Việt Nam, Thái Lan gây tiếng vang World Cup: Đông Nam Á có còn mang tiếng "ao làng"?
Bóng đá Việt Nam, Thái Lan ở Đông Nam Á đủ sức thách thức các cường quốc châu lục.
2018-2019 có thể nói là một giai đoạn mà các cổ động viên bóng đá Việt Nam cảm thấy nức lòng với những thành công đáng nhớ của các đội tuyển, bắt đầu từ vòng chung kết U23 châu Á 2018 và ASIAD cho tới AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019. Tuy nhiên không chỉ có chúng ta, các nước Đông Nam Á khác cũng đang chuyển mình.
Thái Lan gây sốc sau khi quật ngã UAE 2-1
Thái Lan đã có một năm 2018 đáng quên nhưng sau thành tích vượt qua vòng bảng Asian Cup 2019, họ mới đây đã đánh bại đội thuộc nhóm hạt giống số 1 UAE với chiến thắng 2-1 trên sân nhà. Cũng không kém phần đáng chú ý, Philippines sau thành tích vào bán kết AFF Cup, mới đây đã cầm hòa Trung Quốc 0-0, khiến cơ hội của họ vẫn còn dù đang kém đội nhì bảng Trung Quốc 3 điểm.
Mặc dù khoảng cách giữa các đội tuyển Đông Nam Á với hàng ngũ các “ông lớn” châu lục vẫn còn xa, nhưng bóng đá ASEAN đang trỗi dậy một cách đáng chú ý. Thành tích của các đội tuyển trẻ được xem là dấu hiệu của những sự trỗi dậy đến từ khu vực hay bị xem là “ao làng” của bóng đá châu Á nói riêng và thế giới nói chung.
HLV Brad Maloney của đội tuyển U18 Malaysia cách đây không lâu đã thừa nhận rằng bóng đá ASEAN đang có đủ khả năng để bắt kịp với các thế lực châu Á khác. Maloney là một người Australia và chính ông tận mắt chứng kiến các cầu thủ dưới quyền đánh bại U18 Australia 3-0 ở giải vô địch U18 châu Á diễn ra tại TP. HCM hồi tháng 8 vừa qua.
Các đội trẻ U15 & U18 của Malaysia đã toàn thắng đối thủ Australia trong mùa hè này
Kết quả đó đến không lâu sau khi U15 Australia hứng chịu trận thua 0-3 trước U15 Malaysia trên đất Thái Lan. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Australia vẫn là một thế lực rất mạnh và được dự World Cup, nhưng nền tảng để các nước ASEAN vượt qua Australia đã dần định hình.
Mấu chốt có lẽ nằm ở việc những lợi thế trước kia của các cường quốc bóng đá giờ đã không còn, hoặc chỉ còn ở mức nhỏ. Dinh dưỡng thể thao và khoa học y tế của nhiều nước Đông Nam Á đã bắt kịp thế giới để ảnh hưởng tích cực lên sự phát triển cơ thể của VĐV. Cầu thủ của Việt Nam và Thái Lan giờ đã đủ tự tin để đấu tay đôi với các đối thủ to cao của Tây Á.
Các nền bóng đá mạnh của châu Á có lợi thế trong việc xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài học tập kinh nghiệm trận mạc ở trời Âu (hay một số trường hợp hiếm hoi là Nam Mỹ), nhưng giờ số cầu thủ Đông Nam Á ra học việc ở nước ngoài đang ngày một tăng. Không những vậy, sự tiến bộ của công nghệ và mạng Internet cho phép dễ dàng tiếp cận kiến thức bóng đá cao cấp và học hỏi những kỹ năng xử lý trên sân của các danh thủ hàng đầu.
2 năm trước Trung Quốc đã hạ Philippines 8-1. Nay Philippines vừa cầm hòa Trung Quốc 0-0
Một yếu tố khác không thể bỏ qua là sự phát triển của các giải VĐQG và hệ thống đào tạo trẻ. Thái Lan đang làm rất tốt việc này, và V-League đã có sự tiến bộ thành tích không nhỏ trong vài năm gần đây. Malaysia có thể sẽ còn làm tốt hơn nữa, trong khi Philippines đã “đi đường vòng” thành công bằng chính sách săn lùng “Phi-kiều” về đá cho ĐTQG.
Song hành với các giải VĐQG, hệ thống phát triển bóng đá của các nước Đông Nam Á đang rất có tiến triển ở Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. Những học viện bóng đá cao cấp với nguồn đầu tư lớn đang là đầu tàu cho công cuộc đào tạo thế hệ cầu thủ mới, và sự thành công của các đội tuyển cũng kéo theo sự hào hứng của công chúng dẫn tới nguồn cầu thủ để lựa chọn cho các học viện ngày một tăng.
Đa số các nước Đông Nam Á (ngoại trừ Philippines) đều có sự cuồng nhiệt cho bóng đá và do đó không bao giờ thiếu nhân lực để cung cấp cho sân chơi chuyên nghiệp. Và khi những lợi thế vốn có của các cường quốc bị mai một dần, khối ASEAN hoàn toàn có thể khiến các ông lớn châu lục lao đao. "Ao làng" có lẽ là từ châm biếm thích hợp cho các nước Nam Á hơn: Maldives, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka không đội nào đang đứng ở vị trí có thể đoạt vé đi tiếp.
ĐT Việt Nam thi đấu cực kỳ thành công trong tháng 10/2019 và chắc chắn sẽ còn thăng tiến.