Bất ngờ trước bản gốc lãng mạn của ca khúc "Say tình"
"Say tình" mà Mr. Đàm thể hiện mang sắc thái hoàn toàn khác trong ngôn ngữ "mẹ đẻ".
Đó chính là bài hát L’Italiano (Người Ý), do nhạc sĩ kiêm ca sĩ 72 tuổi người Italia Toto Cutugno (nghệ danh Salvatore Cutugno) sáng tác vào thập niên 70-80, nằm trong CD thành công nhất của ông mang tên I Grandi Successi.
Toto Cutugno và cây đàn ghita làm nên thành công cho L'Italiano.
L'Italiano được Toto Cutugno trình bày lần đầu tiên tại Sanremo 1983. Nội dung bài hát ca ngợi cuộc sống, xã hội, nói lên niềm kiêu hãnh của những người Ý nhờ vào sự siêng năng, thông minh. Ca từ của Toto Cutugno như một bài thơ vừa chân thực vừa thâm thúy. Được biết, chính ca khúc L’Italiano đã đưa tên tuổi của Toto Cutugno nổi danh khắp thế giới.
Ca khúc L'Italiano qua giọng ca Toto Cutugno.
Bài hát được ví như một bức chân dung âm nhạc đặc sắc của “một người đàn ông Italia đích thực”: "Hãy cho tôi hát. Tay cầm chiếc ghi-ta. Hãy cho tôi hát. Tôi là người Italia".
Đoạn tiếp theo là bức tranh sinh động của xã hội Italia vào thập niên 80: "Chào Italia, với món spaghetti chín tới, và tổng thống là người du kích năm xưa. Tay phải khư khư chiếc radio xe hơi. Và trên cửa sổ một con chim bạch yến....".
Toto Cutugno, "người đàn ông Ý đích thực".
Món spaghetti là đặc sản của nước Ý, chiếc radio xe hơi là biểu tượng của lớp người thành đạt lúc bấy giờ. Còn vị tổng thống là Sandro Pertini, tổng thống Italia nhiệm kỳ 1978-1985. Ông là người thành công trong việc đoàn kết các tầng lớp nhân dân và khôi phục lòng tin đối với chính phủ. Pertini cũng là người kiên quyết chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm có tổ chức của mafia.
Trong lời hai của bài hát hiện lên bức chân dung đời thường của một người đàn ông Italia điển hình, lịch lãm, chải chuốt (với áo vét sọc xanh với kem cạo râu mùi bạc hà), mê thể thao và bận bịu và tràn đầy lòng yêu nước (với lá cờ trong máy giặt).
"Chào Italia không hề biết sợ, với kem cạo râu thoảng mùi bạc hà, với bộ áo vét sọc xanh và những pha bóng Chủ nhật TV quay lại. Chào Italia, với cà phê đậm đặc, với đôi tất mới trong ngăn kéo trên cùng, với lá cờ trong máy giặt khô và chiếc Fiat 600 cũ kỹ".
Toto Cutugno và album có ca khúc L'Italiano bất hủ.
Nhưng bức chân dung đời thường ấy vẫn gắn chặt với đời sống chung của một đất nước đã từng thịnh vượng và đang lâm vào cảnh khó khăn. Giống như chiếc Fiat 600 từng là biểu tượng của công nghiệp Italia thời hoàng kim những năm 1950-1960, giờ đã trở nên lạc hậu.
Tuy vậy, người nhạc sĩ vẫn ngẩng cao đầu đầy kiêu hãnh trong đoạn điệp khúc: "Hãy cho tôi hát, tay cầm chiêc ghi-ta. Hãy cho tôi hát, một bài hát nhẹ nhàng, điềm tĩnh. Hãy cho tôi hát, bởi vì tôi tự hào là một người đàn ông Italia. Một người đàn ông Italia đích thực".
Thế nhưng “Người đàn ông Italia đích thực” và lịch lãm, kiêu hãnh trong phiên bản gốc đã hóa thành một gã “say tình” bệ rạc, “lêu bêu”, “lang thang” với “trái tim tật nguyền” trong phiên bản lời Việt của nhạc sĩ Quốc Tuấn mang tên Say tình.
Say tình qua tiếng hát Đàm Vĩnh Hưng.
Hình ảnh gã đàn ông say xỉn trong phiên bản lời Việt.
Bài hát lời Việt được ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thể hiện, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều người yêu nhạc. Say tình có thể coi là một bản “nhạc chế” phù hợp với thị hiếu của một phần khán giả trong nước. Ca khúc này mang ý chế giễu những gã trai tối ngày say khướt.
Ngoài phiên bản Việt, ca khúc L’Italiano mới đây đã được nhóm nhạc pop người Pháp The Gyspy Queens cover lại cùng MV đẹp mắt. Tuy nhiên, giọng ca của những anh chàng điển trai trong nhóm vẫn chưa hoàn toàn chinh phục được người hâm mộ bằng giọng hát mộc mạc nhưng sâu lắng của chính vị nhạc sĩ Toto Cutugno, cha đẻ của L'Italiano bất hủ.
Nhóm The Gyspy Queens và ca khúc L'Iatliano
Ngoài ra, ca khúc nổi tiếng L’Italiano cũng được "chế" sang tiếng Ả Rập với ý nghĩa hoàn toàn khác so với phiên bản gốc, mang tên Taalou Ghanou Maaya do nữ ca sĩ Lara Scandar trình bày.
Phiên bản tiếng Ả Rập của L'Italiano.