V.League nghỉ dài ngày: Ai được, ai mất?
Kết thúc 4 vòng đấu đầu tiên, V.League 2023 bước vào quãng nghỉ kéo dài 50 ngày trước khi trở lại thi đấu 3 vòng, rồi nghỉ tiếp 1 tháng. Việc xuất hiện những kỳ nghỉ dài ngày như hiện tại xuất phát từ đặc thù của bóng đá Việt Nam, nhưng có vẻ là tiền lệ không tốt trên con đường phát triển bóng đá chuyên nghiệp.
U20, U23 và mục tiêu World Cup
Trong thời điểm hiện tại, đội U20 Việt Nam đã có đầy đủ thành viên để lên đường tập huấn trước thềm U20 châu Á. Những cầu thủ như Khuất Văn Khang, Nguyễn Quốc Việt được xem là hạt nhân quan trọng giúp bóng đá Việt Nam hướng đến sân chơi thế giới. Thành tích của giải U20 châu Á sẽ trở thành bản lề giúp họ tiến xa hơn trong tương lai. Vả lại, đây cũng không phải lần đầu tiên V.League nghỉ để phục vụ các đội tuyển.
Nếu nhìn về quá khứ, chúng ta sẽ không cảm thấy bất ngờ. Ở mùa giải năm ngoái, V.League từng hoãn tới 4 tháng sau 4 vòng đấu đầu tiên. Quãng thời gian này trùng với hàng loạt giải đấu quốc tế lớn như vòng loại World Cup, SEA Games 31 và vòng chung kết U23 châu Á. Việc các CLB đồng ý nhường chỗ cho các đội tuyển quốc gia đã giúp bóng đá Việt Nam đạt thành tích tốt ở những giải đấu đó.
Ngoài ra, V.League 2022 sau đó vẫn kết thúc tốt đẹp. Việc các giải vô địch chuyên nghiệp vẫn diễn ra bình thường trong mùa giải 2022 cho thấy, bóng đá Việt Nam có thể điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh. Suy cho cùng, một khi được đặt giữa CLB và nghĩa vụ với đội tuyển quốc gia, cả đội bóng và cầu thủ đều phải ưu tiên cho vế sau, vì lợi ích của tất cả các bên.
V.League 2022 từng phải nghỉ 4 tháng sau 4 vòng đầu, còn nhiều hơn mùa giải 2023.
So với năm 2022, điểm khác biệt lớn của năm 2023 là việc V.League sẽ diễn ra tới 2 mùa giải. Không lâu sau khi V.League 2023 khép lại, V.League 2023/24 sẽ chính thức khởi tranh. Đây là một phần giúp bóng đá Việt Nam hội nhập với lịch thi đấu quốc tế, nhưng cũng khiến các CLB phải điều chỉnh nhiều hơn trong bối cảnh giải đấu vẫn xuất hiện nhiều lịch nghỉ dài.
Tục ngữ có câu "thả con săn sắt, bắt con cá rô". Với mục tiêu lớn trong tương lai là đưa bóng đá Việt Nam tham dự World Cup, VFF đã nỗ lực rất nhiều trong việc mời HLV giỏi. Họ cũng đóng vai trò quyết định trong việc sắp xếp lịch thi đấu hợp lý cho các đội tuyển Việt Nam. Ở chiều ngược lại, ngoài việc đồng ý "nhả quân", các đội bóng V.League cũng cần chung tay góp sức vì mục tiêu chung.
Ở góc độ vĩ mô, việc thành công hay thất bại của một vài đội bóng V.League không thể so sánh với giấc mơ World Cup trở thành hiện thực. Đó cũng là điều bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc từng làm trước đây. Với những người hâm mộ bóng đá Hàn Quốc, họ hẳn đã quên việc K.League 2001, 2002 từng diễn ra với lịch thi đấu kỳ lạ ra sao.
Để chuẩn bị cho World Cup 2002 trên sân nhà, K.League tổ chức gói gọn mùa giải 2001 với 27 vòng đấu trong 4 tháng. Các đội thi đấu liên tục với mật độ 3-4 ngày/trận, rồi giải đấu tạm nghỉ 9 tháng. Việc có hơn nửa năm tập trung trước thềm World Cup đã giúp người Hàn Quốc làm nên phép màu ở giải đấu diễn ra trên sân nhà.
Các CLB xoay thế nào?
Việc V.League xuất hiện những quãng nghỉ dài giữa mùa giải xuất phát từ mục tiêu chung quốc gia, nhưng không thể phủ nhận điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến các CLB. Bên cạnh HLV Bandovic (Hà Nội), HLV Chu Đình Nghiêm (Hải Phòng) cũng đã lên tiếng về việc V.League liên tục nghỉ khiến cầu thủ và các đội bóng gặp khó trong vận hành lối chơi.
"V.League mới diễn ra 4 vòng đầu tiên, cầu thủ chuẩn bị vào guồng hoạt động thì giải đấu phải tạm nghỉ", ông Chu Đình Nghiêm nói. Đó cũng là điều mà các CLB khác phải chấp nhận. Họ vẫn phải trả lương cho cầu thủ trong thời gian giải đấu tạm nghỉ, nhưng không có thêm nguồn thu nào. Cách duy nhất là các đội bóng tự tổ chức giải đấu.
Khép lại mùa giải K.League 2002 (cũng chỉ diễn ra trong 4 tháng), Hàn Quốc chính thức "khai tử" lịch thi đấu kỳ lạ đó. Bước sang mùa giải 2003, Hàn Quốc áp dụng lịch thi đấu kéo dài 8 tháng mỗi mùa. Điều đó được áp dụng đến tận ngày nay. Với người Hàn Quốc, thành công của kỳ World Cup 2002 là thành tích có một không hai, nhưng các đội bóng và giải vô địch quốc gia đã phải hy sinh quá nhiều vì mục tiêu ấy.
Quãng nghỉ dài của V.League có thể còn tiếp tục diễn ra trong những năm tiếp theo. Tần suất thi đấu 2 năm 1 lần xen kẽ của những giải đấu lớn như SEA Games, hay AFF Cup khiến cho các đội tuyển quốc gia sẽ phải tập trung liên tục. Vì thế trong tương lai, hẳn sẽ có những phương án giải quyết ổn thỏa hơn, hợp tình hợp lý hơn cho tất cả các bên thay vì cứ đấu vài vòng rồi lại nghỉ.
HLV Paulo Foiani của CLB Công an Hà Nội (CAHN) vừa lên tiếng trước thông tin cho rằng các học trò của mình chơi rắn quá mức trong một số trận đấu tại V-League 2023.
Nguồn: [Link nguồn]