Vòng 1/8 EURO 2016: Hai bộ mặt của tuyển Đức
Bước vào vòng knock out, Đức mang theo diện mạo nhạt nhòa so với vị thế ĐKVĐ World Cup của họ. Thầy trò Joachim Loew đã trình diễn hai bộ mặt khác nhau sau 3 trận vòng bảng vừa qua.
Video Đức thắng Bắc Ailen ở lượt cuối vòng bảng
Bộ mặt thứ nhất, Đức kiểm soát bóng nhưng không tạo ra được nhiều cơ hội ăn bàn. Bộ mặt thứ hai, người Đức tạo ra cơ hội nhưng chất lượng các cú dứt điểm lại yếu kém đến khó tin.
Ở Euro 2016, các chân chuyền siêu hạng của Đức đang chơi rất ấn tượng
Khi Marcello Lippi đang nhâm nhi tách cà phê để tận hưởng chiến thắng ở World Cup 2006, một tifosi đã nhận ra và tiến lại gần ông. Người này nói với HLV trưởng đội tuyển Ý: “Chúc mừng ngài vì chức vô địch. Nhưng tại sao ngài không gọi Panucci?”.
Christian Panucci khi ấy là hậu vệ kỳ cựu của Azzurri nhưng không được Marcello Lippi ngó ngàng tới bởi những mâu thuẫn cá nhân khi cả hai còn ở Inter Milan. Câu chuyện về Panucci và Lippi chỉ ra rằng một đội bóng lớn chiến thắng và giành được danh hiệu là chưa đủ để thỏa mãn người hâm mộ.
Chuyền hay, sút dở
Một đội bóng lớn cần phải biết cách chơi đẹp. Đó là lý do tại sao Tây Ban Nha của Vicente Del Bosque vô địch EURO 2012 vẫn bị chỉ trích với lối chơi buồn ngủ, không có tiền đạo và chỉ sử dụng Cesc Fabregas trong vai trò “số 9 ảo”. Tương tự là đội tuyển Đức của Joachim Loew, đội bóng vừa giành vé vào vòng 1/8 EURO 2016 nhưng màn thể hiện ở vòng bảng lại khá nhạt nhòa so với vị thế ĐKVĐ World Cup của họ.
Trước Bắc Ireland, đội tuyển Đức đã có một trận đấu “ra hồn” nhất kể từ đầu chiến dịch EURO 2016. Việc gần như đã chắc chắn giành vé giúp họ yên tâm chọn cách chơi cởi mở. Họ kiểm soát bóng tới 71% thời lượng và tung ra cả thảy 26 pha dứt điểm. Nhưng chất lượng hàng công lại là vấn đề với “Die Mannschaft” khi chỉ có 9 lần dứt điểm trúng đích và một bàn thắng được ghi.
Một số cầu thủ tấn công của tuyển Đức đã chơi tốt hơn, tiêu biểu là Mesut Oezil và Thomas Mueller. Oezil chơi khá ổn và tạo ra nhiều pha bóng tấn công dù bị bố trí lệch sang cánh phải không đúng sở trường. Mueller cũng làm rất tốt vai trò tiền đạo lùi của mình, ngoại trừ việc chất lượng dứt điểm chưa được cải thiện - vấn đề chung của hàng công “Die Mannschaft” ở giải này.
Niềm an ủi cho người Đức là Mario Gomez, trong trận đá chính đầu tiên ở một giải chính thức kể từ sau EURO 2012, đã ghi bàn thắng thứ 28 cho đội tuyển quốc gia. Mặc dù vậy màn trình diễn của Gomez cũng chưa hoàn toàn thuyết phục và nhiều khả năng anh sẽ trở lại ghế dự bị trong những trận đấu tiếp theo.
Trong nỗi nhớ Klose
Mario Goetze, người hùng ở chung kết World Cup 2014 là một nỗi thất vọng lớn lao. Anh được Joachim Loew sử dụng trong vai trò “số 9 ảo”, nhưng có lẽ phải gọi là tiền đạo vô hình mới đúng. Goetze không có thể hình, thể lực, tốc độ và bản năng của một tiền đạo cắm, hơn nữa việc phải ngồi dự bị quá nhiều ở Bayern Munich đã tạo ra sức ì. Mặc dù vậy, “Messi Đức” vẫn nằm trong “favorite” của HLV Loew.
Cả Muller lẫn Gomez chưa khiến người Đức nguôi ngoai nỗi nhớ Klose
Nhà cầm quân 56 tuổi đã bị chất vấn vì quyết định dùng Goetze ở trận đấu thứ hai gặp Ba Lan. Ông giải thích rằng: “Tôi không dùng Gomez vì Ba Lan có các trung vệ giỏi không chiến, vì thế tôi muốn thực hiện những đường chuyền thấp cho Goetze”. Nhưng thật khó hiểu khi Gomez xuất phát từ đầu ở trận gặp Bắc Ireland thì Goetze cũng đá chính và gây thất vọng cho đến khi bị thay thế bởi Andre Schuerrle.
Người Đức đã chơi có đường nét trước Bắc Ireland khi tấm vé đã gần như nằm trong túi, nhưng ở vòng knock-out sắp tới, họ sẽ trở về với sự cẩn trọng quen thuộc như đã thể hiện trước Ba Lan. Trong trận đấu ở Stade de France hôm ấy, Đức đã khởi đầu khá sắc nét với những đường chuyền thẳng để tiếp cận vòng cấm. Nhưng chỉ sau 15 phút, HLV Adam Nawalka của Ba Lan rời băng ghế kỹ thuật và thực hiện một vài chỉ thị.
Các tiền vệ của Ba Lan được kéo lùi sâu và lấp đầy khoảng trống với hàng hậu vệ. Thời gian còn lại, tuyển Đức phải chơi theo chính xác cái cách mà người Ba Lan muốn: đẩy bóng ra biên. Việc không kiểm soát được bóng ở khu vực trung tâm, đặc biệt là ở cự ly 20m trước cầu môn khiến “Die Mannschaft” không có nhiều cơ hội ăn bàn.
Joachim Loew đã dùng hết các phương án mà ông có trong tay. Phương án A, Goetze đá cắm. Phương án B, Goetze lệch sang cánh và Thomas Mueller sắm vai trung phong. Phương án C, Mario Gomez. Nhưng cả 3 phương án ấy đều chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Hàng công của Đức đã phụ thuộc vào Miroslav Klose trong thời gian quá dài (2001 - 2014) và sự chia tay của chân sút gốc Ba Lan đã để lại khoảng trống mênh mông mà những người kế cận không thể nào khỏa lấp. Ngoài Goetze, Mueller và Gomez, Đức chỉ còn một lựa chọn cho vị trí tiền đạo là Lukas Podolski, người vô tình được dự EURO do sai sót của... nhân viên đánh máy.
Không còn hình ảnh của cỗ xe tăng lì lợm. Khả năng chuyền bóng, phối hợp của các tuyển thủ Đức hiện tại là rất tốt. Đó là hệ quả của triết lý đào tạo trẻ ở Đức với trọng tâm là kỹ năng chuyền bóng. Chẳng hạn, có thể tìm thấy trong cuốn sách “Bóng đá Đức: Rèn luyện kỹ năng chuyền bóng” (German Soccer: Passing Drills) với hơn 100 bài tập chuyền của 2 chuyên gia đào tạo Peter Hyballa và Hans-Dieter te Poel. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, người Đức có vẻ đã “quên” dạy cho cầu thủ của mình thế nào là sút bóng. 3 trận đấu “Die Mannschaft” ghi được 3 bàn trong đó có 1 bàn của hậu vệ, 1 bàn của tiền vệ và 1 bàn của tiền đạo. Rơi vào một nhánh đấu khó với toàn đối thủ sừng sỏ và lại không có một chân sút sắc bén nào, dự đoán người Đức khó có thể hoàn tất cú đúp vô địch World Cup - EURO giống như kỳ tích của Pháp và Tây Ban Nha. |
* Bản quyền Video thuộc VTV