gọi là nhạc cổ điển trong giai đoạn hiện nay hơn là nguyên bản của nó. Tính từ đêm đầu tiên đến nay, chưa thật nhiều những tác phẩm lừng danh được hát theo quy tắc chuẩn mực xuất hiện ở Chinh phục đỉnh cao.

Điều đáng quan tâm chính ở điểm chương trình phần nào đã làm khác đi ý nghĩa gốc dịch ra từ tên nguyên của nó. Nếu khán giả tìm kiếm một ngôi sao Opera từ chương trình này thì hoàn toàn không thể mà chỉ là cuộc dạo chơi của những ca sĩ nhạc Pop đang thể hiện một dòng nhạc rất khó đó là cổ điển.

Chinh phục đỉnh cao: Khó “lên đỉnh” - 1

8 thí sinh của Chinh phục đỉnh cao 2013

Nhìn vào thực tế 4 liveshow đã diễn ra, không ai khác, ca sĩ Bùi Anh Tuấn là thí sinh mờ nhạt nhất để có thể chứng minh một ca sĩ hát nhạc Pop để có thể hát Opera đúng chứ chưa nói đến hay là không hề đơn giản.

Ngay đêm mở màn, dù là đêm tự do thoải mái lựa chọn, nhưng rõ ràng, You Raise Me Up của Bùi Anh Tuấn đã khiến khán giả thất vọng hoàn toàn khi không có một chút cổ điển trong lối hát của mình. Ngay cả Kasim Hoàng Vũ trong đêm thi đầu tiên cũng khó thuyết phục được khán giả là anh đang hát Opera. Vô hình chung, khán giả đang xem một chương trình cố gắng “phổ cập” một dòng nhạc kinh điển của nhân loại qua nhiều “biến thể” sự pha trộn của nó hơn là “nguyên bản”.

Trong khuôn khổ một chương trình giải trí, làm sao hợp khán giả, tăng rating vẫn là quan trọng nhất. Ngay ở liveshow thứ 4 với tên gọi Technopera – Opera và nhạc điện tử, 8 ca sĩ, mỗi người sẽ hát một bài tự chọn trong những vở opera nổi tiếng và được phối lại theo phong cách nhạc dance, nhạc điện tử. Ở đây đã cho thấy một sự táo bạo của chương trình, nhưng lại chưa thể thỏa mãn được khán giả. Bởi nếu đã hát cổ điển chưa chuẩn thì làm sao có thể hát cổ điển pha trộn?

Chinh phục đỉnh cao: Khó “lên đỉnh” - 2

Sự ra đi của Bùi Anh Tuấn không ngạc nhiên vì anh gần như không chạm được đến "opera"

Dưới góc nhìn của người xem, rõ ràng cả 8 thí sinh năm nay gần như khó “lên đỉnh” với Opera. Cách đây chưa lâu, khi hai giọng hát cổ điển nổi tiếng Ngọc Tuyền và Triệu Yên cùng với DJ Hoàng Anh ra mắt album Queen of The Night. Khán giả đã ngỡ ngàng trước thử nghiệm táo bạo này.

Và nay, trong liveshow 4, gần như thử nghiệm từ album Queen of The Night đã được mang lên sân khấu Chinh phục đỉnh cao một cách trọn vẹn. Đã nói là thể nghiệm riêng trong một album, thì thực tế vẫn chưa xác định được là nó sẽ thành công hay không. Vì vậy, liveshow 4 đã diễn ra trong một trạng thái “thử nghiệm” và điều này cũng có thể nhìn thấy trong suốt chặng đường đã qua của chương trình.

Khán giả sẽ không thấy được Opera khó nghe mà chỉ thấy một sự pha trộn cần được thẩm thấu qua nhiều sản phẩm thực tế chứ không phải là một đêm thi Chinh phục đỉnh cao. Ngay sau đêm thi này, có lẽ một đêm thi đặc sệt Opera sẽ lên sóng, chính là ý đồ tạo nên sự đối trọng của ban tổ chức.

Chinh phục đỉnh cao: Khó “lên đỉnh” - 3

Võ Hạ Trâm thí sinh được đánh giá cao trong cuộc thi

Ngày nay, có nhiều biến thể của opera hiện diện trong đời sống âm nhạc trong khi opera chính thống, ở chuẩn mực cao nhất của nó, vẫn tồn tại và được duy trì rất tốt. Do đó, công chúng có nhiều cách tiếp cận với dòng âm nhạc này. Từ phía ngược lại, opera có thể đến với khán giả bằng nhiều cách, qua nguyên bản cũng được, với ai thích thực sự hay đua đòi, qua các hình thức pha trộn với những thể loại âm nhạc hiện đại khác tạo ra cái mà ngày nay được gọi là “cổ điển giao thoa”.

Từ việc thích những thứ ngoại vi đó, một số lượng khán giả nào đó sẽ có nhu cầu tìm hiểu và tìm đến opera “nguyên bản”. Đó là cách mà opera gây dựng khán giả cho mình qua hàng trăm năm tồn tại, và đó cũng là tinh thần của Chinh Phục Đỉnh Cao. Tôi chẳng bao giờ sợ khán giả hiểu sai cả, khán giả họ thông minh hơn nhiều người tưởng”, nhà báo Minh Đức chia sẻ trong khuôn khổ chương trình.

Chinh phục đỉnh cao: Khó “lên đỉnh” - 4

Hai trong số 4 giám khảo của Chinh phục đỉnh cao

Vậy thì khán giả đã nghe được gì trong những sự pha trộn, kết hợp ấy ở 8 ca sĩ nhạc Pop? Nathan Lee thể hiện một bản opera trích từ vở Carmen nổi tiếng, hay Võ Hạ Trâm mạnh dạn thể hiện sáng tác của Mozart là Alleluia, hay chàng rocker Kasim Hoàng Vũ hát ca khúc Volare, còn Khánh Linh thể hiện ca khúc Un Bel Di (bài hát này được trích từ vở opera Madame Butterfly được nhạc sĩ Puccini sáng tác năm 1904)...

Sự xuất hiện của nhạc điện tử trong đêm thi này rất nhiều ở các bản hòa âm, thêm vào đó phong cách trình diễn cũng được Pop hóa rõ nét. Sau Musical đến thể nghiệm “điện tử hóa” Opera thì sẽ không thể nào cho thấy một ca sĩ hát Opera theo cách hiểu của đại đa số khán giả truyền hình.

Đưa ra những đêm thi, những dòng nhạc, chủ đề trong 4 liveshow Chinh phục đỉnh cao vừa qua, Ban giám khảo đã có những lý lẽ cho riêng mình, nhà báo Minh Đức từng chia sẻ: “...Ở đây điều tôi muốn nói là âm nhạc thế giới đã thay đổi rất nhiều so với những giáo trình khuôn thước đã ra đời từ gần một thế kỷ trước. Không ai khiến hay giao phó cho những người Việt Nam chúng ta sứ mệnh phải thay mặt thế giới để bảo tồn opera. Chúng ta tiếp cận, đón nhận opera vì đó là tinh hoa âm nhạc của nhân loại, có giá trị toàn cầu. Nhưng giá trị ấy không phải bất biến, nó cũng thay đổi theo thời gian, chính vì thế mà nó tồn tại được...”.

Chinh phục đỉnh cao: Khó “lên đỉnh” - 5

Nathan Lee với những phần trình diễn được dàn dựng công phu

Chính vì điều đó mà có lẽ, nhiều ca khúc nổi tiếng trong chương trình như: Những bóng ma trong nhà hát, Alleluia, Ave Maria… trên sân khấu Chinh phục đỉnh cao đã được “biến hoá” hoặc mang hơi hướng pop hoặc có “mùi” của âm nhạc điện tử. Và chính điều này, dù đúng với kịch bản của chương trình nhưng ít nhiều khiến khán giả không thể cảm nhận được mùi vị của opera đích thực trong đó.

Phải chăng chính yếu tố mong muốn làm sao khán giả tiếp cận được Opera và ngược lại Opera có thể sống trong đại đa số khán giả đang làm mờ dần tính chất của chương trình này? Thay vì người nghe sẽ tìm những phần trình diễn bộc lộ kĩ thuật cao của Opera thì chỉ là “nửa chừng” Opera để làm sao khán giả thích hơn là tìm hiểu? Cái chất “khó nghe” quen thuộc của Opera có khi lại là đặc điểm để khán giả thuần túy nhất có thể đắm chìm, thích và theo đuổi. Chặng đường sắp tới của Chinh phục đỉnh cao chính là phải làm sao khán giả thấy ca sĩ nhạc Pop hát Opera “nguyên bản” ra sao chứ không phải là những đêm thi làm “dễ chịu” người nghe lẫn thí sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nhật ([Tên nguồn])
Chinh phục đỉnh cao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN