World Cup còn 53 ngày: 10 bi kịch của lịch sử túc cầu
World Cup có thể ghi dấu những kỳ tích như Thổ Nhĩ Kỳ năm 2002 hay Ghana năm 2010…, ngược lại cũng mang đến những nỗi thất vọng tràn trề. Hãy cùng điểm lại 10 ĐTQG gây thất vọng nhất.
10. Hàn Quốc (1954)
Không thể chờ đợi quá nhiều ở Hàn Quốc trong lần đầu tiên tham dự World Cup nhưng cái cách họ để thua lại gây cảm giác ngao ngán. Họ để thua Hungary 0-9 đã đành, bởi Hungary khi ấy được xem là mạnh nhất thế giới với dàn sao Ferenc Puskas, Sandor Kocsis, Nandor Hidegkuti… Nhưng thực sự là khó hiểu khi Hàn Quốc tiếp tục để thua Thổ Nhĩ Kỳ 0-7. Hàn Quốc đá 2 trận, để thua tới 16 bàn và không ghi được bàn nào.
Mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng đâu có mạnh, họ cũng lần đầu dự giải và cũng thua tan nát Tây Đức trong 2 trận với tỷ số 1-4 và 2-7 (trận play-off). Khi ấy Hàn Quốc mới vừa trải qua cuộc chiến tranh Triều Tiên, và một nửa đội hình của họ chỉ đến Thụy Sĩ dự giải vào đêm hôm trước ngày diễn ra trận đấu với Hungary.
9. Anh (2010)
Đội tuyển Anh chơi rất ổn ở vòng loại và họ tự cho mình là ứng cử viên vô địch tại Nam Phi. Nhưng thể hiện của “Tam sư” tại World Cup 2010 lại vô cùng tồi tệ. Họ chơi tệ ở bảng đấu chỉ có Mỹ, Algeria và Slovenia, xếp nhì bảng và chỉ ghi được 2 bàn. Tới vòng 1/8, tuyển Anh bị Đức đè bẹp 4-1. Càng tồi hơn cho tuyển Anh khi ngôi sao chủ lực Wayne Rooney không những chơi tệ mà còn chửi bới người hâm mộ ngay trước camera truyền hình.
8. Pháp (2010)
Evra (trái) công khai phản đối HLV Domenech
Pháp chật vật giành vé tới Nam Phi sau vở bi hài kịch mang tên “bàn tay của Thierry Henry” và thể hiện của họ ở vòng chung kết cũng vô cùng tệ hại, gồm trận hòa Uruguay không bàn thắng và hai trận thua mất mặt trước Mexico (0-2) và Nam Phi (1-2). Đội Á quân thế giới 4 năm trước xếp bét bảng và về nước sớm.
Nhưng điều tồi tệ nhất mà các cầu thủ Pháp gây ra nằm ở bên ngoài sân bóng. Nicolas Anelka chửi Raymond Domenech, bị loại khỏi đội hình ngay lập tức. Đội trưởng Patrice Evra cầm đầu nhóm “cừu đen” bỏ tập để phản đối HLV. Giám đốc ĐTQG Jean-Louis Valentin xấu hổ từ chức. Sau giải đấu, Domenech bị cho nghỉ việc, trong khi Anelka, Evra và Ribery nhận án treo giò 26 trận tổng cộng.
7. Scotland (1978)
Scotland năm 1978 sở hữu một đội hình chất lượng được dẫn dắt bởi Ally MacLeod, người ngay khi được bổ nhiệm đã huênh hoang: “Tên tôi là Ally MacLeod và tôi là một người chiến thắng”. Scotland thua Peru ngay trận ra quân khi HLV MacLeod bỏ quên Graeme Souness, nhà vô địch Cúp C1 cùng Liverpool. Họ tiếp tục bị Iran cầm hòa trước khi thắng Hà Lan 3-2 ở lượt cuối nhưng vẫn bị loại.
6. Italia (1966)
"Tôi học được rằng bóng đá không chỉ có chuyện thắng thua, chúng tôi chơi bóng còn để phát triển ngoại giao và kêu gọi hòa bình", Pak Doo-Ik đã nói như thế sau khi ghi bàn quyết định giúp CHDCND Triều Tiên loại Italia khỏi World Cup 1966. Đó là tấn bi kịch của người Ý, đội bóng đã thắng Chile nhưng thua Liên Xô và chỉ cần hòa đội bóng châu Á lần đầu dự giải là đi tiếp.
Bi kịch xảy đến khi tiền vệ Giacomo Bulgarelli chấn thương rời sân khi Ý đã hết quyền thay người. 10 cầu thủ đã chiến đấu như những chiến binh cho tới khi Pak ghi bàn thắng duy nhất. Dàn sao Gianni Rivera, Sandro Mazzola, Giacinto Facchetti... về nước sớm và được chào đón bằng màn ném cà chua thối của CĐV nhà.
5. Hà Lan (1990)
Rijkaard hai lần nhổ bọt vào đầu Rudi Voeller
Hà Lan được xem là đội bóng mạnh nhất chưa từng vô địch World Cup. Họ không giành được bất kỳ danh hiệu nào cho tới EURO 1988, nơi họ đăng quang với dàn sao Ruud Gullit, Van Basten, Ronald Koeman, Frank Rijkaard… được xem là thế hệ vĩ đại thứ hai sau thế hệ của Johan Cruyff.
Đội bóng da cam kỳ vọng nhiều ở World Cup 1990 nhưng sự chuẩn bị là không tốt khi HLV Thijs Libregts bị sa thải ngay trước thềm giải đấu. Thêm vào đó là chấn thương của Gullit và những vấn đề cá nhân của Rijkaard... Màn trình diễn của “Oranje” tại mùa Hè Italia rất đáng thất vọng, họ hòa cả 3 trận vòng bảng với Anh, Ireland, Ai Cập và thua Tây Đức ở tứ kết trong trận đấu là vết nhơ khi Rijkaard và Rudi Voeller bị đuổi vì đánh nhau.
4. Colombia (1994)
Nỗi thất vọng và cũng là nỗi đau. Colombia đánh bại Argentina 5-0 ở vòng loại để đường hoàng đến Mỹ như một hiện tượng, nhưng USA 1994 lại là giải đấu ám ảnh với họ. Họ thua chủ nhà Mỹ với bàn đá phản lưới nhà của hậu vệ Andres Escobar và bị loại. 10 ngày sau, tội đồ Escobar bị bắn chết ở quê nhà Colombia.
3. Italia (2010)
World Cup 2010 mang đến nhiều nỗi thất vọng cho các đội bóng châu Âu. Italia trở thành nhà vô địch thế giới thứ hai bị loại ngay từ vòng bảng sau 4 năm. HLV Marcello Lippi đã tuyên bố giải nghệ nhưng bất ngờ quay lại, người hùng Fabio Cannavaro thì đã 37 tuổi. Sau 2 trận hòa thất vọng Paraguay và New Zealand, Azzurri vẫn sẽ giành vé nếu thắng Slovakia nhưng rốt cuộc lại thua 2-3. “Ngày đen tối nhất, tệ hại nhất trong lịch sử bóng đá Italia”, tờ Gazzetta dello Sport viết.
2. Brazil (1982)
Thế hệ vàng thất bại của bóng đá Samba
Brazil ở Espana 82 được xem là đội bóng mạnh nhất không vô địch thế giới. Dàn sao Socrates, Zico, Falcao… gợi nhớ tới thế hệ huyền thoại của Pele năm 1970. Brazil bước đi đầy khí thế với 3 trận toàn thắng Liên Xô, Scotland, New Zealand ở vòng bảng thứ nhất. Họ đánh bại kình địch Argentina ở vòng bảng thứ hai và chỉ cần hòa Italia là vào bán kết. Nhưng cú hat-trick kỳ dị của Paolo Rossi đã loại Selecao. Socrates sau này nói rằng đó là thế hệ vĩ đại cuối cùng của bóng đá Samba.
1. Pháp (2002)
Pháp là nhà vô địch thế giới đầu tiên không qua được vòng đấu bảng. Họ được xem là ứng cử viên số 1 sau chức vô địch thế giới 1998 và chức vô địch châu Âu 2 năm sau đó. Nhưng chấn thương của Zinedine Zidane đã làm hỏng giải đấu của họ. Pháp không chỉ không thắng nổi trận nào, họ còn không ghi nổi một bàn thắng. Họ thua Senegal 0-1 trận ra quân, hòa Uruguay 0-0 trong ngày Thierry Henry bị đuổi, và thua Đan Mạch 0-2. HLV Roger Lemerre bị sa thải.
Sau này Patrick Vieira hồi tưởng lại: “Việc chơi quá cởi mở trong trận gặp Senegal là một thảm họa. Quả đúng là chỉ có đội hình chất thượng thôi chưa đủ, bạn phải làm việc chăm chỉ và giữ chân mình trên mặt đất”.