World Cup còn 49 ngày: FIFA chống những “Maradona”
Diego Maradona phản ứng dương tính với chất cấm ở USA 94 là một trong những vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử World Cup. Ở giải đấu sắp tới, FIFA quyết mạnh tay với vấn đề doping để bảo vệ tính công bằng cho giải đấu.
World Cup 1994 ở Mỹ là giải đấu lớn cuối cùng của Diego Maradona, người đã tỏa sáng chói lọi để đưa đội tuyển Argentina tới chức vô địch tại Mexico 8 năm trước đó. Tuy nhiên Maradona chỉ chơi được 2 trận, ghi một bàn vào lưới Hy Lạp là bị phát hiện dương tính với chất ephedrine và bị đuổi về nước. “Cậu bé Vàng” đã cố gắng giải thích rằng anh bị dính chất cấm do uống nước tăng lực Rip Fuel nhưng bất thành. Sự nghiệp quốc tế 17 năm của anh chấm dứt tại đó với 34 bàn thắng được ghi trong 91 trận.
Cho tới nay, đó vẫn là một vụ doping gây sốc nhất trong lịch sử giải bóng đá lớn nhất thế giới. 20 năm đã qua kể từ ngày ấy và trước World Cup 2014, FIFA đã quyết tâm “làm sạch” giải đấu. Tại Brazil, các mẫu máu và nước tiểu của các cầu thủ sẽ được kiểm tra rất chặt chẽ để phát hiện doping.
Maradona dính chất cấm tại USA 94 là scandal doping lớn nhất World Cup
Giáo sư Jiri Dvorak, trưởng bộ phận y tế của FIFA, sẽ là người đứng đầu chương trình kiểm tra doping ở kỳ World Cup sắp tới.
Ông cho biết: “Hoạt động chống doping đã được tăng cường trong 10-15 năm qua. Việc kiểm tra các mẫu thử cả trong và ngoài các giải đấu không ngăn được các cầu thủ sử dụng doping một cách tinh vi hơn. Các cầu thủ và những người cung cấp doping ngày càng tinh vi hơn, họ đi trước khoa học. Bởi vậy, chúng ta cần phải xem xét lại chiến lược chống doping hiện nay. Chiến lược này được áp dụng từ những năm 1960, trong khi thế giới thể thao ngày nay đã hoàn toàn thay đổi. Chúng ta cần phải phân tích lại các mẫu thử đã lưu trong những năm vừa qua theo các phương pháp mới”.
“Hầu hết các liên đoàn bóng đá quốc tế lưu các mẫu thử máu và nước tiểu trong nhiều năm. FIFA cũng sẽ áp dụng phương thức ấy tại World Cup 2014. Chúng tôi sẽ cấp đông và bảo quản chúng lâu nhất tùy thích và chúng tôi có thể kiểm tra lại bất kỳ lúc nào”, Giáo sư Jiri Dvorak nhấn mạnh khi phát biểu với truyền thông.
Như vậy FIFA sẽ lưu trữ các mẫu thử trong nhiều năm với hi vọng rằng khi các phương pháp kiểm tra được cải tiến và danh mục chất cấm được mở rộng, họ sẽ phát hiện các mẫu thử dính doping và đưa ra những hình phạt tăng cường. Cách làm này có tính răn đe với cầu thủ, những người có ý định dùng doping sẽ phải “chờn” bởi e sợ án phạt sẽ được tuyên sau vài năm nữa.
Ngoài ra, FIFA cũng sẽ rà soát lại mẫu thử đang lưu của các cầu thủ sẽ tham dự World Cup lần này. Những mẫu thử này hiện chưa được phát hiện doping nhưng FIFA hi vọng sự cập nhật về công nghệ sẽ giúp họ. “FIFA sẽ kiểm tra dữ liệu của các cầu thủ tham dự Champions League, Confeds Cup 2013 và World Cup cấp CLB 2011, 2012, 2013.
Vì thế với những cầu thủ hàng đầu, chúng tôi sẽ có khá nhiều mẫu thử. Chúng tôi sẽ tiến hành so sánh dữ liệu của cùng một cầu thủ trong các giai đoạn của sự nghiệp, từ trước các giải đấu lớn, trong giải đấu và sau giải đấu. Chúng tôi sẽ so sánh các thông số khác nhau về steroid và hormone trong máu và nước tiểu. Chúng sẽ chỉ ra những thay đổi bất thường mà căn cứ vào đó, chúng tôi có thể khoanh vùng mục tiêu”, Dvorak nói.
Trong những năm vừa qua, xe đạp, tennis và nhiều môn thể thao khác xuất hiện các vụ scandal lớn gây rúng động. Bóng đá không nằm trong làn sóng này nhưng FIFA không cho rằng đó là bởi các cầu thủ hoàn toàn “sạch” doping. Họ muốn bóng đá trở thành môn thể thao sạch thực sự.