Xấu tính
Trên khán đài B sân Mandalar Thiri tại SEA Games, không ai có thể ngờ xuất hiện tấm băng rôn “mắng mỏ” đích danh ông cựu chủ tịch VFF đến vậy.
Điều đáng nói là việc những tấm băng rôn này xuất hiện tại nước ngoài đã được lên sóng trực tiếp ở các nước trong khu vực như một cách “minh chứng” cho việc người Việt xấu tính.
Thật ra chuyện các cổ động viên chế tác các băng rôn trêu chọc, chỉ trích cá nhân các quan chức lẫn VFF không phải là trò mới. Nó xuất hiện nhiều lần ở các sân vận động trong nước. Nhưng ở đó, ban tổ chức sân và lực lượng bảo vệ đã nhanh chóng tháo gỡ bất chấp sự chống đối quá khích.
Thế nhưng, trong thời gian gần đây, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi bỗng dưng xuất hiện một hội cổ động viên Việt Nam lâm thời, không được VFF lẫn các tổ chức công nhận.
Và đỉnh điểm của sự phản ứng của những người luôn tự nhận mình là người hâm mộ nhiệt thành của bóng đá Việt Nam, khi họ xuất hiện trên khán đài sân Mandalar Thiri. Trong khi các cổ động viên Myanmar hết lòng cổ vũ cho các cô gái Việt Nam trong nỗ lực lội ngược dòng, các “cổ động viên” chỉ chăm chăm lo treo và giữ các khẩu hiệu thật to, thẳng nếp chính diện của máy ghi hình truyền hình trực tiếp. Trong các khẩu hiệu ấy, tên của ông Nguyễn Trọng Hỷ đã bị cố tình viết sai, thậm chí gọi bằng các danh xưng khiếm nhã.
Những khẩu hiệu chỉ trích nhau đã xuất hiện trên khán đài Mandalar Thiri như thế này đây. Tên của cựu chủ tịch VFF với danh xưng khiếm nhã đã được bôi mờ. Ảnh: Tất Đạt
Và còn gì buồn bằng, giới truyền thông các nước trong khu vực, đã vội vàng ghi hình, chụp ảnh bởi họ tưởng đó là các khẩu hiệu động viên, cổ vũ tinh thần cho các cô gái. Họ tưởng người Việt lặn lội đến nơi xa thế này là vì yêu quý nhau. Thế nhưng, khi nhờ các phóng viên của Việt Nam chuyển ngữ, họ đã vô cùng ngỡ ngàng.
Không ít người của giới truyền thông nước ngoài có mặt tại sân Mandalar Thiri hôm đó đã cho rằng, việc điều hành của liên đoàn bóng đá nước nào cũng có những điều khiến người hâm mộ không vừa ý. Ngay chính việc tranh cử của các liên đoàn bóng đá Thái Lan hay Indonesia… đều gặp gút mắc. Thế nhưng, các cổ động viên Thái Lan hay Indonesia khi ra đến các quốc gia khác tham dự SEA Games, họ chỉ dốc lòng để cổ động cho các vận động viên của họ trong cuộc tranh tài. Họ chia sẻ với vận động viên của nước họ khi thất bại. Chẳng ai trong số họ mượn các sân đấu thể thao, nơi tôn trọng sự cao thượng làm nơi chỉ trích cá nhân.
Thật ngượng ngùng khi bị nhìn dưới ánh mắt “người Việt xấu tính” sau khi giới truyền thông nước ngoài châm biếm cách “cổ động” dành cho bóng đá Việt, thái độ người Việt dành cho nhau.