Vụ các cầu thủ Đồng Nai bán độ: Dao hai lưỡi
Phụ huynh của sáu cầu thủ Đồng Nai làm độ ai cũng thú thật không thấy biểu hiện xấu ở con mình đến khi cơ quan điều tra khám xét nhà và thông báo.
Chúng tôi còn nhớ ngày đội U-22 Việt Nam đoạt cúp Merdeka trở về, nhiều người chứng kiến ba mẹ của Long Giang ông Nguyễn Thành Sáng và bà Huỳnh Mai bỏ công việc từ Gò Công lên TP.HCM rất sớm để đón con. Ngày ấy cảnh xum họp của gia đình Long Giang là được các phóng viên quan tâm nhất. Thậm chí có đài truyền hình còn phỏng vấn ông Sáng và ông nghẹn ngào nói không nên lời khi bên cạnh là con trai bẽn lẽn trước ống kính, máy quay…
Khổ vì con…
Sáu năm sau sự kiện đấy, ông Sáng và bà Mai ràn rụa nước mắt khi ngồi ở Trung tâm Thể thao Đồng Nai gửi lời xin lỗi đến HLV Trần Bình Sự và tập thể đội bóng vì con dính đến vụ tai tiếng này.
Trong khi đó cha của đội trưởng Phạm Hữu Phát - ông Phạm Văn Sơn nhớ lại hồi con mình con bé và ông đã dạy cho con chơi với quả bóng để rèn luyện sức khỏe rồi thấy thằng bé có năng khiếu và ông đã dẫn con lên Biên Hòa đăng ký thi vào trường năng khiếu bóng đá. Bây giờ ông sụt sịt khóc và lẩm bẩm: “Giá mà hồi đấy tôi đừng đưa con đi thi…”.
Hồi cố HLV Phạm Huỳnh Tam Lang còn là người thầy ở Trung tâm Thành Long, ông cũng rất hay khen cậu học trò nhỏ con Nguyễn Đức Thiện vừa ngoan, vừa chịu học hỏi lại có nhiều tố chất bóng đá. Có lần người thân của Đức Thiện lên thăm con em mình ông cũng tự hào khoe với mọi người về sự tiến bộ của cậu học trò cưng có bàn tay chăm sóc của gia đình.
Với Hà Niệm Tiến cũng thế, không nổi bật như Đức Thiện nhưng ngày đầu vào lớp huấn luyện bóng đá trẻ cũng thật nhút nhát, rụt rè…
Long Giang từng được HLV Calisto rất tin tưởng. Ảnh: QUANG THẮNG
Hầu hết đều xuất thân từ những đứa trẻ ngoan và gia đình không đến nỗi túng thiếu nhưng vì sao họ lại rủ rê nhau sa chân dễ như thế? Và cơ quan điều tra cũng khẳng định đấy không phải là trận duy nhất mà họ làm độ và cũng không chỉ cầu thủ đội Đồng Nai làm như thế?
Có phải môi trường bóng đá quá nhiều cạm bẫy như chính các HLV đã cảnh báo với cầu thủ khi thấy họ giao du với nhiều thành phần trong xã hội và được “cho” nhiều thứ với vỏ bọc yêu thích, hâm mộ thì cho? Chính HLV Trần Bình Sự cũng chia sẻ điều này với cha mẹ Long Giang về những mối quan hệ mà ông không thể quản hết được và cũng không phân loại được. Chỉ có điều là ông bất an và đã khuyến các cầu thủ hãy cẩn trọng với những mối giao du và sự cám dỗ.
Bóng đá chỉ là một phần…
Trách một nền bóng đá vội vã lên chuyên nghiệp và vội nâng giá cầu thủ vội trao cho họ giá trị ảo với tiền tỉ trao tay cho mỗi phi vụ chuyển nhượng thì đúng nhưng chưa đủ. Họ ngộ nhận bóng đá chuyên nghiệp là tiền và khi cầu thủ không bận tâm đến chuyện kiếm sống nữa thì họ sẽ trân trọng với nghề.
Điều này chính ông Lê Hùng Dũng từng thừa nhận là ông đã lầm khi hồi làm giám đốc điều hành Ngân hàng Đông Á, chính ông là người đẩy lương Lê Huỳnh Đức lên 25 triệu đồng/tháng - kỷ lục thời bấy giờ. Cũng giống như ông từng nghĩ treo thưởng cao thì cầu thủ hết mình và hết lòng nên cố gắng kêu gọi các doanh nghiệp thưởng U-23 Việt Nam 5 tỉ đồng nếu vô địch SEA Games 2005. Thế nhưng ngay tức thời thì ông nhận ngay bài học đắng chát khi một nhóm cầu thủ vừa muốn nhận tiền thưởng vừa muốn nhận tiền độ qua sự cố bán thắng ở Bacolod.
Rõ ràng việc chăm chút cho đồng tiền và tưởng sẽ giải quyết được tất cả hóa ra lại là con dao hai lưỡi khi đa phần cầu thủ được các lò luyện đá nhiều hơn luyện nhân cách. Thậm chí là chỉ mỗi một điều mà nhiều HLV, nhiều phụ huynh sau này đau xót là “Tại sao học trò tôi, con tôi không biết nói không với cái xấu”.
Trao đổi với chúng tôi vụ việc này, một chuyên gia về xã hội học chia sẻ: “Vấn đề đáng lo không phải chỉ là lĩnh vực bóng đá nhiều cầu thủ biết tội mà vẫn làm, nguy hiểm hơn là cuộc sống bây giờ nhiều người, nhiều thành phần cũng sống vội như thế. Họ biết đó là tội mà vẫn cắm đầu vào vì những món lợi lớn…”.
Xót cho bóng đá Việt Nam toàn lặp lại những bài học cũ và cầu thủ biết thế mà vẫn cứ tham, cứ sa chân để rồi mất tất cả.
Xót cho những người làm cha làm mẹ bây giờ hối hận vì đã để con chọn con đường bóng đá dù bóng đá không có tội…
Quy định kỷ luật của VFF về cầu thủ Đồng Nai bán độ Theo Quy định về kỷ luật của LĐBĐ VN, Điều 54 ghi: Người nào có hành vi làm sai lệch kết quả trận đấu… Trận đấu có biểu hiện dàn xếp, bán độ… sẽ hủy bỏ kết quả trận đấu, phạt tiền từ 50 triệu đến 100 triệu đồng… Điều 55 quy định: Thành viên tham gia cá độ, bán độ, môi giới bóng đá bị phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đồng, cấm có thời hạn hoặc vĩnh viễn… Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Ban kỷ luật VFF cho biết mới tạm đình chỉ thi đấu sáu cầu thủ của Đồng Nai liên quan đến hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc còn lại vẫn chưa có quyết định chính thức liên quan đến đội Đồng Nai vì còn chờ quyết định chính thức của cơ quan điều tra. TP |