"Xin lỗi, ông chỉ là người làm thuê!"
Đấy là câu nói rất nổi tiếng mà cố HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam Weigang phải chịu đựng vào những năm 90 của thế kỷ trước.
Bây giờ đã là thế kỷ XXI, các chuyên gia nước ngoài làm việc với bóng đá Việt Nam không còn phải hứng chịu một câu nói thô lỗ trực tiếp như thế nữa, nhưng xem ra cái ý tứ, tinh thần của câu nói này thì vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.
GĐKT Gede đúng là "người làm thuê", nhưng...
Thời cố HLV người Đức Weigang dẫn Đội tuyển Việt Nam đi đá giải Đông Nam Á, ông đã mâu thuẫn nghiêm trọng với một trợ lý người Việt, và khi hai bên nảy ra những tranh cãi thì cái câu nói thô lỗ nêu trên đã được văng ra ngay trên sân tập, ngay trước mặt các cầu thủ.
Nhà báo thể thao Lê Hiển - Thư ký toà soạn Báo Thể thao TP Hồ Chí Minh ngày đó thậm chí còn ghi âm được câu nói này, và không lâu sau đó, khi mọi thứ được công khai trên mặt báo thì nó đã tạo nên một làn sóng phản ứng dữ dội. Phản ứng là đúng, bởi câu nói này vừa cho thấy một tư duy thiển cận, vừa thể hiện một thái độ ứng xử không văn hoá.
Xét về mặt nguyên tắc, HLV Weigang ngày ấy đúng là một người "làm thuê", nhưng ở trên đời vốn có dăm bẩy kiểu "làm thuê". Có người "làm thuê" bình dân, đơn thuần thực hiện những công việc chân tay thì cũng có những người "làm thuê" dưới dạng chuyên gia, có trình độ và sự hiểu biết chuyên môn cao hơn cả người đã bỏ tiền đi thuê mình. Mà trong những trường hợp này, thực tế là phải cao hơn, giỏi hơn thì người ta mới phải tốn rất nhiều tiền để thuê.
Ai cũng hiểu, với cả những người làm thuê theo kiểu tay chân lẫn những người làm thuê theo kiểu chuyên gia, phải vận dụng, đầu tư chất xám vào công việc thì người đi thuê cũng cần phải có một thái độ ứng xử đầy tôn trọng. Bởi vì chỉ có sự tôn trọng mới khiến người được thuê tận tâm tận lực với công việc của mình.
Chuyện của "người làm thuê" trong bóng đá Việt Nam những tưởng sẽ khép lại, thì mới đây nó lại đột nhiên trở dậy, và trùng hợp là lại liên quan tới một chuyên gia bóng đá đến từ nước Đức giống Weigang ngày nào: Giám đốc kĩ thuật VFF Jurgen Gede.
Như Báo Công an nhân dân đã đưa tin, sau thất bại của Đội tuyển U.18 Việt Nam tại giải vô địch U.18 Đông Nam Á, vị chuyên gia này đã chia sẻ thật lòng với một phóng viên của Báo Thể thao Văn hoá: "Ở VFF, không phải ai cũng muốn Đội tuyển U.22 và Đội tuyển U.18 thành công".
Thế là lập tức một cựu quan chức VFF lên tiếng chỉ trích ông Gede dữ dội. Theo vị này, ông Gede không có quyền nói thế, vì ông được thuê về để làm chuyên môn, chứ không phải để bày tỏ những suy nghĩ của mình về bóng đá Việt Nam. Vị này thậm chí còn đề nghị VFF phải tính đến chuyện sa thải ông Gede tức khắc.
Đúng là ông Gede được thuê về để làm việc định hướng chuyên môn, nhưng ông chỉ có thể hoàn thành công việc của mình khi chính những người thuê ông phải cùng nhìn một hướng. Khi thấy những người thuê mình không cùng nhìn một hướng thì ông chia sẻ với truyền thông để mong mọi thứ được cải thiện cũng chẳng có gì là sai trái cả.
Ở VFF xưa nay, đã có quá nhiều chuyên gia dù "thấy hết, biết hết" nhưng luôn thực hiện chính sách "không nói gì". Phải chăng ông Gede cũng phải "không nói gì" thì mới xứng đáng được những người bỏ tiền ra thuê mình trọng dụng?
Thật sai lầm khi nghĩ rằng ông Gede chỉ là một người được thuê về, nên chỉ được làm việc, chứ không được quyền nói, quyền bày tỏ chính kiến cá nhân. Và nếu chỉ vì đã nói mà ông bị sa thải thì từ nay về sau có lẽ không chuyên gia ngoại nào dám về "làm thuê" cho VFF nữa. Trong rất nhiều trường hợp "người làm thuê" còn có trình độ và tầm vóc ứng xử lớn hơn cả những người bỏ tiền ra thuê!
Vốn là người rất kiệm lời Tất cả những ai có dịp tiếp xúc với Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede đều thấy ông là một người rất kiệm lời. Ngay cả với một người bạn Việt Nam rất thân thiết là HLV Hoàng Anh Tuấn, ông cũng chỉ đưa ra những góp ý chuyên môn khi cần thiết, trong đúng phạm vi trách nhiệm của mình. Còn với báo giới, truyền thông, ông Gede thường ít tiếp xúc, và mỗi khi phải tiếp xúc cũng chỉ chia sẻ một cách ngắn gọn nhất có thể. Vậy nên, khi ông bảo: "Không phải ai ở VFF cũng mong Đội tuyển U.22 và U.18 thành công", thì có nghĩa là ông đã quan sát rất cẩn thận, và những quan sát ấy đã tích tụ trong suy nghĩ từ rất lâu rồi? |