Wenger: Đừng từ chối bắt tay với “kẻ thù”
Cái bắt tay với ông Wenger dường như không còn là một cử chỉ lịch sự cần phải có của một HLV. Nó giờ giống như một hành động trút giận, một hành động trẻ con theo thói quen và nhuốm màu cảm tính.
Bấm đây xem tin HOT ngày 21/2 |
HLV Arsene Wenger đã quyết định từ chối bắt tay HLV Pep Guardiola sau trận thua Bayern Munich, vì ông cho rằng Arjen Robben đã đóng kịch và khiến Arsenal chịu một quả penalty lẫn mất oan một người.
Đây không phải là lần đầu tiên ông từ chối bắt tay HLV đối thủ vì không hài lòng với kết quả trận đấu.
2 năm trước, ông từ chối bắt tay HLV Roberto Martinez của Wigan vì Arsenal thua, và Wenger cho rằng thủ môn của Wigan đã câu giờ, khiến đội bóng của ông gặp bất lợi.
Năm 2011, sau khi thua Tottenham, ông từ chối bắt tay trợ lý HLV Clive Allen bên phía đối thủ. Năm 2009, khi Man City đè bẹp Arsenal, ông từ chối bắt tay Mark Hughes, dù các cầu thủ Man xanh chẳng câu giờ hay ăn vạ gì cả. Năm 2006, Arsenal thua West Ham, và Wenger cũng từ chối bắt tay Alan Padrew.
Năm 2005, ông không bắt tay Jose Mourinho. Lần này thì có thể hiểu được: HLV người Bồ trước đó đã gọi Wenger là một kẻ tọc mạch chuyên “bắc kính thiên văn soi vào nhà người khác”.
Cái bắt tay với ông Wenger dường như không còn là một cử chỉ lịch sự cần phải có của một HLV. Nó giờ giống như một hành động trút giận: Ông không hài lòng về thất bại, về đối thủ, và ông chọn cách phản ứng là không bắt tay HLV đối thủ, cho dù HLV ấy có lỗi hay không.
Wenger từng nhiều phen từ chối bắt tay đối thủ
Đó hiển nhiên là hành vi không được hoan nghênh, nhưng tạm bỏ qua những phán xét về cách cư xử của ông Wenger, thì việc từ chối bắt tay ấy cũng nghiêm trọng hơn ta tưởng, với cương vị là HLV của một CLB đầy tham vọng như Arsenal.
Có một HLV chưa bao giờ từ chối bắt tay đối thủ trong mọi hoàn cảnh nào: Jose Mourinho, cho dù trên lý thuyết, ông là người có nhiều kẻ thù nhất. Mourinho có thể đấu khẩu rất gay gắt với Pep Guardiola, nhưng chưa bao giờ từ chối cái bắt tay. Ông đã từng là kẻ địch lớn nhất của Sir Alex Ferguson, nhưng ngoài đời, hai người còn giống như những người bạn… tri kỷ.
Mùa này, Mourinho không chỉ siết chặt tay các đối thủ của ông ở Premier League, mà thậm chí còn khen Wenger là “người tôi rất tôn trọng” (trước khi mắng rằng HLV của Arsenal là “chuyên gia thất bại”) và ôm chầm lấy David Moyes.
Đừng ghét kẻ thù của bạn
Trong phim The Godfather (Bố già) có một câu nói kinh điển về cách cư xử của những ông trùm Thế giới ngầm: “Hãy gần gũi với bạn bè, nhưng còn phải gần gũi với kẻ thù nhiều hơn.” Một câu khác: “Đừng bao giờ ghét kẻ thù của bạn”. Lý do? Sự dao động tâm lý ấy khiến mỗi quyết định các ông trùm đưa ra trở nên thiếu chính xác.
Mourinho ít khi bị cảm xúc ấy chi phối, và mỗi phản ứng của ông dường như đều có tính toán. Đầu mùa, ông không ngại đóng vai “người tốt”, tỏ ra thật thân thiện và gần gũi với các “kẻ thù”, trước khi lộ diện vào thời điểm mùa giải đang đi vào giai đoạn khốc liệt.
Giáo sư cùng đội bóng gặp nhiều khó khăn
Mourinho thường là người khuấy động và chi phối cảm xúc của đám đông, hơn là người bị chi phối. Mùa này, ông đã khiến Pellegrini giận dữ đến mức cũng… từ chối bắt tay, khiến Alan Pardrew bực mình đến nỗi “sẽ đấm vào mõm hắn ta nếu dám láo”, khiến Brendan Rodgers mất bình tĩnh, và Arsene Wenger cũng phải nổi khùng.
Ông Wenger, ngược lại, có vẻ đang quá dễ để cảm xúc dẫn dắt, mà những cái từ chối bắt tay có hệ thống là minh chứng rất rõ ràng. Và câu chuyện từ chối bắt tay chỉ xảy ra từ khi Arsenal rơi vào giai đoạn trắng tay. Một câu chuyện nghe có vẻ trẻ con, nhưng nó thật nguy hiểm đối với một người ở cương vị ông.
Mỗi quyết định của Wenger có ảnh hưởng rất lớn đến số phận của Arsenal, không chỉ là trong một trận đấu kéo dài 90 phút. Nó còn là cuộc chiến trong phòng họp báo, phòng thay đồ, trên bàn họp về chiến lược của đội bóng. Ở bất kỳ đâu, một nhà quản lý có tầm vóc không thể để chuyện bị cảm xúc dẫn dắt trở thành thói quen.
Nếu cần một ví dụ trong 90 phút để thấy hậu quả của sự thiếu ổn định tâm lý, thì quả penalty hỏng ăn của Mesut Oezil trong trận thua Bayern là bằng chứng hùng hồn. Đó là một trận đấu mà Oezil đã bộc lộ rõ sự yếu kém về tâm lý : Anh mất tinh thần sau quả 11 mét đá hỏng và chơi tệ hại, không những thế còn nổi khùng với đồng đội Mathieu Flamini. Cả đội Arsenal cũng đã tỏ ra bị dao động về tâm lý sau quả phạt đền hỏng ăn ấy.
Arsenal và ông Wenger có lẽ cần một thái độ khác trước mỗi biến cố, và thay đổi của ông Wenger có thể bắt đầu từ một hành vi đơn giản mà bất kỳ một HLV nào cũng làm trước trận đấu: Đừng bao giờ từ chối bắt tay ai, dù đó có là kẻ thù đi nữa!