V.NB dính cá độ: Chuyện đen hay đỏ của Chủ tịch VFF
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng vừa ngồi vào ghế nóng, bóng đá Việt Nam đối diện ngay với cơn bão tiêu cực của đội The Vissai Ninh Bình (V. Ninh Bình) liên quan đến nhiều cầu thủ. Có người nói ông Dũng “đen” quá, nhưng tôi lại cho rằng ông Dũng “đỏ” vì không dễ có cơ hội để ông “ghi bàn”.
Ngày ông Nguyễn Trọng Hỷ mới ngồi vào ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ V, bóng đá Việt Nam dính ngay vụ các cầu thủ đội U23 bán độ ở SEA Games 2005 tại Bacolod – Philippines. Hồi đấy mức độ không trầm trọng như vụ V. Ninh Bình lần này bởi số người “làm độ” và “cầm độ” hết gần một đội hình và theo những thông báo chưa đầy đủ thì không phải chỉ một trận.
Trước đời ông Hỷ, đã có một Chủ tịch VFF đứng trước vụ mua bán độ rất lớn đó là Chủ tịch VFF khóa III Mai Văn Muôn phải đứng ra xử lý vụ mua bán độ năm 1997, bắt đầu từ vụ cầu thủ Hải Quan bị xã hội đen dọa cắt gân vì bắt tay đánh độ, nhưng không đảm bảo đúng kèo. Vụ án mà sau đó cơ quan điều tra lần ra thì lan cả đến Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Đồng Tháp…
Chủ tịch VFF Mai Văn Muôn hồi đấy nhìn hồ sơ của cơ quan điều tra đã giật mình lo sợ sạch cả nền bóng đá vì nếu làm thẳng và làm tới thì dính gần hết đến các đội trong đó có cả các HLV đã bắt tay với nhau rồi cầu thủ dựa vào đấy để tuồn tin bán cho giới cá độ.
Ông Muôn sợ hại và khoanh án bằng câu “Ném chuột không để vỡ bình”. Kết quả là chỉ khoanh lại ở vài cầu thủ Hải Quan cùng một cầu thủ Hải Phòng làm án điểm.
Nếu với án điểm năm 1997 đấy còn có cầu thủ bị treo giò vĩnh viễn thì vụ án ở Bacolod không có cầu thủ nào bị cấm thi đấu vĩnh viễn cả. Bây giờ, khi cơ quan điều tra còn đang tiến hành mở rộng vụ án tại đội V. Ninh Bình, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói thẳng các cầu thủ ấy ngoài việc phải chịu án từ cơ quan pháp luật sẽ phải nhận cái án treo giò vĩnh viễn của VFF.
Các cầu thủ V. Ninh Bình đã được hưởng quá nhiều ưu đãi từ bóng đá nhưng chính họ lại bán đứng những người nuôi sống họ và cho họ những cơ hội hành nghề rất tốt. Họ nhận tiền lót tay, nhận lương cao, nhận thưởng từ ông chủ đội bóng và còn tính cả đường nhận tiền cá độ từ nhà cái trong chính trận mà họ ra sân thi đấu và điều chỉnh tỷ số có lợi cho canh bạc của mình.
Ở đây có xì xào chuyện cầu thủ biện hộ rằng họ bị nợ lương nợ thưởng quá lâu nhưng không thể đổ chọ việc bị nợ lương nên phải làm bậy. Đó là một cách ngụy biện cho hành động sai trái và vi phạm pháp luật lẫn vị phạm quy chế bóng đá.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (phải) đứng trước cơ hội để thể khẳng định lời tuyên bố của mình khi nhậm chức Chủ tịch VFF khóa VII
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đang đứng trước cơ hội để thể khẳng định lời tuyên bố của mình khi nhậm chức Chủ tịch VFF khóa VII. Ông không nợ nần với các đội bóng như một số Chủ tịch VFF trước; ông cũng không chịu ảnh hưởng từ biên chế của người Nhà nước nên phải hành động theo kiểu các đời chủ tịch trước… Và hơn hết chính ông Dũng càng hiểu rõ hơn ai hết qua kinh nghiệm sau vụ cầu thủ U23 bán độ ở SEA Games 2005, chính ông khi vận động tài chính đã gặp những phản kháng rất mạnh từ các doanh nghiệp về việc đầu tư cho bóng đá Việt Nam nhưng không được cầu thủ Việt Nam trân trọng.
Vì thế mà cơ hội để làm mạnh và làm tới của ông Dũng rất lớn. Tất nhiên cũng không nên xem đây là chuyện riêng của V. Ninh Bình mà cần xem là chuyện của cả nền bóng đá mà ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cần phải có những bước tiếp theo ngoài việc cơ quan điều tra đang thực hiện.
Chuyện cơ quan điều tra cung cấp đến đâu, xử đến đó thì quá đơn giản rồi. Vấn đề còn lại là làm thế nào để gìn giữ được nền bóng đá phát triển và cách ứng xử với vụ bán độ tập thể, thậm chí là còn nhiều đội khác mà cơ quan điều tra chưa bóc ra.
Giúp V. Ninh Bình làm sạch những vẫn duy trì đội bóng là việc cần làm. Giúp các CLB nâng cao nhiệm vụ chống tiêu cực từ chính CLB cũng là điều mà chưa nhiệm kỳ nào làm đến nơi đến chốn. Thực hiện chính sách để các CLB có trách nhiệm với việc cùng chống tiêu cực, cùng cộng hưởng với nhau trong việc làm sạch nền bóng đá cũng là điều chưa nhiệm kỳ nào nhúng tay vào làm đủ và làm mạnh.
Ông Dũng xuất thân là một doanh nghiệp và ông hoàn toàn có thể ngồi lại với các doanh nghiệp đang sở hữu các đội bóng để làm điều đấy bởi đó là chuyện sống còn của cả nền bóng đá.
Nói cách khác là ông Dũng nên thông báo “dịch” ở các đội bóng và hiện trạng mà các CLB hay giấu những hình ảnh xấu nhưng lại ngầm tiếp tay cho việc lan rộng và phát triển ở bóng đá Việt Nam.
Một sự cố “đen” của bóng đá nước nhà nhưng là cơ hội “đỏ” của ông Lê Hùng Dũng là vì thế.