Vì sao trọng tài yếu?
Trọng tài luôn là đề tài được nhắc đến qua mỗi vòng đấu. Chỉ mỗi việc chỉ trích hoặc kỷ luật trọng tài thôi thì sẽ rất khó thay đổi được bản chất nếu cấp trên không làm hết trách nhiệm.
Công tác trọng tài lại ồn ào hết V-League lại lan xuống hạng nhất. Mới đây là bàn thắng của Viettel vào lưới đội Huế khiến trận đấu gián đoạn và tranh cãi rất lâu. Nguyên do trợ lý báo việt vị theo góc nhìn mà vị trí quan sát của trợ lý ở nơi tốt nhất nhưng trọng tài chính lại không cắt còi.
Công tác chỉ đạo và quản lý trọng tài còn gặp nhiều vướng mắc. Ảnh: XUÂN HUY
Việc nâng cấp và nâng chất trọng tài không phải là chuyện một sớm một chiều nhưng các đội mong muốn những người có trách nhiệm phải có cái nhìn đúng để hạn chế thấp nhất chuyện chết oan của các CLB. Thế nhưng lâu nay chuyện đào tạo, sàng lọc và nâng chất trọng tài về bản chất là không đổi. Trong khi VPF nỗ lực mua sắm trang thiết bị đầu tư cho trọng tài thì chính Ban Trọng tài và VFF lại chưa cho thấy sự đổi mới.
Theo phân công phân nhiệm thì phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn là người phụ trách công tác trọng tài. Điều đó có nghĩa ông Tuấn luôn được báo cáo đầy đủ và phải có chỉ đạo kịp thời. Thế nhưng trong phát biểu về công tác trọng tài ông Tuấn lại có ý vấy đổ trách nhiệm cho VPF khi nói rằng “Việc thành lập ban tổ chức giải là do phía VPF. Ban Trọng tài phải độc lập nhưng khi Ban Trọng tài nằm trong ban tổ chức để tăng trách nhiệm lên thì chúng ta cần phải nhìn hai mặt. Về nguyên tắc thì nên hạn chế. Không sai quy chế nhưng Ban Trọng tài không nên tham gia vào ban tổ chức nên hoạt động độc lập để làm sao cho khách quan nhất. Cá nhân tôi nghĩ không nên để Ban Trọng tài liên quan đến ban tổ chức, tôi cũng sẽ kiến nghị với VPF về việc này” (!?).
Phát biểu trên cho thấy ông Tuấn trực tiếp quản lý Ban Trọng tài, là phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPF nhưng một là ông không hề quan tâm, hai là ông muốn đẩy trách nhiệm, đá quả bóng sang VPF và ban tổ chức giải.
Muốn trọng tài tốt thì ông trưởng Ban Trọng tài cần phải toàn tâm toàn ý cùng với ban của mình tìm ra những giải pháp tốt nhất để khắc phục thay vì “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”.
Muốn trọng tài tốt lên thì bộ phận quản lý và chỉ đạo công tác trọng tài trực tiếp từ phía VFF phải thay đổi tích cực chứ không thể để xảy ra hàng loạt sự cố rồi lại đổ hết trách nhiệm cho các bộ phận khác.
Ngoài ra còn phải kể đến cơ quan quản lý về mặt nhà nước đối với LĐBĐ VN là Tổng cục TDTT cũng phải có những chính kiến và chỉ đạo kịp thời. Thời gian qua cơ quan này chỉ chờ nghe báo cáo rồi thấy dư luận ầm ĩ thì lại đẩy xuống một công văn nhắc nhở mà không chỉ đạo, không kiểm soát và cũng không thẩm định.
Hy vọng sau cuộc gặp gỡ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện với Tổng cục TDTT hồi cuối tháng 6-2016, cơ quan quản lý này cũng đã nhận ra những phần giám sát chưa tới và chưa đủ của mình.