VPF chuẩn bị cho mùa giải mới: Đau đầu chuyện… tiền
VPF vừa mới thông báo sẽ tổ chức họp báo giới thiệu nhà tài trợ mới cho mùa giải mới diễn ra ngày 11/1. Giật mình! Bởi ngày này cũng là ngày khai mạc V.League 2014. Đến ngay cả những giải phong trào cũng không có chuyện lạ lùng đến thế… Nhưng VPF buộc phải làm vậy vì họ chẳng còn ngày nào để chọn, và cũng chẳng có nhà tài trợ… mới nào cả.
Tìm hoài… không thấy
Cuối mùa giải 2013, ông Võ Quốc Thắng đọc bản tổng kết mùa giải và sau đó lên kế hoạch tài chính cho năm 2014 thật hoành tráng khi mục tiêu đưa ra là doanh thu lên đến 120 tỷ đồng tăng 30% so với con số gần 90 tỷ đồng doanh thu của năm 2013. Nhưng ai cũng chỉ cười khi nghe ông Thắng nói thế, bởi doanh thu của năm 2013 cũng chỉ đến từ tiền túi… của người nhà. Trong khi năm 2014, số lượng đội bóng chuyên nghiệp còn giảm xuống chứ không tăng, bên cạnh thất bại toàn diện của bóng đá Việt Nam trong năm qua, chẳng mấy ai tin VPF sẽ thực hiện được mục tiêu trên.
Thế là dù có tới 5 tháng để chuẩn bị cho mùa giải mới, nhưng đến lúc này VPF cũng chưa tìm được nhà tài trợ cho V.League và hạng Nhất chứ không nói đến chuyện tăng doanh thu so với mùa giải trước. Doanh thu duy nhất mà VPF có được thời điểm này có lẽ là số tiền 500 triệu đồng từ mỗi CLB phải đóng để tham gia giải.
Không tìm được nhà tài trợ, VPF chưa thể thực hiện được các kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải mới một cách chủ động. Họ chỉ còn cách trông cậy vào “người nhà” là ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank. Về lý thuyết, Eximbank đã hết hợp đồng với VPF, nhưng do ông Dũng nhiều khả năng sẽ đắc cử Chủ tịch VFF, đồng thời vẫn còn giữ chức Phó chủ tịch VPF, nên Eximbank sẽ tiếp tục rót tiền cho V.League 2014.
Dù vậy, số tiền khoảng 40 tỷ từ Eximbank cộng với các khoản thu khác từ các CLB, nhiều lắm chỉ giúp VPF đạt được doanh thu bằng so với năm 2013. Trong khi các khoản như bản quyền truyền hình hay bảo trợ cho giải cũng chẳng có ai nhắc đến.
Không có tiền, liệu V-League 2014 sẽ diễn biến ra sao?
Không tiền… thì làm gì?
Mục tiêu chính của VPF khi thành lập là kiếm tiền để san sẻ khó khăn cho các CLB. Chính việc VPF không hoàn thành được mục tiêu trên nên tại V.League 2013 họ đã phải đứng nhìn các CLB lần lượt bị giải thể. Năm nay, khi số tiền tính đến thời điểm mà VPF có được thậm chí chưa bằng năm ngoái, vậy họ sẽ làm thế nào để hỗ trợ cho các CLB tham dự?
Bằng chứng đầu tiên cho thấy khó khăn ấy là việc VPF sẽ không hỗ trợ chi phí di chuyển đến sân đối phương cho các CLB, thay vì hỗ trợ 7 tỷ đồng giống như năm 2013. Trong khi mức phạt dành cho các đội tăng lên nên chi phí hoạt động của các đội cũng từ đó mà tăng theo. Như vậy, chẳng khác nào VPF vừa không hỗ trợ được cho các CLB, vừa khiến trở thành “gánh nặng” cho họ.
Kể từ khi VPF ra đời cũng là lúc hàng loạt các đội bóng bị “giải thể”, vậy khi bài toán “tiền đâu” chưa được giải. Ai biết được mùa bóng tới sẽ có bao nhiêu CLB “đứt gánh giữa đường” như thế.