Vì sao cầu thủ Việt Nam chưa thành công khi xuất ngoại?
Công Phượng hợp đồng với Incheon (Hàn Quốc) 1 năm. Xuân Trường cũng chuyển tới Buriram United 1 năm. Đấy là chuyến xuất ngoại lần thứ 2 của cả 2 tuyển thủ quốc gia này. Đây là cơ hội mới, nhưng chỉ dừng lại ở một bản hợp đồng cho mượn và cả hai đều phải chia tay sớm.
Điều này khiến nhiều người không khỏi lo lắng về tương lai của cả hai cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Sợ rằng những cầu thủ có sức hút mạnh mẽ trên cộng đồng mạng sẽ đi vào con đường trước đó, và đúng như vậy, 2 cầu thủ trở về mà không để lại dấu ấn nào.
Sau Công Phượng, Xuân Trường cũng phải sớm kết thúc hợp đồng thi đấu ở nước ngoài để tìm hướng đi mới
Công Phượng đã sớm chấm dứt hợp đồng với Incheon để tìm thử thách mới ở trời Âu chứ không thi đấu tại V-League. Xuân Trường thì tối 26/6 đã có mặt tại Việt Nam. Khác với Công Phượng, Xuân Trường sẽ thi đấu ở giai đoạn lượt về V-League 2019 trong màu áo HAGL.
Công Phượng bị đánh giá không hòa nhập với đội bóng mới, khó khăn về mặt ngôn ngữ khiến anh và đội bóng chủ quản không thể hiểu nhau và chia tay là tất yếu. Xuân Trường không đá nhiều kiểu như Công Phượng nhưng anh cũng đành ngậm ngùi về nước, trong sự thất vọng của chính bản thân anh.
Tại sao Công Phượng, Xuân Trường thất bại?
Cầu thủ ra nước ngoài thi đấu sẽ gặp rất nhiều vấn đề khó khăn. Từ ngôn ngữ, văn hoá, ẩm thực… họ không vượt qua được chỉ 1, 2 yếu tố thôi là đã đủ để có thể xách va li về nước chứ chưa nói tới chuyện năng lực chuyên môn.
Trách nhiệm của câu lạc bộ (CLB) HAGL là tìm hiểu thật kỹ về điểm đến mà họ định đưa cầu thủ sang đó. Về nền bóng đá, về lối chơi của CLB đó, liệu có phù hợp với cầu thủ của mình hay không. Muốn làm được như vậy họ cần có một bộ phận chuyên trách, những người có trách nhiệm trong việc tìm hiểu và đưa ra những tham vấn chính xác.
Và vấn đề quan trọng nhất là chuyên môn. Nói vậy không có nghĩa Công Phượng hay Xuân Trường yếu nhưng họ giỏi trong phạm vi bóng đá Việt Nam chứ chưa là gì so với nước ngoài. Mà khi chơi cho đội tuyển Việt Nam, họ có những đồng đội quen thuộc, lối chơi quen thuộc và một HLV quá quen thuộc. Ở một môi trường nước ngoài lạ lẫm nhưng lại kỳ vọng quá nhiều, quá lớn, khiến họ càng thêm áp lực, không thể vượt qua nổi.
Xuất khẩu cầu thủ là xu thế của bóng đá hiện đại, một phần không thể thiếu của bóng đá chuyên nghiệp và cũng chính là giấc mơ của HAGL khi hợp tác với CLB Arsenal thành lập học viện bóng đá tại Pleiku. Nhưng cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài buộc phải tìm hiểu kỹ đội bóng đó có thực sự cần mình, có phù hợp và lối chơi ổn định không.
Theo thông tin mới nhất từ Nhật Bản, Công Phượng sẽ không sang Pháp thử việc nữa và điểm đến của tiền đạo này sẽ là giải vô địch quốc gia Bỉ. Theo tờ Sponichi Annex của Nhật Bản, CLB Sint-Truidense VV của Bỉ đang muốn có được chữ ký của tiền đạo người Việt Nam. Đội bóng này còn được biết đến với cái tên Sint-Truiden đang thi đấu ở giải hạng Nhất của Bỉ.
Sở dĩ, báo chí Nhật Bản sớm có được thông tin này là bởi Sint-Truiden đang được sở hữu bởi một công ty Nhật Bản. Mùa giải vừa qua, đội bóng này có tới 5 cầu thủ Nhật Bản đầu quân, trong đó nổi bật nhất là trung vệ Takehiro Tomiyasu.
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, huyền thoại bóng đá Park Ji Sung của Hàn Quốc đã đưa ra những lời khuyên về sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Theo Park Ji Sung, bóng đá Việt Nam muốn phát triển thì cần cho nhiều cầu thủ xuất ngoại hơn.
Công bằng mà nói, tuy ĐTQG Việt Nam đang rất thăng hoa dưới thời HLV Park Hang Seo, nhưng nền tảng phát triển của bóng đá Việt Nam vẫn kém rất xa sự phát triển của bóng đá thế giới.
Nhưng bất kỳ một nền bóng đá nào cũng cần giai đoạn khởi đầu. Và cả những thất bại.
Truyền thông Bỉ đã dành những sự chú ý nhất định tới "Messi Việt Nam" Công Phượng.