Vì sao ông Trần Đình Long từ chối làm Chủ tịch VFF?
Việc lựa chọn ứng viên vào vị trí Chủ tịch LĐBĐVN (VFF) có nguy cơ ngày càng rối khi những người được ướm lời đều từ chối, số đang muốn lao vào lại không nhận được tín nhiệm cần thiết.
Lãnh đạo ngành thể thao có lẽ đang đứng trước bài toán khá hóc búa, và không ngoại trừ khả năng phải tự lo.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải (trái) cho biết nếu được thành viên VFF giới thiệu tranh cử Chủ tịch nhiệm kỳ 8 thì chắc chắn sẽ từ chối.
Hôm 23/7 vừa qua, VFF đã chốt sổ lần 3 danh sách ứng viên được giới thiệu vào các vị trí trong BCH và lãnh đạo chủ chốt VFF nhiệm kỳ 8. Tin cho hay trong số này, hai lãnh đạo Bộ VH-TT&DL gồm Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Lê Khánh Hải cũng được giới thiệu.
Thứ trưởng Lê Khánh Hải có lẽ là trường hợp đặc biệt, khi được nhắc tên trong cả 2 kỳ đại hội VFF gần đây. Tại Đại hội 7, Bộ VH-TT&DL từng muốn đưa ông Lê Khánh Hải ra tranh cử, nhưng rốt cuộc ông Hải từ chối. Thế nên tại đại hội 7, vị trí Chủ tịch chỉ có 1 ứng viên (sau đó trúng cử) là đương kim Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hiện nay. Trên một tờ báo hôm nay, Thứ trưởng Lê Khánh Hải được dẫn lời khẳng định, “chắn chắn sẽ rút lui” nếu được các tổ chức thành viên VFF tiến cử.
Ông Lê Khánh Hải cũng cho biết “về nguyên tắc cán bộ”, Bộ sẽ không giới thiệu Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (Bí thư Chi bộ VFF) ra tranh cử vào BCH VFF khoá 8 khi đã phải nhận kỷ luật liên quan đến vi phạm công tác Đảng, cho dù được các thành viên giới thiệu.
Về trường hợp Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, hôm 17/7 báo Thanh Niên cho biết tại cuộc làm việc với Chi bộ VFF, Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ khối các cơ quan Trung ương đã thông báo kết luận về một số hoạt động của Chi bộ VFF. Theo đó, Chi bộ VFF không có những hành vi vi phạm pháp luật nhưng mắc sai phạm trong công tác Đảng như không tổ chức sinh hoạt chuyên đề, không tiến hành họp chi bộ vài nhiệm kỳ trong năm. Trong đó vai trò của Bí thư Chi bộ Trần Quốc Tuấn đã buông lỏng công tác kiểm tra và giám sát Chi bộ VFF. Uỷ ban Kiểm tra Đảng uy khối các cơ quan Trung ương đề nghị Thường vụ Đảng uỷ Tổng cục TDTT có hình thức xử lý với tập thể và cá nhân có liên quan trước ngày 31/7.
Về công việc, ông Trần Quốc Tuấn nhận được nhiều tín nhiệm nhất từ phía các tổ chức thành viên VFF cho vị trí Chủ tịch. Tuy nhiên trường hợp bị kỷ luật, ông Tuấn có thể chỉ được giới thiệu vào vị trí Phó chủ tịch. Thực tế, cơ cấu nhân sự lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 8 bị đánh giá là “đông nhưng không tinh”. Ông Trần Quốc Tuấn trong khi đó có nhiều năm kinh nghiệm, thạo việc, nhiều mối quan hệ quốc tế.
Việt Nam có 90 triệu dân, không lo thiếu người giỏi làm bóng đá, chỉ là tạm thời chưa tìm ra.
Đại hội 8 VFF dự kiến tổ chức trong tháng 3/2018 nhưng đã phải hoãn lại nhiều lần do cơ cấu nhân sự lãnh đạo chủ chốt chưa hoàn tất. Vị trí Chủ tịch trở thành bài toán khó đối với ngành thể thao.
Theo tìm hiểu, VFF và lãnh đạo ngành thể thao từng mời một số nhân vật, nhưng đều không được nhận lời. Trong số này có cả doanh nhân Trần Đình Long, ông bầu của CLB Hoà Phát Hà Nội trước đây. Một lãnh đạo cấp cao VFF nói với Tiền Phong, ông Long “được mời nhưng từ chối vì bận tập trung cho công việc kinh doanh”.
Tình hình đại hội 8 VFF thời gian qua diễn biến phức tạp, nội bộ VFF có hiện tượng đấu đá, bắn tin “hạ bệ” nhau. Chuyện tương tự có dấu hiệu lan lên cả cấp cao hơn, tới Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL. Trả lời Tiền Phong qua điện thoại, một lãnh đạo cấp cao VFF than thở: “Có người không làm gì nhưng cứ chọc ngoáy đủ kiểu”. Trả lời Tiền Phong mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, có chuyện nhiều người tài được mời nhưng từ chối vào VFF vì bóng đá phức tạp.
Bóng đá Việt Nam lúc này có lẽ mới thực sự cần bản lĩnh, sự sáng suốt và quyết liệt của lãnh đạo ngành thể thao. Hay Bộ không làm rồi chờ người khác làm thay?
Trong khoảng 1 năm qua, Sầm Ngọc Đức bị cấm 12 trận vì chơi thô bạo.