Xuân Trường ở đâu trong triết lý chiến thắng của HLV Park Hang Seo?
Từ chỗ là tiền vệ được trông đợi nhất của BĐVN nay Xuân Trường đang là “nạn nhân” của triết lý chiến thắng của thầy Park.
Video màn trình diễn của Xuân Trường trận gặp Myanmar (bản quyền Next Media, phát sóng bởi VTC):
Liệu có thể giải thích Xuân Trường là quân bài kín không khi chúng ta tới đối thủ, tất cả đều biết về kỹ năng và sở đoản của Xuân Trường rồi?
Đây là tiền vệ có khả năng chuyền bóng “chết người”. Anh có thể phát hiện ra những khe hở hẹp nhất trong hệ thống phòng ngự của đối thủ. Trường có thể tung ra những cú chuyền chéo sân mà qua đầu hậu vệ cho đồng đội băng xuống. Trường có thể thực hiện những cú đá phạt xoay chuyển cục diện.
Trường còn là đội phó nữa, đội phó số 1, chỉ sau Văn Quyết, và trên Quế Ngọc Hải.
Nhưng đã hai trận rồi Trường không được sử dụng, gồm có một trận gần như thủ tục với Campuchia và trận gần như sinh tử lượt đi với Philippines ở Bacolod.
Xuân Trường cần tiếp tục kiên trì và nỗ lực
Trận đấu cuối cùng Xuân Trường ra sân là đấu với Myanmar ở Yangoon. Cũng là một trận sinh tử, quyết định tới tấm vé đi tiếp và cả ngôi đầu bảng để xem bán kết gặp Thái hay Philippines.
Nhưng Xuân Trường chỉ đá hiệp 1. Hiệp 2 Hùng Dũng vào thay. Đội tuyển lúc ấy cần củng cố tuyến giữa sau khi đã không thể ghi bàn trong hiệp 1.
Đây có vẻ như là một sự không hài lòng của ông Park sau khi đã phải điều chỉnh ở trận đấu trước đó cũng để gia cố tuyến giữa. Phút 73 trận đấu với Malaysia, thầy Park đã tung Đức Huy vào hỗ trợ cho Xuân Trường (và cả Quang Hải lúc thay Công Phượng đá trên hàng công).
Giải AFF Cup lần này, Xuân Trường được chờ đợi sẽ trở lại với phong độ đó, làm chủ khu trung tuyến đó sau khi đã chỉ là phương án dự bị ở Asian Games hồi tháng 8/2018.
Việc xếp Xuân Trường chơi chính từ đầu giải cho thấy HLV Park Hang Seo cũng kỳ vọng như thế. Có điều là ông Park gọi mà Trường chưa trả lời.
* Triết lý chiến thắng của ông Park
Lý giải ở Asian Games cho việc Xuân Trường đánh mất vị trí trong đội hình xuất phát của mình, ông Park cho rằng đó là do tiền vệ này đã quen chơi theo cách của HAGL ở V-League. Ông nói điều này khi giải đang diễn ra.
U23 châu Á đến ở thời điểm Trường vừa trở về với tư cách là một cựu binh ở K-League, giải đấu hàng đầu của bóng đá Hàn Quốc.
Một thời gian ăn tập (nhiều) và thi đấu (ít) ở Incheon (Hàn Quốc) vẫn đủ để cho Trường đảm bảo các tiêu chí mà ông Park đặt ra.
U23 lại là một giải đấu mà ở đó có 2 vấn đề, một là các đối thủ vừa tầm về tuổi, hai là trong tay ông Park không có nhiều lựa chọn.
U23 rõ ràng là Xuân Trường đã đảm đương tốt vai trò nhạc trưởng. Rồi từ việc gạt tuyết cho Quang Hải đá phạt tới việc chuẩn bị áo ấm cho đồng đội cho thấy Trường là một thủ lĩnh tận tâm.
Nhưng ông Park giờ đây quan tâm nhất tới kết quả cuối cùng sau khi đã không che giấu mình là HLV thực dụng: “Triết lý bóng đá của tôi là chiến thắng”.
Trước chuyến đi tập huấn ở Hàn Quốc, ông Park trả lời cực ngắn gọn về triết lý bóng đá của mình như thế trong khi người ta chờ đợi Việt Nam sẽ đá với các đối thủ đồng cân đồng lạng ở khu vực theo cách nào, tấn công đẹp mắt, hay phản công.
Triết lý chiến thắng có nghĩa là ông Park sẽ cho đội đá với bất cứ đội hình nào, lựa chọn các cầu thủ bất kể tên tuổi, xây dựng bất cứ lối chơi nào miễn là chiến thắng.
Triết lý đó càng rõ thì ông lựa chọn cầu thủ khi lên danh sách triệu tập lực lượng và xếp đội hình càng khắt khe.
Lần triệu tập đầu tiên cho đội U23, Hoàng Anh Gia Lai có 9 cầu thủ. Lần triệu tập cho đội U23 + 3 đá Asian Games, clb của Xuân Trường có 5 cầu thủ. Và ở trận đấu với Philippines ở Bacolod, đội hình xuất phát không có ai quân HAGL.
Lý do chấn thương có chấn thương như Văn Thanh (chấn thương gối trước giải), Văn Toàn (chấn thương gối trong giải). Giải thích về chiến thuật, trình độ thì Xuân Trường, Hồng Duy và Công Phượng.
Vì là kết quả lên hàng đầu nên ông cũng phải đánh giá cầu thủ dựa trên hiệu suất của họ khi đứng trên sân.
Phân tích về trận đấu cuối cùng Xuân Trường đá chính (đấu với Myanmar) sẽ thấy tình trạng phong độ số 6 không đáp ứng yêu cầu của ông Park.
Phút thứ 3 Xuân Trường mất bóng ở giữa sân sau khi bị pressing. 5 phút sau Trường mới chạm bóng tiếp. Phút 12 chuyền một đường bóng đơn giản ở trung lộ, chưa đủ mở ra cơ hội. Phút 13 Trường chuyền bóng hỏng khi đội đang dâng cao tấn công, đối phương áp sát.
Cặp tiền vệ Xuân Trường - Quang Hải chỉ giúp cho tuyển cầm bóng được 46% lúc đầu, rồi phút 15 là 40%.
Phút 21 trợ lý Lư Đình Tuấn ra sát đường biên yêu cầu hàng tiền vệ chuyền nhỏ luân chuyển quả bóng.
Phút 23, Trường đánh chặn hụt khi anh có nhiệm vụ phải tạo sức ép tuyến hai. Myanmar vượt qua được Trường đã phối hợp tấn công và sút xa khi tuyến hai của họ băng lên có khoảng trống.
Phút 34, Trường đỡ bóng hỏng do sức rướn yếu, trở thành pha mớm bóng cho tiền vệ Myanmar tổ chức tấn công nhanh. Quả phạt góc họ thực hiện sau đó suýt thành bàn.
Phút 40, Xuân Trường tranh chấp tay đôi không thắng được các tiền vệ đối phương. Vậy là cả hai pha “giáp lá cà” từ đầu trận, Trường đều thua.
Cả 45 phút, Xuân Trường có 4 pha chuyền bóng hướng lên phía trên để tấn công, nhưng đều không tạo ra cơ hội thực sự nào.
Có 2 quả phạt góc từ Xuân Trường là nguy hiểm hơn. Nhưng Trường thuận chân phải cũng chỉ được đá phạt góc cánh trái. Cánh phải là của Quang Hải thuận chân trái.
Và kết cục là đá với Myanmar mà đội tuyển Việt Nam chỉ cầm bóng 45% cả hiệp 1 có thể khẳng định một phần do Xuân Trường.
Xuân Trường không hợp với chiến thuật hiện tại của thầy Park
* Đại công chờ Xuân Trường hay sự kỳ diệu của số phận
Nếu ưu tiên cho 1 trong 2 giữa Xuân Trường và Quang Hải thì ông Park chọn Hải. Hải tốc độ hơn, di chuyển nhiều hơn, xâm nhập vòng cấm tốt hơn, và đặc biệt là đá phạt cũng “sát bàn thắng” hơn.
Ở cấp độ an toàn cao hơn, để tạo nên hẳn một cặp tiền vệ trung tâm giúp đội tuyển không đánh mất khu trung tuyến, cả Trường và Hải đều không được tính đến.
Nó cho thấy Xuân Trường với phong độ và cách chơi hiện tại chỉ có thể hữu dụng trở lại nếu ông Park sử dụng một sơ đồ chiến thuật khác.
Nhưng 5-4-1 và 3-4-3 hiện vẫn là tối ưu. Và sự thực dụng giờ đây đã được ông Park đẩy lên mức tối đa, nhất là khi các vị trí khác lại đã trở thành ngòi nổ, mở ra các phương án tiếp cận cầu môn khác.
Đó là 2 hậu vệ cánh với khả năng chuyền bóng ấn tượng. Văn Hậu chuyền dài cho Anh Đức đánh đầu. Trọng Hoàng chuyền điểm rơi cho Văn Đức phá bẫy việt vị.
Phương án này tạo ra một thứ cảm xúc khác. Kết quả tích cực dẫn dắt người hâm mộ quên đi những thói quen thưởng thức và chuẩn mực mà họ mê say trước kia.
Thói quen ấy là có một tiền vệ tấn công chơi thật hào hoa. Cầu thủ này không cần phải tham gia tranh chấp nhiều mà nhiệm vụ thu hồi là của đồng đội. Anh ta chỉ cần thong dong di chuyển rồi chuyển hướng bằng các quả chặt mu. Anh ta mở toang hàng phòng ngự bằng vài đường tỉa bóng sắc như dao.
Nó phần nào giống như Hồng Sơn 1998-2002. Nó có thể như Minh Phương 2007-2008.
Minh Phương chỉ đá chính ở vòng bảng AFF Cup 2008 vì phòng ngự kém. Anh trở lại sân từ ghế dự bị trong hiệp 2 trận chung kết với Thái Lan ở Mỹ Đình, và thực hiện quả phạt định mệnh cho Công Vinh đánh đầu ghi bàn.
Hoặc đại công cũng có thể được Trường đóng góp theo một cách khác. Triết lý chiến thắng của ông Park với việc sử dụng tới 19/23 cầu thủ chỉ sau 5 trận chủ yếu để thích ứng với mọi đối thủ, mọi yêu cầu khác nhau có thể vẫn cần Xuân Trường một lúc nào đó.
Khi ông Park dồn toàn lực cho tấn công chắc chắn là một trong những thời khắc của Trường.
Cặp tiền vệ trung tâm Quang Hải và Xuân Trường rõ ràng không phải là một giải pháp tốt nhất lúc này cho hàng tiền vệ của sơ đồ 5-4-1 và 3-4-3. Họ phải di chuyển rất rộng theo chiều ngang và cả chiều dọc so với sơ đồ 4 hậu vệ. Chelsea thời Conte đá 3 trung vệ cần cả Majtic và Kante để thành công mùa 2015/16. Arsenal của Unai Emery đá 3 trung vệ cũng cần cả Xhaka và Torreira để đạt sự cân bằng mùa này. |
ĐT Việt Nam xem như đặt một chân vào chung kết, nhưng đừng quên bài học quá khứ.