VPF tuổi lên 4: Chuyện vòng kim cô, hay bản sao VFF
VPF đã có cuộc hộp Hội đồng quản trị liên quan đến vấn đề thay đổi nhân sự, tái cơ cấu và định hướng hoạt động năm 2016. Nói như nhiều người là phần lý thuyết có cả một bức tranh màu hồng.
Thay đổi lớn về nhân sự là việc rút lui khỏi vị trí Tổng giám đốc của ông Phạm Ngọc Viễn và chuyển sang vị trí Phó Chủ tịch thường trực. Ngoài ra, HĐQT còn bổ sung ông Cao Văn Chóng (Becamex Bình Dương) vào vị trí Tổng giám đốc.
Bên cạnh đó VFF lên định hướng hoạt động năm 2016 có những điểm nhấn đáng chú ý, như thay đổi thể thức thi đấu của cúp quốc gia 2016; thống nhất kinh phí hỗ trợ CLB tham dự mùa giải 2016; dự thu mùa bóng 2016 là trên 131 tỷ đồng trong đó thu từ bản quyền truyền hình là 30 tỷ đồng; nghiên cứu phương thức thực hiện mua bảo hiểm cho các cầu thủ chuyên nghiệp.
Ngoài ra, VPF còn lên kế hoạch, đàm phán và phối hợp với Công ty cảnh báo cá cược Quốc tế - Sport Radar, để cảnh báo các trận đấu bất thường ở Việt Nam, qua đó phối hợp cùng C45 (Bộ Công An) xử lý tình huống trong giải đấu một cách tốt nhất.
Dư luận đã thấy những điểm tích cực trong cuộc họp HĐQT VPF vừa qua
Thực chất dư luận đã thấy những điểm tích cực trong cuộc họp HĐQT VPF vừa qua, nhưng tất cả mới chỉ là lý thuyết và dự tính trong lộ trình ngắn hạn. Tuy nhiên có 1 điểm cần kíp mà VPF không đào xới, đó là những mặt trái trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp mà điển hình là quy định về kỷ luật ai cũng thấy sai khi nó nằm cả trên luật dân sự, thế nhưng các thành viên vẫn không đề cập đến và mặc nhiên chấp nhận để “cái sạn” của giải đấu chuyên nghiệp tồn tại.
Cũng phải thừa nhận phát biểu trong buổi tổng kết V-League của ông Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng về những bất cập trong cơ cấu hoạt động của VPF đã có phần tích cực trong phiên họp HĐQT lần này.
Định hướng trong dự thu lẫn dự chi của VPF đã tập trung nhiều vào phần kiếm tiền và tận thu từ nhiều nguồn, đồng thời tăng thêm phần hỗ trợ các CLB tham dự những giải đấu. Tuy nhiên ở đây lại không thấy đi sâu và đi chi tiết vào phần nội dung, hay nói đúng hơn là bản chất của VPF khi thực hiện tiêu chí ban đầu.
Ba năm trước, từ sau lần lên tiếng và tập hợp quyền lực của các ông bầu làm bóng đá, VPF ra đời với tiêu chí và định hướng VPF là một công ty cổ phần bóng đá phục vụ quyền lợi các CLB và chất lượng của những giải đấu chuyên nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Dư luận chờ đợi một VPF với ý tưởng kéo V-League thoát ra sự điều hành trực tiếp của LĐBĐ quốc gia, như cái cách người Anh tổ chức Premier League, hay Công ty bóng đá chuyên nghiệp Thai Lan tổ chức Thai-League.
Thế nhưng kể từ khi người thai nghén và đứng đầu tổ chức VPF là bầu Kiên vào vòng lao lý thì VPF rõ ràng “như rắn mất đầu”. Nói như Chủ tịch CLB Hải Phòng, Trần Mạnh Hùng thì VPF đã bị biến thành một công ty mà VFF ngày càng muốn nhúng tay vào sâu và “quậy cháo” ở đấy bằng cách đưa người của VFF “đổ bộ” vào, cùng việc nắn quyền quản lý lẫn quyết định về nhân sự, dù đấy là công ty cổ phần.
Thế nhưng cuộc họp chiều 28/10, phần can thiệp mạnh từ VFF đã không xảy ra như nhiều người vẫn lo ngại. Bằng chứng là trước đây các thành viên chủ chốt của VFF rất quyết liệt trong việc gạt ông Phạm Ngọc Viễn ra khỏi vị trí Tổng giám đốc lẫn tham gia vai trò điều hành của công ty này và lập tức bị các thành viên phản đối đòi bỏ phiếu (kết quả là phiếu thuận cho ông Viễn tồn tại đã thắng áp đảo). Nay ông Viễn vẫn rời chức Tổng Giám đốc, nhưng lại nhận được vị trí Phó Chủ tịch thường trực.
Với vai trò mới của ông Viễn, nếu được tạo điều kiện tốt thì đấy là một thử thách lớn cho ông cựu Tổng thư ký VFF, bởi cùng với vai trò mới là gánh nặng dự thu về những khoản kinh phí lớn mang về cho VPF để điều hành và hỗ trợ các CLB.
VPF với những dự tính màu hồng thực chất vẫn còn để lại những nỗi lo
VPF với những dự tính màu hồng thực chất vẫn còn để lại những nỗi lo mà ở đây ai cũng thấy rất rõ kể từ khi bầu Kiên vào vòng lao lý thì vai trò của VPF nhạt dần, không chỉ ở mặt kiếm tiền mà còn là đường lối, chủ trương xây dựng một công ty cổ phần bóng đá từ phần vốn lớn của các cổ đông là CLB nhằm mang đến quyền lợi cho các CLB, đồng thời nâng chất bóng đá nước nhà.
Tuổi lên 4 với vài thay đổi về nhân sự VPF liệu có thoát ra được cái “vòng kim cô”, hay lại vẫn là bản sao của VFF khi tổ chức những giải đấu như ngày nào?!.
Tuổi lên 4, VPF lại tính đến chuyện học K-League (giải nhà nghề Hàn Quốc), sau khi đã “ứng dụng” hết những phần nổi của J-League cùng việc hưởng lợi từ một số công ty của Nhật tràn vào thị trường Việt Nam thông qua bóng đá.