Xếp hạng tấn công cánh "Big 8" Ngoại hạng Anh: Thế mạnh Man City & Liverpool, MU gần đứng bét
Nhóm "Big 8" Premier League có dàn cầu thủ tấn công cánh mạnh thế nào?
Premier League nói riêng và bóng đá châu Âu nói chung giờ là sân chơi của các tiền đạo cánh và sức mạnh đánh biên ở World Cup 2022 vừa qua đã được HLV Arsene Wenger coi là cách tấn công tốt nhất. Vậy các đội Big 8 Premier League (Man City, Arsenal, MU, Newcastle, Liverpool, Tottenham, Brighton, Chelsea) có sức mạnh tấn công biên ra sao?
Liverpool có các tiền đạo cánh rất lợi hại cả về tốc độ, sức mạnh và kỹ thuật cá nhân
Liverpool
- Cánh trái: Luis Diaz, Cody Gakpo, Diogo Jota
- Cánh phải: Mohamed Salah, Ben Doak
Có thể thấy rõ chất lượng cánh trái của Liverpool ra sao với Diaz, Gakpo, Jota đều giàu khả năng săn bàn. Diaz là người đá chính vị trí này trong khi Gakpo và Jota khi cần cũng được cho dạt ra, chưa kể họ có được năng lượng tuyệt vời từ hậu vệ trái Andy Robertson. Trong khi đó cánh phải Salah là người chiếm lĩnh vị trí xuất phát và vẫn có phong độ tốt, dù vậy dự bị Ben Doak còn trẻ và chưa thể hiện được quá nhiều.
Man City
- Cánh trái: Jack Grealish, Phil Foden
- Cánh phải: Jeremy Doku, Bernardo Silva, Oscar Bobb
Với việc Bernardo Silva đang chuyển dịch dần về chơi lùi ở trung tâm hàng tiền vệ, Doku hứa hẹn sẽ kế thừa cánh phải Man City và anh đã có khởi đầu tốt dù còn phải chờ thời gian trả lời xem anh có hay hơn Bernardo hay Riyah Mahrez. Cánh bên kia là của Grealish, dù Foden cũng đá được cánh này nhưng anh có vẻ ngày càng được đưa ra giữa để kế tục Kevin De Bruyne.
Man City đã có nhiều cầu thủ chơi biên hàng đầu và giờ họ còn có thêm Doku
Arsenal
- Cánh trái: Gabriel Martinelli, Leandro Trossard
- Cánh phải: Bukayo Saka, Reiss Nelson
Giữa Saka và Nelson có mối quan hệ đá chính – dự bị khá rõ ràng nhưng Nelson vẫn thể hiện khả năng tỏa sáng khi được tung vào như nửa cuối mùa trước. Ở cánh bên kia lại khác: Martinelli và Trossard có 2 lối chơi khác nhau nên Mikel Arteta dùng họ tùy vào thế trận, thậm chí cả hai có thể cùng ra sân và Trossard vào giữa đá tiền đạo ảo.
Brighton
- Cánh trái: Kaoru Mitoma, Ansu Fati
- Cánh phải: Solly March, Facundo Buonanotte
Mặc dù Fati đã được Barca cho mượn nhưng cánh trái Brighton vẫn là của Mitoma và Fati sẽ phải cố gắng để thể hiện được phong độ tốt như cầu thủ người Nhật. Chiều sâu cánh trái tốt hơn cánh phải, Buonanotte ở bên đó thực ra là một “số 10” được đưa ra cánh, tuy nhiên người đá chính Solly March lại rất ổn định (7 bàn & 7 kiến tạo mùa trước, đã ghi 3 bàn sau 4 trận mùa này).
Mitoma (3 bàn & 3 kiến tạo) và March (3 bàn) đã khởi đầu tốt cho Brighton mùa này
Chelsea
- Cánh trái: Raheem Sterling, Ben Chilwell, Mykhaylo Mudryk
- Cánh phải: Reece James, Malo Gusto, Noni Madueke
Chelsea mùa này đá 3-5-2 nên khác với các đội còn lại, hậu vệ biên của họ cũng lên tấn công như tiền đạo. Mặc dù chiều sâu 2 cánh của Chelsea có vẻ ổn về lý thuyết nhưng chất lượng thực tế không hay lắm, trong đó chỉ Sterling gần đây đá tốt trong vai trò tự do và hay dạt cả 2 biên. Reece James đã thể hiện khả năng ghi bàn những mùa trước khi còn lành lặn còn Chilwell cũng rất đáng gờm, nhưng những Mudryk, Gusto và Madueke chưa thể hiện nhiều hay thậm chí là khá thất vọng.
MU
- Cánh trái: Marcus Rashford, Alejandro Garnacho
- Cánh phải: Antony, Amad Diallo, Facundo Pellistri
Rashford mùa trước đã dẫn dắt hàng công MU và mùa này cánh trái vẫn là hướng tấn công tốt nhất của họ, cộng thêm dự bị Garnacho đang có sự tiến bộ liên tục. Nhưng cánh phải Antony chưa để lại hiệu quả thường xuyên tới mức người ta nghĩ MU “liệt” phải khi tấn công, việc cầu thủ này mới đây tạm ngừng thi đấu vì chuyện kiện tụng cộng thêm chấn thương của Diallo khiến cơ hội trao vào tay Pellistri.
Hàng công MU dựa nhiều vào Rashford từ mùa trước trong khi Antony vẫn chưa "hóa rồng"
Newcastle
- Cánh trái: Anthony Gordon, Harvey Barnes
- Cánh phải: Miguel Almiron, Jacob Murphy
Mặc dù hai cánh của Newcastle không ai trội hẳn về mặt đẳng cấp nhưng họ đều có chất lượng và cung cấp cho HLV Eddie Howe những cách chơi khác nhau. Gordon thiên về 1-đấu-1 và xử lý tốc độ trong khi Barnes thích phối hợp đập nhả. Ở cánh bên kia Almiron cũng như Gordon, trong khi Murphy chơi lùi và tham gia phòng ngự nhiều hơn.
Tottenham
- Cánh trái: Son Heung Min, Manor Solomon
- Cánh phải: Dejan Kulusevki, Brennan Johnson
Cả Son và Kulusevski đều nắm chắc vị trí đá chính qua mỗi trận mùa này bởi họ thể hiện vượt trội so với các tiền đạo khác của Tottenham. Solomon thực tế đá khá ổn và đôi lúc được vào sân cùng lúc với Son (ghi cả 2 kiến tạo đều cho Son ghi bàn), trong khi một tân binh khác là Johnson chưa để lại quá nhiều dấu ấn.
Về lý thuyết là dự bị cho Son Heung Min nhưng Solomon (phải) hay đá cùng Son và đã kiến tạo 2 bàn cho đội trưởng người Hàn Quốc
Đánh giá chung:
Cả về chất lượng lẫn chiều sâu Man City vẫn có cặp cánh đáng gờm nhất Premier League. Liverpool mạnh cả hai cánh và dù dự bị cho Salah còn khá trẻ nhưng bản thân Salah hiếm khi vắng mặt để Ben Doak có cơ hội. Arsenal cũng có 2 cánh rất mạnh nhưng trong khi Saka độc chiếm bên phải, Martinelli và Trossard ở cánh trái đều có khả năng đá chính.
Tottenham có 2 cầu thủ đá chính ở biên đã chứng minh được năng lực, 2 dự bị của họ mới đến và trong số đó Solomon đã gây chút ấn tượng ban đầu. Newcastle không có dàn tiền đạo cánh đá chính quá tiếng tăm nhưng chất lượng và chiều sâu của họ rất đồng đều. Nói đến đồng đều, hai cánh của Brighton đều ổn định nhưng dự bị của họ thì một người đá trái vị trí, người còn lại (Fati) dù tiếng tăm nhưng đang trong hành trình tìm lại phong độ.
MU ổn cánh trái nhưng lại liệt cánh phải và đang ngóng một cầu thủ trẻ giải quyết bài toán ở khu vực đó chỉ vì cầu thủ đá chính dính vào kiện tụng. Trong khi đó Chelsea chỉ có đúng một cầu thủ đá cánh tốt đang lành lặn, những người còn lại hoặc chấn thương nhiều hoặc trình độ khá tệ.
Xếp hạng: 1. Man City 2. Liverpool 3. Arsenal 4. Tottenham 5. Newcastle 6. Brighton 7. MU 8. Chelsea |
Vòng 7 Ngoại hạng Anh trở lại với sự ngóng chờ của các fan MU. Bên cạnh đó, người hâm mộ đặc biệt trông đợi cuộc so kè giữa Tottenham và Liverpool ở Bắc London.
Nguồn: [Link nguồn]