Vì sao Chelsea nên tránh chủ người Mỹ: "Vết xe đổ" MU - Arsenal còn nguyên
Vì sao Abramovich không muốn Chelsea rơi vào tay những ông chủ người Mỹ? Có lẽ là bởi ông đã nhìn thấy hai "vết xe đổ" mang tên MU và Arsenal.
Một trong những điều giới bóng đá quan tâm nhất lúc này chính là ai sẽ trở thành chủ mới của Chelsea. Hiện tại, các nhà thầu tiềm năng hầu như đều tới từ Mỹ như Todd Boehly hay Joe Ricketts, những ông chủ đang đầu tư vào thể thao tại xứ “cờ hoa”.
Abramovich có lý do để không muốn Chelsea rơi vào tay người Mỹ
Tuy nhiên, Abramovich không muốn đội bóng của mình rơi vào tay người Mỹ. Không chỉ bởi ông là người Nga mà còn bởi cách vận hành đội bóng theo kiểu người Mỹ sẽ khiến Chelsea, đứa con cưng của ông biến thành MU hay Arsenal phiên bản mới.
MU, Arsenal và Liverpool là 3 CLB đang có chủ sở hữu người Mỹ. Ngoài trừ Liverpool đang có được thành công (phần nhiều là nhờ vào Jurgen Klopp), còn lại MU và Arsenal đang dần trở thành “công ty” thay vì “đội bóng”. Hai khái niệm này rất khác nhau. “Công ty” luôn đặt lợi nhuận, doanh thu lên hàng đầu, còn mục tiêu của “đội bóng” là những danh hiệu.
Đó là lý do Arsenal đang là đội bán vé đắt nhất Ngoại hạng Anh còn MU là đội thuộc diện bán áo đấu nhiều nhất trên toàn cầu. Đó cũng là lý do "Quỷ đỏ" vẫn đang gánh còng lưng hơn 400 triệu bảng tiền mua CLB của nhà Glazer. Từ đó mới xuất hiện thuật ngữ như "cuộc đua Top 4", thứ mà trước đây hai CLB này thất bát lắm mới phải nghĩ tới.
Điểm chung của cả hai CLB này là giành được rất ít danh hiệu trong những năm gần đây. MU “trắng tay” kể từ năm 2017 tới nay trong khi Arsenal cũng chỉ vớt vát được 2 chiếc cúp nhỏ là FA Cup 2019/20 và Community Shield 2020.
Những ông chủ của MU và Arsenal đang biến 2 CLB này trở thành "công ty" thay vì "đội bóng"
Stan Kroenke (Arsenal) hay nhà Glazer (MU) chỉ hướng tới việc làm sao kiếm được nhiều tiền nhất có thể từ đội bóng. Bởi vậy, cả hai đội bóng này phát triển không có định hướng trong những năm qua. Hiện tại, cả hai đều đang có dấu hiệu “quay đầu” nhưng mớ hỗn loạn trong gần năm qua khó mà giải quyết trong thời gian ngắn.
Bởi vậy, rất nhiều người tiếc cho Chelsea khi họ phải chia tay với Abramovich. Tỷ phú người Nga là một người yêu bóng đá thực sự và sẵn sàng xóa nợ lên tới 1,5 tỷ bảng cho đội bóng thành London. Đó thực sự là một hành động nghĩa hiệp để Chelsea có thể tìm được chủ mới. Còn với những ông chủ người Mỹ, tiền là trên hết bởi thực tế họ chẳng hiểu gì mấy về bóng đá, môn thể thao không quá thịnh hành tại Mỹ.
Cơ hội tốt nhất của Chelsea là gia đình tài phiệt tới từ Saudi Arabia. Họ chưa chắc là những người yêu bóng đá cuồng nhiệt nhưng ít nhất, họ không thiếu tiền. Khi đó, Chelsea sẽ không phải biến thành “công cụ kiếm tiến” giống như MU hay Arsenal hiện tại.
Cuộc đấu giá mua lại CLB Chelsea đang đến hồi cam go nhất. Ngày càng có nhiều tỷ phú trên toàn cầu hướng sự chú ý của mình vào miếng bánh béo bở ở Tây London.
Nguồn: [Link nguồn]