Việt Nam đấu Nhật Bản tứ kết: Muốn hạ "khổng lồ" cần "Vua siêu phẩm"
Để tạo nên "cơn địa chấn" trước Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup, ĐT Việt Nam cần phải tận dụng triệt để những khoảnh khắc xuất thần như ở VCK U23 châu Á, ASIAD hay AFF Cup.
Siêu phẩm đáng nhớ của Minh Vương, Quang Hải, Công Phượng
"Tường thép" Nhật Bản: Chỉ thủng lưới vì siêu phẩm và... phạt đền
Nhật Bản là "ngọn núi" cao đối với Việt Nam cũng như mọi đội bóng châu Á. Bên cạnh thành tích đối đầu vượt trội ở mọi cấp đội ĐTQG, kỷ lục 4 lần lên ngôi vô địch Asian Cup, thứ hạng chênh nhau tới 50 bậc trên BXH FIFA đã cho thấy sự khác biệt về đẳng cấp giữa "samurai xanh" (50) và thầy trò Park Hang Seo (100).
Nhật Bản rũ bỏ phong cách tấn công đẹp mắt để theo đuổi triết lí thực dụng đến tàn nhẫn
Dù sở hữu hàng công xuất sắc (ghi 7 bàn/4 trận), sức mạnh của Nhật Bản xuất phát từ hàng thủ. Xuyên suốt hành trình vòng bảng lẫn trận thắng Saudi Arabia, đoàn quân do HLV Moriyasu Hajime dẫn dắt luôn thể hiện lối chơi thực dụng đến tàn nhẫn thay vì phong cách tấn công đẹp mắt trong quá khứ.
Nhật Bản kiểm soát bóng ít hơn (23%), để Saudi Arabia ra sức "bắn phá" khung thành (15 cú dứt điểm) nhưng hiệu quả chỉ bằng 0. Những đợt tấn công của đại diện Tây Á thường bị bẻ gãy ngay trước vòng cấm địa, dù là tạt cánh đánh đầu hay phối hợp trung lộ.
Trên thực tế, lối chơi này từng giúp Nhật Bản gặt hái thành công rực rỡ ở World Cup 2018 (chỉ chịu thua ĐT Bỉ với tỉ số 2-3 tại vòng 1/8).
Về nhân sự, nếu Ritsu Doan, Takumi Minamino, Yoshinori Muto chỉ thuộc dạng tiềm năng hoặc mới nổi thì Yuto Nagatomo (Galatasaray), Maya Yoshida (Southampton) hay Hiroki Sakai (Marseille) đều đã chinh chiến lâu năm, gặt hái nhiều thành tựu ở châu Âu. Thậm chí, người ghi bàn duy nhất giúp Nhật Bản đánh bại Saudi Arabia cũng là một hậu vệ (Takehiro Tomiyasu).
Ở Asian Cup 2019, Nhật Bản nhận tới 3 bàn thua/4 trận, nhưng tất cả đều xuất phát từ những tình huống bất khả kháng: 1 siêu phẩm sút xa, 1 tình huống đá phạt đền (trận thắng Turkmenistan 3-2) cùng một pha solo khó tin (trận thắng Uzbekistan 2-1).
"Vua siêu phẩm" Việt Nam chờ xuyên phá "tường thép"
Dựa vào hiểu biết về Nhật Bản, có thể thấy khả năng Việt Nam ghi bàn, thậm chí giành chiến thắng ở tứ kết không phải bất khả thi nếu tận dụng triệt để những khoảnh khắc lóe sáng bất ngờ, ngoài việc tránh thủng lưới sớm.
Để hạ Nhật Bản, Việt Nam cần nhiều hơn những khoảnh khắc lóe sáng của Quang Hải, Công Phượng, Minh Vương
Đây cũng là 'đặc sản" dưới thời HLV Park Hang Seo. NHM từng chứng kiến vô số siêu phẩm đáng nhớ của Nguyễn Quang Hải vào lưới những "ông lớn" như Australia, Hàn Quốc, Qatar, Uzbekistan ở VCK U23 châu Á. Đến Asian Cup, Quả bóng vàng Việt Nam 2018 tiếp tục đặt dấu ấn bằng pha sút phạt hàng rào tung lưới Yemen.
Tại bán kết ASIAD, Trần Minh Vương thay Quang Hải sắm vai "vua siêu phẩm" với bàn thắng vào lưới U23 Hàn Quốc dù chung cuộc, U23 Việt Nam vẫn thất bại 1-3. Đến AFF Cup 2018, Công Phượng thực hiện một màn solo ghi bàn xuất thần vào lưới Philippines ở trận bán kết lượt về trên SVĐ Mỹ Đình, ấn định chiến thắng 2-1 cho "những ngôi sao vàng",
Việt Nam từng suýt cầm hòa Iraq nhờ chiêu bài "đánh úp" nhưng không thể làm nên chuyện khi gặp Iran. Nếu muốn tạo ra "cơn địa chấn" trước Nhật Bản, nhà vô địch AFF Cup cần nhiều hơn những khoảnh khắc bùng nổ của Quang Hải, Công Phượng hay Minh Vương.
Những bàn thua của Nhật Bản ở Asian Cup 2019
Thủ lĩnh “Samurai xanh” Yoshida thừa nhận không hề biết gì về thầy trò Park Hang Seo.