10 tình khúc hay nhất của nhạc sĩ Phú Quang
Cùng lắng nghe những bản tình ca sâu lắng của Phú Quang, người vừa được vinh danh là một trong 10 công dân thủ đô ưu tú năm 2014.
Phú Quang là một trong những nhạc sĩ của dòng nhạc trữ tình có nhiều “duyên nợ” với Hà Nội. Những ca khúc của ông là nỗi niềm, là sự day dứt, là tình yêu khôn nguôi với mảnh đất của tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Phú Quang - Nhạc sĩ của những bản tình ca trữ tình bất hủ
“Tình yêu của tôi với Hà Nội là một thứ tình yêu không thể ly dị được”, chính vì tình yêu đặc biệt đó mà những sáng tác về Hà Nội của ông luôn để lại nhiều dấu ấn trong lòng người. Nhạc của Phú Quang mang một màu sắc riêng, một tình yêu riêng mà không “đụng hàng” bất cứ ca khúc nào. Chính vì lẽ đó mà nhạc của ông trở thành “đặc sản” của người yêu nhạc, người yêu Hà Nội.
Phú Quang sinh ra tại Hải Phòng nhưng là người gốc Hà Nội. Ông là tác giả của nhiều ca khúc về tình ca, về Hà Nội như Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ… Mới đây, ông vừa được vinh doanh là một trong 10 công dân thủ đô ưu tú năm 2014, nhân 60 năm ngày giải phóng thủ đô.
Cùng lắng nghe 10 tình khúc bất hủ làm nên tên tuổi của vị nhạc sĩ Hà thành tài năng với những giọng ca như Thu Phương, Thanh Lam, Hồng Nhung…
Biển nỗi nhớ và em - Thu Phương
Bằng những ca từ nhẹ nhàng, êm dịu nhạc sĩ Phú Quang đã viết nên một bản tình ca dạt dào nhưng lại rất mạnh mẽ và luôn dâng trào cảm xúc như những đợt sóng biển. Ca khúc của Phú Quang khiến người nghe như say, như “lịm” đi vì dòng chảy của những lời ru tình qua giọng ca trầm khàn mà sâu lắng của Thu Phương.
Biển nỗi nhớ và em qua giọng cả của Thu Phương êm dịu, đằm thắm nhưng đầy mãnh liệt như chính tính cách của chị. Nhạc phẩm của Phú Quang trở nên da diết hơn cùng những nốt thăng, nốt trầm cùng cách luyến láy và nhả từ đầy tinh tế của Thu Phương. Đây là một trong những bài tình ca hay nhất của Phú Quang về tình yêu.
Em ơi Hà Nội phố - Hồng Nhung
Nhắc đến Hà Nội không thể không nghe nhạc của Phú Quang. Nhạc phẩm mà ông sáng tác về Hà Nội là một tình yêu không thể lý giải bằng lời, ông có một tình yêu kỳ lạ với Hà Nội. Hà Nội không chỉ là quê hương ông mà còn là nơi ông gửi gắm vào đó tất cả tuổi trẻ, tình yêu, hy vọng của mình.
Em ơi Hà Nội phố là một ca khúc như vậy. Những lời ca không bi ai mà là sự tiếc nuối, day dứt khôn nguôi về Hà Nội. Và Hà Nội hiện ra trong nhạc của Phú Quang như một bức tranh kể về một miền ký ức xa xôi, mang màu xanh xám, lãng đãng và tiêu sơ, không ồn ào, không rực rỡ sắc màu. “Bức tranh” đó còn khiến Hà Nội đẹp đến nao lòng với không gian u tịch, cổ kính mà da diết với nóc cũ rêu phong, với mái ngói xô nghiêng, với cây bàng mùa đông xơ xác…
Với sự thể hiện của Hồng Nhung, những ký ức Hà Nội ùa về với nỗi nhớ da diết và khôn nguôi. Bài hát mê hoặc lòng người đến nỗi, ai đã từng đi trên các con phố Hà Nội đều cất tiếng ca “Em ơi, Hà Nội phố. Ta còn em….”
Lãng đãng chiều đông Hà Nội - Lệ Quyên
Thu Hà Nội đã đẹp song đông Hà Nội cũng đẹp và buồn không kém. Ca từ nhẹ nhàng nhưng sâu lắng dễ đi vào lòng người, đó chỉ có thể là nhạc của Phú Quang. Phú Quang không “tả” mà là “cảm” về Hà Nội để có thêm một bức tranh về Hà Nội trong chiều đông lạnh giá.
Với chất giọng trầm ấm, dễ khiến người khác phải rung động của Lệ Quyên, Hà Nội hiện ra với sương giăng, tháp cổ, hàng cây câm lặng trong tiết heo may thoảng qua.
Đâu phải bởi mùa thu - Thanh Lam
Là một trong những diva hàng đầu của nền âm nhạc Việt, Thanh Lam có giọng ca đầy nội lực và luôn khiến trái tim của người nghe phải thổn thức với ca khúc trữ tình Đâu phải bởi mùa thu.
Đâu phải bởi mùa thu dưới con mắt của Phú Quang như một lời ru da diết mà đầy day dứt về tình yêu đôi lứa. Vốn dĩ thu đã buồn, đã héo úa vì lá vàng rơi nhưng tình yêu lại khiến con người ta phải nhớ nhung, nuối tiếc về một cuộc tình đã qua. Ca từ lúc trầm lúc bổng, lúc ngân lên tha thiết như chính lời ru buồn của những người đã say vì tình yêu.
Chiều Phủ Tây Hồ - Thanh Lam
Khó ai có thể không bâng khuâng trước một Thanh Lam đang “phiêu” cùng một chiều Phủ Tây Hồ mờ ảo với sương giăng bồng bềnh để thả hồn mình theo cõi Phật.
Trong số các ca khúc về Hà Nội của Phú Quang, chiều Phủ Tây Hồ mang một âm hưởng khá đặc biệt. Nhạc của ông mang chút ưu tư của đời, mang chút sầu muộn của tâm tình một người yêu thích lễ chùa. Và ông đã “vẽ” ra một chiều Phủ Tây Hồ với dòng người thành tâm đi lễ chùa trong làn khói hư ảo của khói hương, trong tiếng rầm rì cầu khấn…
Mơ về nơi xa lắm - Ngọc Anh
Hà Nội lại một lần nữa hiện hữu trong âm nhạc của Phú Quang. Nhưng Hà Nội lần này không có màu xanh xám như Em ơi Hà Nội phố mà lại hư hư thực thực, mờ mờ ảo ảo trong giấc mơ.
Đã từng có người cho rằng, nhạc của Phú Quang chỉ hợp với Ngọc Anh và chỉ có giọng hát của Ngọc Anh mới truyền tải đầy đủ những ẩn ý mà nhạc sĩ muốn gửi gắm. Mơ về nơi xa lắm trở nên da diết hơn, suy tư hơn và sâu lắng hơn cùng chất giọng mượt mà đầy cảm xúc của Ngọc Anh.
Hà Nội trong Mơ về về nơi xa lắm có nắng, có gió heo may khiến người nghe thẫn thờ, mong nhớ về những kỷ niệm đã qua. Hà Nội không chỉ có cảnh mà còn có tình, những câu chuyện tình dang dở càng khiến cho Hà Nội hiện lên day dứt hơn.