Vì sao cầu thủ Việt kiều chưa xuất hiện nhiều ở tuyển Việt Nam?
Lực lượng cầu thủ gốc Việt thi đấu ở nước ngoài đóng góp cho đội tuyển Việt Nam gần như bằng không, tuy nhiên đó không phải là điều đáng lo.
Sự việc Filip Nguyễn nhiều khả năng chọn chơi cho đội tuyển Cộng hòa Séc (CH Séc) một lần nữa cho thấy, đội tuyển Việt Nam không phải miền đất hứa đối với cầu thủ Việt kiều dù họ có tài năng và đặc biệt là khát khao, tình yêu cháy bỏng muốn trở về đóng góp cho quê hương.
Thủ thành Việt kiều Filip Nguyễn đang chơi bóng tại Giải Vô địch quốc gia CH Séc
Từ lựa chọn của Filip Nguyễn
Thủ thành Filip Nguyễn (đang khoác áo CLB Slovan Liberec tại Giải Vô địch quốc gia CH Séc) mới đây đã lần thứ hai được triệu tập vào đội tuyển CH Séc để chuẩn bị cho hai trận đấu tại UEFA Nations League. Dù cơ hội thi đấu không nhiều nhưng với tuyên bố sẵn sàng ra sân, Filip Nguyễn dường như đã lựa chọn CH Séc thay vì đội tuyển Việt Nam.
Điều này không quá bất ngờ bởi từ lâu gia đình Filip Nguyễn đã thông tin rằng quá trình nhập quốc tịch Việt Nam gặp nhiều trở ngại về mặt giấy tờ. Bên cạnh đó, cầu thủ 28 tuổi luôn hướng tới Bundesliga, một trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu nên việc góp mặt trong đội hình CH Séc có giá trị đảm bảo hơn nhiều so với thi đấu cho đội tuyển Việt Nam.
Từ trường hợp của Filip Nguyễn, mở rộng ra, chúng ta thấy trong những năm qua, lực lượng cầu thủ gốc Việt thi đấu ở nước ngoài trở về đóng góp cho đội tuyển Việt Nam gần như bằng không. Trường hợp Đặng Văn Lâm có đôi chút khác biệt bởi anh chơi bóng chuyên nghiệp tại Việt Nam, thành danh ở V-League trước khi lên tuyển.
Dù Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) luôn coi cầu thủ có gốc gác Việt ở nước ngoài là nguồn bổ sung chất lượng cho đội tuyển quốc gia, nhưng việc thu hút số này về khoác áo tuyển Việt Nam lại không hiệu quả.
Cạnh Filip Nguyễn, hàng loạt cái tên khác như: Patrik Lê Giang, Kelvin Bùi, Jason Quang - Vinh Pendant… đã được nhắm tới nhưng đến nay chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy họ sẽ mang màu áo đỏ.
Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo VFF khẳng định, tổ chức này vẫn hết sức quan tâm tới các cầu thủ mang dòng máu Việt Nam đang thi đấu ở nước ngoài, có sự theo dõi, đánh giá thường xuyên nhưng việc họ có về nước chơi cho đội tuyển quốc gia Việt Nam hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
“Đầu tiên các bạn ấy bắt buộc phải có quốc tịch Việt Nam. Việc nhập quốc tịch lại phải tuân thủ các quy định của Luật Quốc tịch. Với một vài trường hợp gần đây đánh tiếng muốn khoác áo đội tuyển Việt Nam, VFF đều có những hướng dẫn cụ thể, thậm chí tìm mọi biện pháp hỗ trợ nhưng vì các lý do khác nhau mà họ chưa thể mang quốc tịch Việt Nam. Ngay cả khi đã có quốc tịch, được lên tuyển hay không còn phụ thuộc vào quyết định của HLV trưởng”, vị lãnh đạo VFF nói.
Trong khi đó, HLV Dương Hồng Sơn cho rằng, sở dĩ đội tuyển Việt Nam chưa thu hút được nguồn lực từ nước ngoài đơn giản do vị thế của chúng ta còn thấp.
“Đã là cầu thủ chuyên nghiệp, ai cũng có lựa chọn để phát triển bản thân tốt nhất, chơi bóng ở môi trường cao nhất có thể. Bóng đá Việt Nam tuy vài năm gần đây tiến bộ rõ rệt nhưng đó là tiến bộ so với chính mình, chứ trên bình diện châu Á hay thế giới còn quá nhỏ bé”, ông Sơn phân tích.
Chưa nên nghĩ nhiều về cầu thủ Việt kiều
Tiếp nối quan điểm của mình, HLV Dương Hồng Sơn cho rằng, thời điểm này chưa nên nghĩ nhiều tới việc làm sao để kéo cầu thủ gốc Việt ở nước ngoài về Việt Nam mà phải chú trọng vào đầu tư, phát triển nội lực.
“Chỉ khi nào tự thân bóng đá Việt Nam có sức hút đủ lớn, chúng ta mới khiến những cầu thủ Việt kiều giỏi chú ý. Như hiện tại, khá nhiều cầu thủ Việt kiều về nước tìm cơ hội chơi bóng, rồi phát biểu về khao khát khoác áo đội tuyển nhưng thực tế năng lực không cao. Điểm mấu chốt nhất nếu muốn bóng đá Việt Nam đi lên, giàu sức hút là phải nâng tầm giải vô địch quốc gia về cả chất lẫn lượng”, cựu thủ môn tuyển Việt Nam nhận xét.
Về phần mình, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhìn nhận, bóng đá Việt Nam không nên coi nguồn cầu thủ gốc Việt trên thế giới là thứ tài sản quý giá, bắt buộc phải có vào thời điểm này.
“Trường hợp như Filip Nguyễn, trình độ tiệm cận mức trung bình khá ở châu Âu không nhiều, thậm chí cực ít. Nếu họ có năng lực thì đã phát triển được ở nước bản địa, không phải chơi tại các giải hạng thấp. Do đó, chúng ta phải chấp nhận thực tế, cầu thủ giỏi luôn lựa chọn 50-50 hoặc thậm chí chỉ 30-70%, còn những cầu thủ chất lượng thấp thì tuyển Việt Nam cũng không cần. Bởi lẽ, số này dù có bổ sung cũng chẳng thể nâng tầm đội tuyển. Ngay cả các nước Đông Nam Á, khi sử dụng cầu thủ mang hai dòng máu thì đa phần chơi cũng chỉ ở mức trung bình so với bình diện khu vực”, ông Tùng ví dụ.
Nói là vậy nhưng bình luận viên Ngô Quang Tùng vẫn lưu ý, bóng đá Việt Nam cần duy trì mối liên hệ với kiều bào ở nước ngoài, hệ thống cộng tác viên để không bỏ sót tài năng.
“Bóng đá rất khó nói trước, nay có thể cầu thủ A chưa thành tài nhưng ngày mai mọi chuyện sẽ khác. Hay cầu thủ B khi chơi cấp độ trẻ thì bình thường nhưng qua tuổi 18 lại xuất sắc. Bởi vậy, dù không đặt quá nhiều kỳ vọng nhưng hệ thống thông tin cần được duy trì, thông suốt”, ông Tùng kết lại.
Theo HLV Dương Hồng Sơn, xuất khẩu cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài cũng là con đường để thu hút cầu thủ Việt kiều về chơi bóng cho đội tuyển Việt Nam hoặc các CLB V-League. Đáng tiếc, những trường hợp xuất ngoại của chúng ta đa phần đều thất bại, ngoại trừ Đặng Văn Lâm đang chơi tốt tại Thái Lan. Song song với việc đầu tư, phát triển bóng đá Việt Nam, HLV Dương Hồng Sơn nhấn mạnh, việc theo dõi, phát hiện các tài năng trẻ là người gốc Việt chơi bóng ở nước ngoài cần được làm sớm hơn. “Chúng ta nên tìm kiếm nguồn cầu thủ trẻ có tiềm năng, nếu được có thể thuyết phục gia đình họ để đưa về Việt Nam đào tạo hoặc theo sát bước tiến của các em ở nước ngoài và nếu cần thiết sẽ lôi kéo về bổ sung cho đội tuyển”, ông Sơn nói. |
Filip Nguyễn chấp nhận mạo hiểm khi lựa chọn tuyển CH Séc thay vì tuyển Việt Nam.
Nguồn: [Link nguồn]