Việt Thắng phơi bày “thế giới ngầm” bóng đá Việt Nam
Cứ mỗi mùa giải chuẩn bị khởi tranh, các đội bóng Việt Nam lại cũng rục rịch chuẩn bị cho "phiên chợ" chuyển nhượng cầu thủ - nơi chứa đựng những câu chuyện, những "góc tối", những bài học về giá trị và niềm đam mê...
Cầu thủ Việt Nam: Lên đời nhờ tiền "lót tay"
Thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam luôn sở hữu những đặc thù riêng biệt mà không nơi nào có. Nếu ở nước ngoài, các cầu thủ coi lương như khoản thu nhập chính và tìm mọi cách gia hạn hợp đồng, nâng số tiền đó lên càng cao càng tốt, thì mọi chuyện lại diễn biến ngược lại ở nền bóng đá của chúng ta.
Cầu thủ Việt Nam thường trông chờ vào 3 khoản thu nhập chính, trong đó lớn nhất là tiền lót tay từ các bản hợp đồng. Đến năm 23 tuổi, họ bắt đầu được kí những bản hợp đồng chuyên nghiệp.
Một cái tên thuộc hạng khá trở lên sẽ có tiền lót tay từ 1-2 tỷ đồng/ mùa giải. Như vậy nếu ký một bản hợp đồng thông thường có thời hạn 3 năm với 1 CLB "chịu chi", họ sẽ nhận tới 4-5 tỉ đồng. Những khoản này được lĩnh một lần sau mỗi mùa giải.
Nguyễn Việt Thắng là cái tên luôn gắn tên mình với những phi vụ chuyển nhượng đình đám bậc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam
Cộng với lương (trung bình từ 30-40 triệu đồng/tháng), thưởng (tùy vào thành tích của CLB), người biết tiết kiệm và căn cơ sẽ có được một cơ nghiệp kha khá cho mình sau khi giã từ nghiệp “quần đùi áo số”. Vì vậy, hầu hết trong số họ thường có tâm lí chờ hợp đồng hiện tại với CLB chủ quản đáo hạn... càng nhanh cầng tốt để bắt đồng tìm kiếm một bản hợp đồng mới với mức đãi ngộ cao hơn.
Thế mới nói, cầu thủ Việt Nam lên đời nhờ tiền "lót tay!
Chạy đua theo giá trị "ảo"
Nguyễn Việt Thắng là cái tên được nhắc đến nhiều với những phi vụ chuyển nhượng đình đám bậc nhất trong lịch sử bóng đá nước nhà. 15 năm chơi chuyên nghiệp, khoác áo 6 CLB khác nhau và cứ mỗi lần thay đổi màu áo, tiền đạo từng có thời gian ăn tập ở Porto lại tạo nên một cột mốc ấn tượng.
Có thể kể đến những bản hợp đồng "bom tấn" trị giá 8 tỷ đồng mà The Vissai Ninh Bình chi ra để rước anh về vào năm 2009, hay B.Bình Dương với mức phí chuyển nhượng 9 tỷ đồng chỉ 3 năm sau đó. Giờ đây, Việt Thắng không ngần ngại tiết lộ những "bí mật" mà không phải ai cũng biết về những hợp đồng nhiều tỷ đồng ở V-League.
“Tôi chuyển từ CLB Công an TP.HCM sang Hoàng Anh Gia Lai vào năm 2002 với mức phí lót tay 50 triệu đồng, cùng mức lương 10 triệu/tháng. Đó là số tiền rất lớn bởi lương một cầu thủ đá tốt thời bấy giờ chỉ tầm hơn 2 triệu mấy mà thôi", Việt Thắng đã tâm sự.
"Đến năm 2008, thời điểm ĐT Việt Nam vừa đăng quang chức vô địch AFF Suzuki Cup, các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm nhiều đến bóng đá hơn. Họ đua nhau giành giật những ngôi sao như Phước Tứ, Công Vinh, Tài Em hay Minh Phương,… Bản thân tôi cũng vô cùng bất ngờ khi được The Vissai Ninh Bình mua với giá 8 tỷ đồng, rồi tăng lên 9 tỷ khi về B.Bình Dương".
Giã từ sự nghiệp "quần đùi áo số" và trở thành HLV, Việt Thắng vẫn không quên dặn dò các thế hệ đàn em bài học "đá vì đam mê, chứ đừng đá vì tiền bạc"
Trong số tiền 9 tỷ đồng, Việt Thắng “đút túi” 8,5 tỷ đồng, 500 triệu đồng còn lại dành cho khoản quan hệ khác, trong đó có cả chi phí “bôi trơn” mà Việt Thắng xem như một phần tất yếu trong vụ chuyển nhượng và cũng là một phần không thể thiếu trong hoạt động chuyển nhượng ở Việt Nam.
Nghe thì hào nhoáng, nhưng theo lời bộc bạch thẳng thắn từ cựu tuyển thủ quốc gia, cả anh và đồng nghiệp đều không xứng đáng nhận được số tiền lớn đến vậy: “Đó thực sự là những con số ảo trong bóng đá vì cầu thủ Việt Nam chẳng ai xứng đáng hưởng những mức phí chuyển nhượng cao đến vậy!”.
"Đá vì đam mê, đừng đá vì tiền bạc"
Trải qua nhiều CLB, kiếm được cả gia tài từ những bản hợp đồng tiền tỷ, nhưng những vinh quang cao quý nhất mà Việt Thắng nếm trải lại đến trong màu áo Đồng Tâm Long An. Đây là CLB từng cưu mang anh vào thời điểm vừa trở lại sau án treo giò 3 năm, chẳng có lấy một cú áp phe gây sốc hay "bom tấn" chuyển nhượng nào. Không ngoa khi nói, con đường bóng đá của Thắng "bế" (biệt danh của anh) cũng giống như những thăng trầm trong nghiệp cầu thủ ở Việt Nam.
Vì vậy, khi giã từ nghiệp "quần đùi áo số" và hài lòng với công việc HLV của đội U17 PVF, Thắng "bế" có đủ kinh nghiệm để đưa ra lời khuyên bổ ích cho lứa học trò: "Nên chọn bóng đá hay tiền bạc".
“Thời ấy, thế hệ chúng tôi may mắn chơi trong một tập thể tốt và giành được thành công nhất định. Hy vọng các cầu thủ trẻ sau này sẽ chiến đấu, cống hiến hết mình như lứa đàn anh chứ đừng tính toán đến lợi ích cá nhân. Khi thành tích tập thể có, cá nhân cũng sẽ được hưởng lợi", anh tâm sự.
Trong tương lai, thị trường chuyển nhượng vẫn sẽ ghi nhận những con số khổng lồ, bất chấp bóng đá không còn là món ăn tinh thần hấp dẫn nữa. Nhưng sớm hay muộn, cái gọi là "thị trường" kia cũng phải quay về giá trị thực của nó.
Và Việt Thắng hôm nay, sẽ kể cho học trò rằng thế hệ của anh từng giành chức vô địch AFF Suzuki thế nào, chứ không phải kiếm được bao nhiêu tiền trong sự nghiệp.