V.League trong chiếc áo bao cấp
Lợi ích dẫn dắt hành động, phản ứng của các CLB V-League trước tình hình dịch COVID-19 ở Đà Nẵng phần nào cho thấy bức tranh bóng đá Việt Nam hiện nay.
Những đội bóng tư nhân như CLB Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh luôn có động lực mạnh mẽ hướng tới sự phát triển.
Một số đội bóng đã gửi công văn hoặc rậm rịch làm công văn lên LĐBĐVN (VFF) và Công ty cổ phần bóng chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đề nghị dừng giải đấu, không có đội xuống hạng. Cụ thể gồm: Nam Định, Quảng Nam, Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng, Thanh Hoá.
Điểm chung dễ nhận thấy, các đội bóng này đều đang trong khu vực có nguy cơ rớt hạng.
Quảng Nam đang đứng cuối bảng với 8 điểm sau 11 trận, thành tích tệ hại nhất kể từ khi đội bóng này vô địch V-League năm 2017. Nam Định được 10 điểm, bằng với điểm số của đội xếp thứ 13 là Hải Phòng. Thanh Hoá 14 điểm, Đà Nẵng 13 điểm, Nghệ An 12 điểm. Nếu không có đột biến thì sau giai đoạn 1, gần như các đội bóng này sẽ rơi xuống nhóm B, nhóm các đội tranh suất trụ hạng ở giai đoạn 2.
Điểm chung thứ 2 của các đội bóng trên, đa phần đều được bao cấp, hỗ trợ của các địa phương, như Thanh Hoá hay SLNA, mùa giải nào cũng được hỗ trợ mạnh từ UBND tỉnh. Hải Phòng từ lâu sa sút, khiến cho Lạch Tray mất lửa. Cũng không khó để nhận thấy, những đội bóng kể trên kém năng động hơn hẳn so với những đội bóng có tính chất tư nhân như CLB Hà Nội, HAGL hay Sài Gòn FC.
Công tác làm truyền thông, xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu để kiếm tiền của những đội bóng này khá yếu. Qua mỗi mùa giải, mục tiêu của những CLB nói trên cơ bản chỉ là trụ hạng, trường hợp Thanh Hoá chỉ nghĩ tới cuộc đua vô địch ở thời điểm nhận được tài trợ mạnh mẽ từ tập đoàn FLC cách đây mấy mùa giải. Nhưng ngay khi nhà tài trợ rút lui, đội bóng của bầu Đệ lại trở về vòng quay trụ hạng.
Những đội bóng đang đứng trước nguy cơ rớt hạng hoặc được bao cấp có động cơ để muốn V-League phải dừng ngay, thay vì nghĩ tới giải pháp tháo gỡ trước dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 đang gây nên những hệ quả nghiêm trọng tới đời sống kinh tế-xã hội, tác động mạnh tới bóng đá. Chống dịch là ưu tiên, nhưng trong cơn khủng hoảng, phản ứng của từng chi tiết trong hệ thống bóng đá cũng cho thấy sự khác biệt. Đối với một số đội bóng, dừng giải đồng nghĩa với sự an toàn (cho CLB hoặc một số người).
Sông Lam Nghệ An có lẽ là trường hợp đáng tiếc nhất khi là một địa phương giàu tiềm năng về bóng đá, nhưng năm này qua năm khác không có sự đột phá. Sự trì trệ của bóng đá xứ Nghệ thể hiện rõ qua sự xuống cấp của sân Vinh, thành tích tụt lùi kéo theo sự sụt giảm CĐV trên khán đài. Việc tìm kiếm nguồn tài trợ vì vậy cũng gặp khó khăn, chỗ dựa quen thuộc của lãnh đạo CLB là UBND tỉnh.
Bóng đá Việt Nam khó có thể phát triển nếu dựa trên những nền tảng thiếu tham vọng, yên ổn trong chiếc áo bao cấp.
Bản hợp đồng của Văn Hậu với Heerenveen đã khép lại nhưng vẫn còn đó điều bí ẩn chưa được giải đáp.
Nguồn: [Link nguồn]