Xem V-League mà nghĩ về World Cup
Nhịp độ trận đấu cứ diễn ra như... rùa bò. Cầu thủ chạm đến là té ngã, trận đấu nát vụn... Cứ như vậy làm sao thực hiện giấc mơ châu lục và World Cup.
Tốc độ trận đấu quá chậm, thời gian bóng chết quá nhiều, cầu thủ “động đến” là nằm sân… Nằm sân ngồi dậy thì… sửa vớ, sửa giày. Diễn tiến trận đấu thì cứ dằng dai, chẳng thấy đội bóng nào có lối chơi cá tính, phù hợp với con người, chiến thuật.
Các trận giải quốc nội rất cần tính "chiến đấu cao" trong từng trận
Qua những khóa hội thảo, nghiên cứu và tìm phương án phát triển của AFC nhằm đưa bóng đá châu lục tiến gần đến bóng đá thế giới. AFC đã chỉ ra nhiều điều và như một khẩu hiệu cho các nền bóng đá châu Á muốn tiến ra thế giới thì thời gian “bóng sống” trên sân phải hướng đến 65 phút. Mỗi trận đấu cầu thủ phải chạy đạt chiều dài tổng cộng bao nhiêu km, mỗi cầu thủ thực hiện bao nhiêu đường chuyền, mất bóng thì vây ráp để đoạt lại bóng như thế nào…
Thực thi rốt ráo những điều này thì bóng đá mới nâng tầm được. Còn xem các trận V-League thì rõ là khó trông mong sự thay đổi nơi thái độ thi đấu xìu xìu ển ển của cầu thủ. “Chạm đến” là nằm sân, chạm đến là té ngã, giãy đành đạch đau đớn rồi lại lại đứng lên chạy bình thường. Thực chất chứng kiến hoài thái độ thi đấu này thấy chán.
Nếu như giấc mơ ngày một nâng cấp bóng đá từ cấp CLB đến đội tuyển quốc gia rồi mơ đến châu lục World Cup mà còn thái độ thi đấu xìu xìu này thì giấc mơ mãi là giấc mơ mà thôi.
Xem các trận bóng của J-League, K-League thì vì sao mới thấy trước đây nền bóng đá của họ cũng èo uột lắm nhưng bây giờ nó nhanh, khỏe, mạnh, máu lửa và nhất là “tinh thần fighting” rất cao. Một khi tinh thần chiến đấu cao thì nó kéo theo bóng đá nhanh, quyết liệt và giàu tính cống hiến.
V-League hầu như không thấy những trận đấu giàu “tinh thần Fighting”. Chẳng thấy CLB nào chơi có một chiến thuật, lối chơi có chiều sâu, giàu cá tính cả.
Mơ World Cup mà tốc độ các trận đấu V-League như… rùa. Thời gian bóng chết quá nhiều thế này thì khó mà vươn ra tầm quốc tế.