Vũ khí của người Thái, sự xa xỉ của chúng ta
Thế trận người Thái vẫn nhỉnh hơn, nhưng sự nhỉnh hơn ấy chưa đủ xuyên thủng hàng phòng ngự tuyển Việt Nam. Giữa lúc Dangda, Channathip, bị vây chặt qua cách phòng ngự số đông của tuyển Việt Nam thì thứ vũ khí khác của tuyển Thái Lan đã phát huy tác dụng.
Diễn tiến cho thấy, trong hiệp một, nếu không có sự xuất sắc của thủ môn Nguyên Mạnh thì lưới của tuyển Việt Nam ba lần rung lên chứ không phải một lần.
Đó là cú đá gần của Dangda trước khi có bàn thua, sau đó là cú sút phạt dội xà của Anan rồi Mongkol băng vào sút bồi, Mạnh cũng phản xạ rất nhanh. Điều đáng nói ở đây là tuyển Thái Lan vẫn có nhiều loại “vũ khí” hơn Việt Nam.
Cú sút xa “mu lai má ngoài” của Proekrit Thaweekarn thành bàn thật hiểm hóc, bóng găm thẳng vào góc ê kê. Rồi cú sút phạt của Anan…bóng bật hàng rào cuộn lên thành pha bóng hiểm hóc…
Khi Channathip tịt ngòi thì đã có Thaweekarn làm thay với bàn mở tỷ số thật ngoạn mục và cú dốc bóng tạt ngang buộc hậu vệ Việt Nam đá phản lưới nhà. Ảnh: QUANG THẮNG
Ở khoản sút xa và tình huống cố định thì tuyển Việt Nam hầu như không có ai xuất sắc. Thành phần tuyển Việt Nam hiện nay chỉ có mỗi Trọng Hoàng thỉnh thoảng có vài sút xa uy lực còn lại chẳng thấy thêm ai nữa. Trước cầu môn thì các chân sút Việt Nam thường hay…bắn chim.
Nhìn cú sút xa ăn bàn của Proekrit thấy nó quá xa xỉ với bóng đá Việt Nam, tuyển Việt Nam.
Còn với Thái Lan một khi Dangda bị vây chặt thì tiền đạo này lùi về và chính pha đá phản lưới nhà của Đinh Tiến Thành từ cú lật bóng của Proekrit Thaweekarn là xuất phát từ cú tỉa bóng của Dangda.
Hai cầu thủ phòng ngự Thái Lan giỏi tấn công là Bunmathan và Proekrit, một khi Bunmathan không tỏa sáng thì Proekrit lại làm thay, và anh này đã là thay cho cả tiền đạo.
Tuyển Thái Lan đã có nhiều vũ khí lợi hại hơn ta, nhiều phương án hơn ta.