Vụ trọng tài Ngọc Tân qua đời vì đột quỵ: VFF chính thức nói gì?
Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết VFF không có bình luận về việc trọng tài Dương Ngọc Tân đã được khám sức khoẻ ở địa phương nhưng lại gặp sự cố về sức khoẻ khi kiểm tra thể lực trước giải hạng Nhất 2018.
Tuần qua, vụ việc trọng tài ở giải hạng Nhất Dương Ngọc Tân qua đời sau cơn đột quỵ khiến làng bóng xót xa. Ở sự cố này, Ban trọng tài VFF đã có quy trình kiểm tra ngược, khi bố trí cho các trọng tài đi kiểm tra sức khoẻ vào ngày 4/4, nhưng lại tiến hành kiểm tra thể lực 2 ngày trước đó, vào ngày 2/4. Nếu được kiểm tra sức khoẻ sớm tại bệnh viện Thể thao Việt Nam như các trọng tài ở giải V-League, trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân có thể đã được phát hiện bệnh kịp thời và bị cấm kiểm tra thể lực.
Lãnh đạo VFF trong buổi họp báo
Tuy nhiên, cơ sở để Ban trọng tài cho trọng tài Tân vẫn kiểm tra thể lực vào ngày 2/4 là giấy khám sức khoẻ ở địa phương của trọng tài này. Nhưng ai cũng biết rằng, việc khám sức khoẻ ở địa phương không chuyên sâu, và đó cũng là những vấn đề mà nhiều phóng viên đặt ra với VFF trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 10/4.
Tổng thư ký (TTK) VFF Lê Hoài Anh đã giải đáp: “VFF bày tỏ sự cảm thông với sự cố đáng tiếc vừa qua. Liên quan sự cố này tôi xin nói lại quá trình tập huấn như sau:
Chúng tôi yêu cầu các trọng tài phải có giấy khám sức khoẻ sau ngày 15/3. Nếu ai không có giấy khám sức khoẻ không được kiểm tra thể lực.
Trọng tài Tân có đủ điều kiện sức khoẻ để học tập, công tác. Việc kiểm tra hồ sơ của trọng tài Tân tiến hành vào ngày 30/3. Trong giấy khám sức khoẻ này bác sĩ không lưu ý bất cứ việc khám chuyên khoa với trọng tài Tân”.
Ông Hoài Anh cũng lý giải về việc không có xe cấp cứu nào trên sân khi trọng tài Tân bị đột quỵ: “Chúng tôi đã bố trí xe cứu thương ở SVĐ khi kiểm tra thể lực các trọng tài. Chiều ngày 2/4, sau khi kết thúc kiểm tra đợt đầu tiên có 2 trọng tài bị biểu hiện sốc nhiệt. Tuy nhiên sau khi 1 trọng tài được đưa đi viện, thì trọng tài Tân có biểu hiệu suy tim, việc gọi xe cứu thương về không kịp nên phải đi taxi.
Sau khi trọng tài Tân được đi cấp cứu, Ban trọng tài đã có mặt để hỗ trợ các công việc liên quan. Ngày 4, 5/4, trọng tài Tân có tín hiệu tốt, nhưng ngày 7/4 đã không qua khỏi”.
“Do trọng tài Tân đã được kiểm tra sức khoẻ bởi cơ quan y tế có thẩm quyền, do đó trọng tài này được phép kiểm tra thể lực. Trong quá trình kiểm tra thể lực, do cố gắng tối đa nên bị suy tim cấp. Đây là điều hiếm khi xảy ra”, ông Hoài Anh nhấn mạnh.
Trước câu hỏi vì sao không khám sức khoẻ trước cho các trọng tài rồi mới tiến hành kiểm tra thể lực, ông Hoài Anh cho biết: “Việc khám sức khoẻ do Ban trọng tài. Còn việc khám vào ngày 4/4 là yêu cầu bắt buộc và đánh giá lại vấn đề sức khoẻ của các trọng tài.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với Ban y tế có nội dung tập huấn cấp cứu. Chúng tôi sẽ có yêu cầu giấy khám sức khoẻ cần có kiểm tra chuyên sâu. Chúng tôi chỉ kiểm tra thể lực cho trọng tài khi có xe cứu thương trên sân. Ngoài ra các trọng tài cần tự tập luyện, và biết thời điểm dừng lại ngay khi bị quá sức hoặc có những dấu hiệu bất thường về sức khoẻ”.
Sau vụ việc này, theo ông Hoài Anh, VFF không bình luận vì giấy khám sức khoẻ được các cơ quan y tế có thẩm quyền cấp giấy phép cho trọng tài Tân. Trong những năm trước đây, VFF chỉ áp dụng giấy khám sức khoẻ của các trọng tài khi họ kiểm tra ở địa phương, các sự kiện quốc tế cũng làm vậy.
“Trọng tài cần phải biết được các biểu hiện nguy hiểm, chủ động dừng kiểm tra thể lực”, TTK VFF khuyến cáo.
Trọng tài Dương Ngọc Tân, 37 tuổi, đã qua đời trong sự thương tiếc của gia đình.