VPF chống tiêu cực ở mùa giải 2016: Nói mười, làm được mấy?
Trước thềm mùa giải 2016, lãnh đạo Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) lại tuyên bố sẽ kiên quyết đấu tranh, loại bỏ tiêu cực khỏi đời sống bóng đá Việt Nam (BĐVN). Điều dư luận quan tâm là trong thời gian tới, VPF sẽ cụ thể hóa lời nói bằng hành động ra sao.
Đá không “nhiệt” cũng là tiêu cực
Một trong những “cái gai” tồn tại lâu nay trong lòng bóng đá Việt Nam chính là những trận đấu “ân tình”. Gần nhất ở V.League 2015, cổ động viên (CĐV) Hải Phòng, SLNA đã phản ứng thái độ thi đấu hời hợt của đội nhà lần lượt ở các trận đấu gặp chủ nhà XSKT.Cần Thơ (vòng 18), HAGL (vòng 22). Sau khi SLNA bất ngờ thua HAGL 1-3, ngay cả ông Nguyễn Hồng Thanh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA cũng phải thừa nhận: “Người Nghệ An sống rất tình cảm, cầu thủ cũng vậy. Vì thương những đội bóng khó khăn nên đá không hết sức, khổ lắm!”.
Theo HLV Trần Bình Sự, Đồng Nai (giữa) rớt hạng sau khi V.League 2015 kết thúc vì... “thân cô thế cô”. Ảnh: Minh Hoàng
Hai trận đấu đó chỉ là những điển hình cho không ít cuộc đọ sức “mờ mờ, ảo ảo” tại V.League 2015, đặc biệt trong giai đoạn cuối mùa gắn với cuộc đua trụ hạng giữa HAGL-XSKT.Cần Thơ-Đồng Nai. Kết cục sau khi rớt hạng, HLV lão làng Trần Bình Sự (Đồng Nai) chỉ biết cảm thán: “V.League “không thật”. Đồng Nai rớt hạng cũng xứng đáng thôi vì lực lượng yếu lại thân cô, thế cô”.
Tất cả những “vết gợn” nói trên xuất hiện đàng hoàng trước dư luận. VPF, Ban tổ chức giải biết nhưng đều “lờ” đi vì giám sát không hề báo cáo nghi vấn, không có cơ sở khẳng định trận đấu tiêu cực. Và phía trước, khi V.League 2016 khởi tranh, liệu những luận điệu ấy có lặp lại không?
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF nhấn mạnh: “Đá không hết sức cũng là tiêu cực. Tôi đã bàn với Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường về chuyện này. Mùa giải tới, những trường hợp thi đấu thiếu động lực khi đã trụ hạng hay đá giữ chân để đi tìm đội bóng mới… cũng sẽ bị xem xét, phạt “nguội”. Có thể mùa bóng đã kết thúc nhưng khi xem lại, có thể xử “treo giò” 5-10 trận ở mùa sau”.
“Ném chuột” đừng ngại “vỡ bình”
"Tiền mua vé vào sân là mồ hôi nước mắt của người hâm mộ. Các đội bóng, cầu thủ cần phải hiểu điều đó và chúng ta không được phản bội các CĐV” - Ông Võ Quốc Thắng. |
Ngoài báo cáo của các giám sát trận đấu, giám sát trọng tài như mọi năm, ở mùa giải 2016, những thông số do công ty kiểm soát cá cược hàng đầu thế giới Sportradar cung cấp sẽ là cơ sở để VPF đi đến những quyết định mạnh tay với các trường hợp có dấu hiệu tiêu cực, bạo lực sân cỏ… “Từ Facebook đến cách tiêu xài tiền trong sinh hoạt của cầu thủ… cũng sẽ được quan sát, chứ không chỉ biểu hiện bất thường trên sân cỏ” - ông Võ Quốc Thắng bật mí thêm.
Đón nhận thông tin về việc VPF kiên quyết chống tiêu cực, ông Trần Văn Hồng- Chủ tịch Hội Cổ động viên (CĐV) SHB.Đà Nẵng nói: “Trong những năm qua, tiêu cực ở bóng đá Việt Nam đã trở thành một cơn lốc. VFF, VPF với vai trò đầu tàu đã làm không hết trách nhiệm, còn quá nể nang, thậm chí trong nhiều thời điểm còn có dấu hiệu bất lực. CĐV chúng tôi hy vọng sang năm 2016, mọi thứ sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ với sự xuất hiện của Công ty Sportradar. VFF, VPF cần kiên quyết đấu tranh với tiêu cực, ai sai xử mạnh ngay chứ không lôi thôi gì hết. Chỉ có như thế, bóng đá Việt Nam mới phát triển được”.
Là người từng phát biểu rất gay gắt về vấn đề tiêu cực ở mùa giải 2015, HLV Trần Bình Sự chia sẻ: Sự xuất hiện của Công ty Sportradar sẽ mang đến những tín hiệu tích cực. Họ là công ty cung cấp thông tin, dữ liệu, cảnh báo cá cược hàng đầu thế giới và đã được FIFA, AFC tin dùng từ lâu rồi nên chúng ta cũng có thể đặt niềm tin. “Điều tôi băn khoăn là sau khi có đầy đủ những dữ liệu rồi, VFF, VPF có kiên quyết xử không, hay lại rơi vào tình trạng “ném chuột sợ vỡ bình”? Quan điểm của tôi lúc này là kể cả “vỡ bình” cũng phải làm thôi để lấy lại niềm tin của người hâm mộ, giúp bóng đá Việt Nam phát triển” - ông Sự mong mỏi.