70 tuổi mẹ mới hát cho chính mình

Mẹ hát cả đời cho con, cho cháu thì nay mẹ hát cho chính mẹ, cũng là để mẹ hát cho một thời đã qua.

Những người mẹ hát đầy xúc động

Hình ảnh những người mẹ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến là có lẽ hình ảnh đẹp nhất về sự tần tảo, chịu thương chịu khó và cả sự hy sinh. Chính vì thế, với những thí sinh của Tiếng hát mãi xanh, những ca khúc về mẹ thật cảm động. Đặc biệt hơn khi nó được thể hiện bởi chính những người mẹ tảo tần.

Mẹ Phạm Thị Nô (77 tuổi - SBD 155A) chọn bài hát Huyền thoại mẹ dự thi để nhớ về thời nuôi quân, nuôi các anh bộ đội trong những đêm dừng chân hành quân. Là thời mẹ bán từng luống rau muống để chắt chiu mua gạo gửi đến các anh, xin từng đôi dép cho các anh mỗi khi dép ai đó đã mòn đi.

Là thời chồng mẹ đã ra đi và không bao giờ trở lại. Rồi có lúc mẹ phải vào chốn lao tù của giặc, nhưng tình yêu nước là điều giúp mẹ vượt qua tất cả. Chiến tranh khắc nghiệt cướp đi quá nhiều thứ, các anh đã không thể trở về.

Mấy mươi năm trôi qua, mẹ hát để mẹ được cất lên tiếng nói, mẹ nhớ người xưa lắm. Chiếc khăn rằn mẹ quàng trên cổ khi dự thi là món quà của những bạn cựu tù chính trị gửi tặng.

70 tuổi mẹ mới hát cho chính mình - 1

Hai mẹ Nguyễn Thị Thanh – Nguyễn Thị Nô dựa vào nhau đầy xúc động

Không biết có ngẫu nhiên gì không, hai người mẹ Việt Nam lại cùng ngồi cạnh nhau khi dự thi. Mẹ Nguyễn Thị Thanh (83 tuổi – SBD 129A) từng tham gia cách mạng cùng chồng, từng đào hầm nuôi quân và từng vào sinh ra tử trong thời chiến tranh.

Cũng ngót mấy mươi năm, mẹ ở vậy nuôi 7 người con từ khi chồng hy sinh. Ngày đó, dù mỗi sáng phải thức dậy sớm theo xe mang từng miếng kẹo chuối từ Tiền Giang lên Sài Gòn để bán, nhưng mẹ vẫn không quản ngại.

Dù có vất vả, nhưng mẹ vẫn nuôi một niềm đam mê ca hát, vì mẹ nhớ đến chồng, là người rất thích ca hát, và đã cùng mẹ hát biết bao nhiêu bài hát trong những lúc công tác. Nhưng mẹ đã cố nén lại, để đến bây giờ, những đứa con mẹ đã khôn lớn, mẹ mới dám sống cho chính mẹ, cho những kỉ niệm về chồng…

Hay với mẹ Nguyễn Thị Nga (SN 1942 ) lại chọn bài hát Dáng đứng Bến Tre để nhớ về thời kỳ Cách mạng. Dù có một con nhỏ, nhưng mẹ vẫn tham gia Cách mạng, vẫn cùng chồng vượt qua giai đoạn đầy khốc liệt của đất nước. Giờ đây, mẹ hát để cảm thấy vui hơn, vì cuộc sống độc lập yên bình.

70 tuổi mẹ mới hát cho chính mình - 2

Mẹ Nguyễn Thị Nga

Nhưng, lại có những tiếng hát từ những người mẹ để gửi gắm tình cảm của mình vào trong đó.

Cô Nguyễn Thị Quế Dung (66 tuổi ) chọn bài hát Mẹ tôi để nhớ về những lần vui buồn đều có mẹ già tâm sự, nhưng nay khi mẹ qua đời, cô chẳng còn biết lấy ai để trải lòng mình, chỉ biết lấy niềm vui từ 4 người con làm động lực.

Lúc xưa, mỗi khi buồn, cô lại hát, nhưng cái nghèo ngăn cản tiếng hát, buộc phải nhường lại bằng những tiếng rao bán hàng ngày. Cuộc sống bôn ba, cũng đến lúc cô được thanh thản hơn, niềm vui tuổi già là mỗi ngày cất tiếng hát yêu đời…

Mỗi khi mẹ hát, thời gian như nối liền, nỗi niềm cũng như thế mà tỏ bày. Tiếng hát của những người mẹ bao giờ cũng thế, đều ẩn chứa những tình cảm của một phận đời hy sinh, tảo tần

Những mối tình vẫn xanh…

Trải qua bao năm tháng, nhưng cái tình, cái nghĩa là điều có thể vượt qua thời gian để thấy cuộc đời này vẫn xanh, vẫn đẹp và tiếng hát vẫn tình cảm tha thiết như ngày nào.

Cả khán phòng đã thổn thức với giọng ca từ chú Lưu Sĩ Phát (SN 1944) với bài hát Qua cơn mê. Sự chân tình của chú thể hiện qua từng câu chữ “Tôi lại về bên em, ngày gió mưa không còn, nên đường dài thật dài”. Trong số những người lắng nghe dưới hàng ghế có “bạn gái” của chú, cô năm nay đã 58 tuổi.

70 tuổi mẹ mới hát cho chính mình - 3

Chú Lưu Sỹ Phát

Chú và cô đến với nhau bằng niềm vui của tình bằng hữu, là sự hữu hỷ của những người lớn tuổi với nhau. Chồng cô đã mất, cô ở vậy mà nuôi con. Vợ chú cũng qua đời trong một cơn bạo bệnh. Sự cô đơn qua bao năm tháng đã tìm đến nhau, để giờ đây chú lại cứ mỉm cười và nói nhờ cô ‘bạn gái’ này, chú cảm thấy cuộc đời vui trở lại. Cô thì vẫn ngại ngùng, nhưng vẫn ẵm cháu nội ngồi ở một góc để ủng hộ tri kỷ của mình dự thi.

Ấn tượng với trang phục của bộ đội giải phóng, giọng hào sảng khỏe khoắn với Năm anh em trên một chiếc xe tăng, cô Nguyễn Thị Mộng Duyên (SN 1942) mang đến một không khí đầy sôi nổi. Nhưng cô hát bài này là vì chú.

Cô yêu chú – một anh bộ đội đầy kiên cường. Cô yêu chú từ những bài ca chú đã hát khi cùng trong ban văn nghệ của nhà máy điện Việt Trì. Cô yêu chú vì câu nói “Anh chỉ tiếc một điều là anh không biết đánh đàn cho em hát”. Cô vẫn yêu chú như thế đấy, dù rằng 20 năm trôi qua, cô đã không bao giờ gặp lại được chú…

70 tuổi mẹ mới hát cho chính mình - 4

Cô Nguyễn Thị Mộng Duyên

Người ta có thể nuôi dưỡng niềm tin, niềm say mê và cả tình cảm dành cho một người khi biết rằng người đó vẫn bên mình dù chỉ trong tâm tưởng, và vì thế cuộc đời mãi mãi vẫn như những ngày xanh.

Trường hợp của cô Đào Phương Loan (SN 1940) lại cho thấy rằng, chính tình yêu là điều nâng đỡ cho những đam mê. Cô xuất thân từ một gia đình ở Tây Ninh, với niềm yêu thích văn nghệ, cô nổi tiếng với ‘ngón đàn’ mandolin, nhưng thời đó, quan niệm về việc ‘con gái chỉ lo đàn hát, chứ có biết làm gì trong nhà’ đã khiến cô bị bao nhiêu nhà từ chối.

Riêng với chú, ở tận Đồng Tháp vậy mà nhân duyên khiến họ tình cờ gặp nhau trong một lần đi chơi. Thế là một tuần sau, chú đến hỏi cưới cô. Chú hết lòng ủng hộ cô ca hát, mỗi lần đứng dưới nhìn cô, chú lại nói ‘anh thích em hát’ lắm.

Với cô, như thế đã đủ hạnh phúc, cô tạm gác lại niềm đam mê, để làm tròn vai một người vợ - người mẹ. Sau 60 năm, giờ đây 7 người con đã khôn lớn, chú đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn ủng hộ và chở cô đến tham dự Tiếng hát mãi xanh, có lẽ, sau bao nhiêu năm tháng, chú muốn vợ mình được sống lại với niềm yêu thích ngày nào. Và cô sẽ lại được nghe chú nói “Anh thích em hát lắm”.

70 tuổi mẹ mới hát cho chính mình - 5

Cô Đào Phương Loan và chồng

Đến từ Phan Rang – chú Ngô Đức Phước (SN 1938) nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ con cháu, bà con, bạn bè, mà đặc biệt là ‘bà xã’ của chú. Cô đã 74 tuổi, nhưng vẫn giữ nét trẻ trung của ngày nào, vẫn đi theo ủng hộ cho chú.

Chuyện tình chỉ qua một bức hình mà thành đôi, giờ đây đã sống với nhau ngót hơn 50 năm. Cô nói, miễn chú thấy vui là cô vui theo. 8 người con, ai cũng vì thế mà thích ca hát, thế nên tiếng hát trong gia đình họ chẳng bao giờ tắt cả.

70 tuổi mẹ mới hát cho chính mình - 6

Vợ chồng chú Ngô Đức Phước

Cô Lê Thị Hồng Ngọc (SN 1947) lại sôi nổi với bài Anh cho em mùa xuân, bài hát mà cứ mỗi lần đi dự tiệc là chồng cô lại đăng ký và khoe với mọi người ‘vợ tôi hát bài này hay lắm’.

Từng là nữ sinh của trường Đồng Khánh (Huế), cô đã làm ‘siêu lòng’ anh chàng Đại học Văn khoa trong một lần tình cờ nghe cô hát bài Kỉ niệm nào buồn của nhạc sĩ Hoài An. Thời gian trôi, giờ đây kỉ niệm buồn đã chuyển qua mùa xuân, đúng là tình yêu làm nên những khoảnh khắc vui tươi, để thấy cuộc đời này vẫn còn xanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khôi Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN