Vì sao Thai-League chạy sau nhưng qua mặt V-League?
Thai-League xuất phát chậm hơn V-League một năm nhưng nếu V-League cứ chạy đều kiểu đến hẹn lại lên thì Thai-League đã một lần đổi phiên bản.
Người Thái đi sau V-League và phát hiện nếu Thai-League cũng chạy như V-League theo xu hướng mà AFC kêu gọi các quốc gia nâng cấp thì sẽ không thể tiến được. Đấy là lý do người Thái sau khi để Thai-League chạy sáu năm thì lập tức chuyển sang phiên bản 2.0 từ mùa bóng 2008.
Các quan chức LĐBĐ Thái Lan khẳng định rằng làm bóng đá chuyên nghiệp mà chỉ khoác lên chiếc áo chuyên thì chính là kéo lùi nền bóng đá đi xuống trong khi tiền đổ vào thì lại tăng lên.
Thái-League còn là điểm đến của các ngôi sao thế giới
Cũng cần biết là phiên bản 1.0 của Thai-League về bản chất y hệt như V-League hiện nay, tức điều hành như thời bao cấp và chỉ khác ở chỗ có nhiều tiền hơn. Với đội bóng thì tiền ban đầu được nhà tài trợ chu cấp nhưng dần dần các nhà tài trợ xa lánh vì không hấp dẫn và không tôn trọng khán giả. Bên cạnh đó là công tác điều hành kém cỏi khiến nhiều kiện cáo làm xấu hình ảnh Thai-League và nhà tài trợ từ bơm tiền trở thành xa lánh vì không muốn “lây”.
Đến năm 2008 thì Thai-League ra phiên bản 2.0 do nhà sáng lập Ong Art Kosingkha - vốn là tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan - được đưa sang Anh học về công tác tổ chức lẫn xây dựng một đội bóng chuyên nghiệp rồi áp dụng vào bóng đá Thái Lan.
Thai-League phiên bản 2.0 ra đời còn mời cả chuyên gia Anh và trưởng ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh làm tư vấn (chứ không mời làm trưởng giải bởi người Thái xác định chỉ người Thái mới hiểu đặc thù bóng đá Thái). Từ đó đến nay mới chỉ sáu mùa nhưng Thai-League thành công ngoài sức tưởng tượng đặc biệt là kéo khán giả đến sân nườm nượp và được các đài quốc tế mua bản quyền.
Thai-League 2.0 bắt đầu từ công tác điều hành và việc nâng chất lẫn nâng cấp một CLB theo đúng chuẩn chuyên nghiệp. Và các nhà tài trợ lại đổ về với Thai-League. Rõ nhất là CLB đang dẫn đầu Muangthong Utd (đối thủ sắp tới của Hà Nội T&T tại vòng play-off thứ hai AFC Champions League) xây một sân riêng khoảng 9 triệu USD và bán vé năm. Họ lấp đầy sân với lượng fan trung thành bằng cách làm bóng đá tôn trọng khán giả và hết mình vì khán giả. CLB này hiện có hơn 10 nhà tài trợ lớn, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng như Yamaha, Coca Cola, Toshiba, Canon, AIA, T-Mobbile, Grand Sport... trong đó có nhà tài trợ một năm mang lại cho CLB hơn 600 triệu baht...
Trong khi V-League sáng đèn chỉ thấy toàn khán đài trống huơ trống hoác thì Thai-League trận nào cũng đông nghẹt khán giả với khẩu hiệu “Đội bóng tôn trọng khán giả và khán giả hết mình với đội bóng”.
Cái cách người Thái đi sau nhưng về trước và chịu học chịu làm mới lẫn chịu xem mình là kém thì phải học và phải thay đổi rất đáng để bóng đá Việt Nam suy nghĩ.