V.LEAGUE XẢY RA SỰ CỐ: Ông trưởng giải ở đâu?

Ông Tanaka Koji bắt đầu nhận chức trưởng BTC giải V.League từ 18/1.

Ông Tanaka Koji bắt đầu nhận chức trưởng BTC giải V.League từ 18/1 và ông ngay lập tức bắt tay vào công việc của mình bằng việc “mục sở thị” tại 2 sân Cẩm Phả và Vinh ở 2 vòng đấu gần nhất của V.League. Và như một sự sắp đặt nghiệt ngã, cả 2 trận đấu mà ông tân trưởng BTC giải có mặt đều xuất hiện cầu thủ bị “gãy chân”,  cộng với sự “tất trách” của các trọng tài. Đáng nói hơn, dù đã tận mắt chứng kiến nhưng dấu ấn lớn nhất mà ông Tanaka Koji để lại đó là… “im lặng”.

V.LEAGUE XẢY RA SỰ CỐ: Ông trưởng giải ở đâu? - 1

Cầu thủ SHB.ĐN bị chấn thương trong trận đấu với V.HP Ảnh: NAM HẢI

10.000 USD và 3 tháng làm bình phong? Cần nhắc lại rằng công việc của một trưởng BTC giải là giải quyết các sự cố xảy ra qua từng vòng đấu, cũng như theo dõi công tác tổ chức của các CLB… Để làm được điều này cần phải là người kinh nghiệm thực tiễn với tình hình bóng đá Việt Nam. Đấy là chưa kể, người đứng đầu công tác tổ chức giải đấu cũng chính là người chịu trách nhiệm cao nhất trước truyền thông và dư luận về những sự cố đã xảy ra.

Ngay khi bắt đầu công việc thì ông Koji đã tận mắt chứng kiến sân Cẩm Phả thiếu tiêu chuẩn thi đấu chuyên nghiệp như thế nào, mà hậu quả nhãn tiền là chấn thương kinh hoàng của tiền đạo Bruno có trách nhiệm không nhỏ của BTC giải khi đồng ý cho phép một sân bóng không đủ tiêu chuẩn được phép tổ chức thi đấu. Đến trận trên sân Vinh thì vấn đề bạo lực và trọng tài lại xuất hiện, đòi hỏi người trưởng BTC giải phải có những hành động can thiệp kịp thời để trấn an dư luận.

Nhưng qua trao đổi với một quan chức của VPF thì câu trả lời đã mang lại thất vọng cực lớn. Theo vị quan chức này (xin phép giấu tên) thì VPF đã phải bỏ ra 10.000 USD tiền lương mỗi tháng cho ông Koji, nhưng 3 tháng đầu tiên, mọi công việc được trao cho ông Trần Duy Ly (cựu trưởng BTC giải) giải quyết, đây là thời gian để vị tân trưởng giải làm quen mà thôi. Như vậy cũng đồng nghĩa trong 3 tháng ấy, BTC giải V.League sẽ chẳng có ai đứng ra chịu trách nhiệm trả lời những bức xúc của dư luận, truyền thông và ngay cả các CLB tham dự. Bởi dù ông Ly đứng sau giải quyết các công việc, nhưng ông không có trách nhiệm gì để giải đáp. Còn liên hệ được với ông Tanaka Koji chẳng khác nào chuyện “bắc thang lên trời”.

Câu hỏi đặt ra, là tại sao VPF đã xác định 3 tháng để ông Koji tìm hiểu về bóng đá Việt Nam mà họ vẫn để ông giữ chức danh trưởng BTC giải, trong khi công việc ấy lại để người khác làm. Phải chăng, ông Koji được trả lương để chỉ làm “bình phong”, để không gặp phải tình trạng “vạ miệng” như ông Trần Duy Ly gặp phải mùa giải trước?

Chiếc áo không làm nên thầy tu Nếu đủ kiên nhẫn để chờ đợi ông Koji “học bóng đá Việt Nam” trong 3 tháng, thì sau 3 tháng ấy, cũng khó có thể hình dung được vị chuyên gia này sẽ thay đổi được những gì trong bộ máy tổ chức của giải đấu. Lấy ví dụ từ giải Thai.League, giải đấu từng thua kém V.League về độ hấp dẫn, nhưng bây giờ họ đã vượt xa chúng ta rất nhiều, họ đã mua hẳn công nghệ tổ chức giải từ các nước có nền bóng đá phát triển tiên tiến. Nhưng nên nhớ, cái họ mua là cả một hệ thống tổ chức giải chứ không phải chỉ thuê 1 người từ nước ngoài qua để điều hành.

Đợi ông Koji 3 tháng, và không ai biết được trong 3 tháng ấy sự ảnh hưởng của V.League tác động đến ông Koji nhiều hơn hay là việc ông tác động đến những người đồng sự của mình. Và như thế lại càng khó hơn để hy vọng vào một sự thay đổi mang tính quyết định ở V.League. Bởi dù sao số đông và một người thì người chịu tác động là số ít chứ không phải chiều ngược lại. Muốn trở thành thầy tu không có nghĩa là cứ cạo đầu và mặc áo cà sa là có thể trở thành được.

Tất nhiên, đấy là chuyện sau này, còn trước mắt 3 tháng tới đây với biết bao nhiêu sự cố xảy ra, người ta sẽ chẳng thể tìm được lời giải đáp ổn thỏa từ những người có trách nhiệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thương (thethaohcm.com.vn)
V-League 2024-25: Cuộc đua nóng bỏng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN