Vì sao V-League ngày càng thu hút tiền đạo Brazil?
Những năm gần đây, khá nhiều tiền đạo Brazil tới V-League chơi bóng và cũng không ít cầu thủ để lại dấu ấn đậm nét.
Bruno Cunha (phải) là một trong những tiền đạo Brazil chơi nổi bật tại V-League (Trong ảnh: Bruno khi còn khoác áo Viettel). Ảnh: VPF
Trước đó, cả một giai đoạn dài, giải đấu số 1 bóng đá Việt Nam là đất riêng cho tiền đạo châu Phi. Đâu là nguyên nhân dẫn tới sự dịch chuyển này?
Điệu Samba tràn ngập V-League
Theo những diễn biến mới nhất, CLB TP HCM đã chiêu mộ thành công bộ đôi tiền đạo Brazil Joao Paulo Maraes và Dario Frederico da Silva.
Sở dĩ đoàn quân áo đỏ phải đem về liền hai chân sút là do đội bóng này chia tay cặp tiền đạo người Costa Rica trước thềm mùa giải năm nay. Trong khi đó, với nỗ lực tăng cường sức mạnh hàng công, HAGL cũng đem về một cây săn bàn Brazil - Wahington Brandao.
Việc bổ sung ba cái tên vừa nêu khiến V-League trở thành “miền đất hứa” với tiền đạo xứ Samba. Trước đó, nhiều đội bóng đã sở hữu ngoại binh Brazil. Cụ thể như Hà Nội có Geovane Mango, Bruno Cunha; Viettel có Pedro Paulo, Caique; SHB Đà Nẵng có Rafaelson; SLNA có Bruno Henrique hay Claudecir của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh…
Theo thống kê, ở mùa giải 2020, số ngoại binh Brazil tại V-League chiếm tới 37,2% tổng số ngoại binh (16 người). Con số này sang tới mùa giải năm nay đã thăng lên thành 19.
Đáng nói hơn, đại đa số cầu thủ Brazil đang chơi bóng tại V-League đều đá tiền đạo và nhiều cái tên để lại dấu ấn đậm nét. Đơn cử như Bruno Cunha giành Vua phá lưới năm 2019, góp công lớn giúp Viettel vô địch năm 2020. Top 3 cầu thủ ghi nhiều bàn nhất mùa 2020 có hai chân sút Brazil là Pedro Paulo và Bruno Henrique.
Ai thường xuyên theo dõi bóng đá Việt Nam đều biết, trước đây, các CLB V-League rất ưa thích dùng tiền đạo tới từ châu Phi với ưu điểm to, khỏe, tì đè và tác chiến độc lập tốt.
Đã có thời, các chân sút gốc lục địa đen “làm mưa làm gió” ở giải đấu số 1 Việt Nam. Không nói đâu xa, cách đây chỉ vài năm, mọi hàng thủ V-League đều khiếp vía trước những cái tên như Pape Omar Fayer (Senegal), Oseni (Nigeria) hay xa hơn là Hoàng Vũ Samson (Nigeria), Patiyo Tambwe (Congo) hay Uche (Nigeria)…
Rõ ràng, việc sử dụng tiền đạo ngoại ở V-League đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ cầu thủ châu Phi sang cầu thủ Brazil. Theo HLV Phạm Minh Đức (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), nguyên nhân chính xuất phát từ thay đổi về mặt tư duy chiến thuật của các đội bóng.
“Trước đây, các CLB ít chú trọng tới việc phát triển lối chơi từ sân nhà mà chỉ nhắm phất bóng lên trên cho tiền đạo xoay xở. Cách chơi này phù hợp với tiền đạo châu Phi. Nhưng hiện nay nhiều đội bóng đã chú trọng vào việc kiểm soát bóng, triển khai bóng bài bản. Điều này đòi hỏi các tiền đạo cũng cần tham gia nhiều vào việc phối hợp với các đồng đội. Về mặt này, cầu thủ Nam Mỹ nói chung hay Brazil nói riêng sẽ lợi thế hơn”, ông Đức phân tích.
Cũng theo HLV Phạm Minh Đức, việc hậu vệ Việt Nam ngày càng có thể hình, thể lực, khả năng tranh chấp tốt nên mẫu tiền đạo thiên về hoạt động độc lập, chạy và sút như các chân sút châu Phi sẽ khó hoạt động.
Đồng quan điểm, HLV Phan Thanh Hùng (B.Bình Dương) cho rằng, việc xuất hiện nhiều cầu thủ Brazil cho thấy các CLB ở V-League ngày một chú trọng xây dựng chiến thuật chứ không còn đá theo kiểu một người, ném quả bóng cho tiền đạo ngoại. Dẫu vậy, ông Hùng vẫn khẳng định, một hoặc một vài ngoại binh tốt có thể sẽ kéo thành tích cả đội đi lên, Sài Gòn FC mùa trước là ví dụ.
Nhiều lợi ích từ sự chuyển dịch
Theo một nhà môi giới đang làm việc tại V-League, bên cạnh sự nhạy bén chiến thuật, cầu thủ Brazil thường có giá cao hơn cầu thủ châu Phi nên để chiêu mộ được sẽ cần nhiều kinh phí hơn. “Những năm gần đây, một số đội bóng được đầu tư mạnh, kể cả các đội mới lên hạng. Tiền bạc rủng rỉnh thì họ sẽ sắm hàng tốt để dùng thôi”, vị này nói.
Cũng theo nhà môi giới, nhu cầu tìm kiến tiền đạo Brazil của các đội bóng V-League một vài năm gần đây khá lớn: “Việc một số cái tên chơi thành công khiến uy tín của cầu thủ Brazil được đẩy lên cao. Tôi tin trong tương lai sẽ còn có thêm nhiều cầu thủ Brazil tới chơi bóng ở V-League. Đương nhiên, cũng phải nhắc tới việc cầu thủ Brazil có những sự tương đồng nhất định, tính chuyên nghiệp cao nên dễ dàng hòa nhập tại V-League”.
Việc tiền đạo Brazil tung hoành tại V-League là điều đã nhìn thấy. Nhưng sự dịch chuyển này liệu có tác động gì tới bóng đá Việt Nam, tới chính V-League? Theo HLV Phan Thanh Hùng, việc xuất hiện nhiều chân sút xứ Samba sẽ giúp V-League và cầu thủ Việt Nam cải thiện được trình độ.
“Chúng ta phải thừa nhận, họ hơn cầu thủ của ta về kỹ chiến thuật. Thi đấu với những cầu thủ có trình độ cao hơn đương nhiên chỉ lợi mà không hại. Cầu thủ Việt Nam sẽ học được nhiều thứ, nhất là về tư duy chơi bóng từ các đồng nghiệp Brazil. Nhìn rộng hơn, sử dụng nhiều tiền đạo Brazil cho thấy bóng đá Việt Nam thay đổi rất tích cực, đặc biệt về mặt chiến thuật. Các đội bóng mà tiền đạo tham gia nhiều vào lối chơi, phối hợp cùng đồng đội sẽ toàn diện hơn, hiệu quả hơn”, ông Hùng chia sẻ.
Bình luận viên Ngô Quang Tùng thì nhìn nhận, V-League vẫn có những đội thích dùng tiền đạo châu Phi, tạo ra sự đa dạng: “Về cơ bản, nhiều đội bóng đã hướng theo cách chơi phối hợp, phát triển bóng từ phần sân nhà sang sân đối phương và áp sát khung thành.
Tiền đạo Brazil đương nhiên sẽ phát huy giá trị nếu đặt vào đội hình như thế. Ngược lại, vẫn còn một số đội họ ưa cách cũ, phó mặc tiền đạo to khỏe bên trên chạy và sút. Nhìn tổng thể, những yếu tố như vậy sẽ tạo nên một bức tranh nhiều màu cho V-League, khiến các trận đấu trở nên hấp dẫn hơn”.
Tuyển Việt Nam hưởng lợi Theo HLV Phạm Minh Đức (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), các tiền đạo Brazil thậm chí còn đem lại lợi ích cho đội tuyển Việt Nam. “HLV Park Hang-seo xây dựng lối chơi kiểm soát bóng, ít chạm cho đội tuyển Việt Nam. Nếu V-League các CLB sử dụng cầu thủ Brazil cũng chú trọng việc kiểm soát bóng, chơi nhanh dựa trên nền tảng kỹ thuật tốt thì CLB và đội tuyển sẽ được cộng hưởng lối chơi, dễ dàng phát huy sức mạnh”, ông Đức nói. |
Những nhà cầm quân danh tiếng của bóng đá Việt Nam sẽ so tài cùng dàn HLV ngoại nhận lương tiền tỷ ở các CLB TP.HCM, HAGL...
Nguồn: [Link nguồn]