Việt Nam thống trị Đông Nam Á: Vượt mặt Thái Lan, có thuyết phục nhất lịch sử?
Sau những thành công vang dội trong hơn 1 năm qua cả về thành tích ĐTQG lẫn thành tích cấp CLB, liệu bóng đá Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để thống trị Đông Nam Á?
Video trận Việt Nam - Thái Lan tại King's Cup (bản quyền clip thuộc về Next Media)
Kỷ nguyên thống trị bóng đá Đông Nam Á của Việt Nam đang dần trở thành hiện thực. Song song với thành công vang dội của các đội tuyển quốc gia, đến lượt những CLB ghi dấu ấn lớn trong đấu trường khu vực.
Bóng đá Việt Nam đang có những bước tiến vũ bão
Theo đó, một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử khi có 2 đội bóng tại V-League (Hà Nội – Bình Dương) hẹn nhau tại trận chung kết khu vực Đông Nam Á AFC Cup 2019.
Vậy phải chăng, đây là một dấu hiệu nữa cho thấy, cơ hội vượt qua Thái Lan để thống trị Đông Nam Á của Việt Nam đã hết sức rõ ràng?
Chỉ sau hơn 1 năm, bóng đá Việt Nam đã tạo được những kỳ tích không tưởng. Từ ngôi Á quân giải U23 Châu Á 2018, hạng Tư ASIAD 18, vô địch AFF Cup 2018 hay tứ kết Asian Cup 2019, những thành tích khiến người Thái luôn phải tỏ ra ganh tị.
Và không chỉ bị bỏ lại ở các giải đấu lớn, Thái Lan đều thua Việt Nam trong những cuộc đối đầu trực tiếp. Trong đó điểm nhấn lớn nhất chắc chắn là trận thua 0-4 của "Voi chiến" trên sân Mỹ Đình hồi tháng 3, và mới đây là thất bại 0-1 ở King’s Cup 2019.
Nói không ngoa, Việt Nam bây giờ là kẻ thách thức lớn nhất đối với Thái Lan. Bởi trong khoảng 3,4 năm tới, “thế hệ vàng” từng giành ngôi Á quân châu Á như Quang Hải, Văn Đức, Duy Mạnh, Đình Trọng, Công Phượng, Văn Hậu, Xuân Trường sẽ thực sự đạt tới độ chín và dạn dĩ hơn bây giờ rất nhiều. Và khi đó bóng đá Việt Nam sẽ có thêm những cơ hội để khẳng định đẳng cấp và sức mạnh vượt trội trong khu vực so với Thái Lan.
Có thuyết phục nhất lịch sử?
Lúc này, khi thời cơ đến, bóng đá Việt Nam đang chứng tỏ sự bứt phá mạnh mẽ. Tuy vậy cũng đừng quên xứ sở Chùa vàng có bước phát triển đáng sợ đến nhường nào.
“Thế hệ vàng” của Thái Lan đã thống trị bóng đá Đông Nam Á với 2 chức vô địch liên tiếp vào các năm 2014 và 2016. Ngoài ra, tuyển U23 Thái Lan cũng giành 3 huy chương vàng SEA Games liên tiếp vào các năm 2013, 2015 và 2017.
Thậm chí thành công cấp CLB của Việt Nam tại AFC Cup cũng chưa thấm tháp vào đâu so với Thái Lan. Bởi đơn giản là những đội bóng mạnh nhất của xứ sở Chùa vàng không tham giải đấu này, mà họ được “tuyển thẳng” tại sân chơi lớn nhất châu Á: AFC Champions League.
Chính sự phân hóa cao - thấp của AFC đã chỉ ra điều thua thiệt thấy rõ của nền bóng đá Việt Nam, không chỉ với Thái Lan, mà còn đối với sân chơi rộng lớn hơn là châu Á - nơi có những đại diện của Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Iran... tham dự
Một ví dụ điển hình khác, bóng đá Thái Lan có thành tích rất đáng nể tại giải đấu số một châu lục cấp độ CLB. Đội Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan từng 2 lần vô địch vào 2 mùa bóng 1993/1994 và 1994/1995. Khi giải đấu chuyển thành AFC Champions League, CLB BEC Tero Sasana cũng giành ngôi á quân năm 2003.
Chính bởi vậy, nếu như muốn hoàn toàn thống trị Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam cần phải nâng tầm vị thế giải đấu quốc nội và song song với đó là gặt hái thêm thật nhiều vinh quang cấp châu lục để ít nhất nhà vô địch tại V-League sẽ giành 1 suất đặc cách tham dự AFC Champions League trong tương lai.
Hà Nội và Bình Dương sẽ gặp nhau ở trận chung kết khu vực Đông Nam Á AFC Cup 2019.