Vì sao Việt Nam chưa có Hiệp hội cầu thủ?
Nhân vụ việc CLB Hà Nội đưa ra các quy định liên quan vấn đề khai thác bản quyền hình ảnh cầu thủ tạo nên nhiều tranh luận, một số ý kiến đã đề cập tới việc Việt Nam cần sớm thúc đẩy thành lập Hiệp hội cầu thủ.
Thực tế, hơn 10 năm qua, đã nhiều lần vấn đề thành lập Hiệp hội cầu thủ bóng đá Việt Nam được đặt ra sau mỗi vụ việc liên quan đến quyền lợi của cầu thủ. Tỷ như năm 2018 sau chuyện tiền vệ Bùi Trần Vũ suýt bị CLB Sài Gòn thanh lý hợp đồng trước thềm V-League, nhiều ý kiến cũng đề cập lại chuyện phải có Hiệp hội cầu thủ để bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ Việt Nam khi gặp vấn đề với đội bóng.
Ảnh minh họa
Xa hơn vào các năm 2013 hay 2009, báo chí Việt Nam cũng không ít lần nhắc tới chuyện này. Tức là mỗi lần cầu thủ “gặp chuyện”, vấn đề thành lập hiệp hội lại được đặt ra, nhưng rốt cuộc chỉ dừng lại ở các cuộc bàn thảo, tranh luận. Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải, vốn từng là cựu cầu thủ Thể Công là một trong những người nêu vấn đề thành lập Hiệp hội cầu thủ ra nhiều nhất. Và nguyên nhân tạo nên cản trở cho sự ra đời một hiệp hội như trên lại đến từ LĐBĐVN (VFF).
Một chuyên gia pháp lý hoạt động lâu năm trong lĩnh vực thể thao và bóng đá cho biết, để thành lập Hiệp hội cầu thủ Bộ Nội vụ quy định phải có sự ủng hộ của VFF. Tuy nhiên, vị này cho biết lãnh đạo VFF các khoá trước luôn coi Hiệp hội cầu thủ hoạt động độc lập mang tính đối đầu với VFF, sẽ có thể tạo nên những cản trở hoặc khó khăn trong công tác quản lý bóng đá.
Đời sống bóng đá Việt Nam đang có những thay đổi đáng kể sau những thành tích gặt hái được thời gian qua. Cầu thủ trở thành các ngôi sao, có sức ảnh hưởng tới công chúng, nhiều người thu nhập tăng vọt nhờ các hoạt động ngoài chuyên môn. VFF và bản thân các CLB cũng chú trọng hơn khâu làm truyền thông, hình ảnh. Sự xuất hiện của những người tham gia hoạt động đại diện, môi giới cầu thủ ngày càng nhiều, dẫn tới sự phức tạp của hoạt động bóng đá.
Bóng đá không đơn thuần là câu chuyện trên sân cỏ, mà còn mở rộng tới những hoạt động mang tính chất giải trí, kinh doanh phức tạp hơn. Trong khi đó, bản thân các cầu thủ với vốn hiểu biết pháp luật hạn chế sẽ rất khó để bảo vệ mình trong mối quan hệ chằng chịt, phức tạp. Bản thân các cầu thủ khi tham gia ký kết hợp đồng với CLB cũng thường bị rơi vào hoàn cảnh bất lợi.
Với bối cảnh đó, VFF cần sớm thúc đẩy hoàn thiện và phổ biến hệ thống các quy định pháp luật, tổ chức hoạt động liên quan tới bóng đá, trong đó có Hiệp hội cầu thủ. Việc thành lập hiệp hội sẽ vừa giúp đảm bảo quyền lợi cho cầu thủ, đồng thời tránh xảy ra các vụ việc phức tạp, ngăn chặn nguy cơ xảy ra tranh chấp ngay từ đầu.
Đơn cử như với trường hợp CLB Hà Nội, cầu thủ hoàn toàn có quyền biết rõ có những quyền lợi gì liên quan hình ảnh cá nhân thay vì phải chấp nhận tuân theo quy định 1 chiều từ phía ông chủ. Hay như một vấn đề khác đang được nhắc tới khá nhiều là những bản hợp đồng có thời hạn kéo dài tới 8 năm ở CLB HAGL. Có hay không những bản hợp đồng thời hạn kéo dài như trên, vốn mang tính trói buộc rất cao đối với những cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Lương Xuân Trường... hoặc nó có đúng luật hay không? Những vấn đề như vậy có thể được giải quyết ngay từ đầu với sự đồng hành của những tổ chức có tiếng nói đứng bên cạnh cầu thủ Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam muốn phát triển cần hướng tới tiệm cận những nền bóng đá văn minh, nơi mọi thứ đều được phân định dựa trên cơ sở các điều luật rõ ràng, công bằng.
Quang Hải và các cầu thủ CLB Hà Nội sẽ phải chia sẻ lợi nhuận từ hoạt động quảng cáo trên trang cá nhân như Facebook...
Nguồn: [Link nguồn]