Vì sao cầu thủ Việt dứt điểm kém?
Từ U20 cho đến U22 Việt Nam, khâu dứt điểm thường kém hiệu quả, bắt nguồn từ thực tiễn thi đấu và quan trọng nhất là không cạnh tranh được suất đá chính với ngoại binh.
Ngay sau khi U20 Việt Nam kết thúc hành trình dự World Cup U20 2017 tại Hàn Quốc, nhiều ý kiến cho rằng VFF cần kết hợp 2 lứa cầu thủ tài năng của U20 và U22 Việt Nam để chinh phục HCV SEA Games 2017 thay vì tách biệt lứa của HLV Nguyễn Hữu Thắng đá giải năm nay, còn lứa của Hoàng Anh Tuấn chờ dự giải 2019.
Chính HLV Hoàng Anh Tuấn cũng xác nhận rằng sau khi trở về Nha Trang nghỉ ngơi một thời gian, ông sẽ làm trợ lý cho HLV Hữu Thắng để cùng U22 Việt Nam tham dự SEA Games 2017 ở Malaysia. Khi đó, chắc chắn sẽ có một số tuyển thủ U20 được gọi bổ sung cho U22. Dù nhà cầm quân người Khánh Hòa không nói ra nhưng sẽ có ít nhất 4 tuyển thủ U20 được gọi lên đội dự tuyển vào tháng 7 tới.
U20 Việt Nam tạo nhiều cơ hội trước New Zealand và Honduras nhưng không ghi được bàn nàoẢnh: Đức Anh
Chưa biết sự kết hợp giữa 2 lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng có thích hợp hay không, điều khiến người hâm mộ và giới chuyên môn lo lắng nhất là khâu dứt điểm của các tuyển thủ trẻ để lại quá nhiều nỗi lo. Đơn cử là màn trình diễn nhạt nhòa của lứa Công Phượng, Thanh Bình khi U22 gặp U20 Argentina hay sự phung phí vô cùng đáng tiếc của Đức Chinh, Trần Thành, Quang Hải tại giải U20 thế giới.
Vì sao cầu thủ Việt dứt điểm kém? - Ảnh 1.U20 Việt Nam tạo nhiều cơ hội trước New Zealand và Honduras nhưng không ghi được bàn nàoẢnh: Đức Anh
Cả 2 đội tuyển trẻ đều chưa cung cấp được một trung phong cắm đích thực, một "sát thủ" vòng cấm địa có thể giải quyết tốt khâu cuối cùng là ghi bàn. Trò chuyện cùng chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, ông nghĩ rằng ở đội U20 Việt Nam hiện tại có 4 gương mặt xứng đáng được HLV Nguyễn Hữu Thắng trao cho cơ hội dự SEA Games 2017.
Tuy nhiên, chỉ có duy nhất Đức Chinh đáp ứng được phần nào tiêu chí của một tiền đạo cắm: "Đầu tiên phải nói thẳng là U22 Việt Nam không có tiền đạo đúng nghĩa, Đức Chinh là sự lựa chọn quá tốt cho đội vào thời điểm này. So với Thanh Bình (Thanh Hóa), Đức Chinh có nhiều điểm nổi bật. Đức Chinh thường xuyên được thi đấu chính ở Đà Nẵng. Thể hình tốt nên tranh chấp và tì đè hậu vệ đối phương khá kín kẽ, tạo được áp lực lên khung thành đội bạn. Đó là mẫu trung phong cắm đúng nghĩa mà U22 Việt Nam hiện đang thiếu".
Tuy nhiên, như phân tích của chuyên gia bóng đá xứ Nghệ, hàng công tuyển chọn từ lứa U22 và U20 vẫn đang thiếu thực tiễn thi đấu, dẫn đến cảm giác không tốt khi cơ hội đến. "Tiền đạo Đinh Thanh Bình của U20 chưa được đá một phút nào cho HAGL tại V-League ở giai đoạn 1.
Trần Thành thì chơi ở Giải Hạng nhất nên cơ hội cọ xát với những hàng thủ chất lượng rất hiếm. Văn Toàn, Công Phượng hay Quang Hải là mẫu cầu thủ đá dạt biên hoặc hộ công, không thể đẩy họ vào vòng cấm để chờ đợi cơ hội do đồng đội kiến tạo. Đây là một trong 2 cái khó cho cả Hữu Thắng lẫn Hoàng Anh Tuấn và thực tế thì chưa ai giải quyết được" - chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích.
Theo cựu tiền đạo Nguyễn Việt Thắng, hầu hết các CLB ở V-League bị lệ thuộc hoàn toàn vào các tiền đạo ngoại, làm cùn đi khả năng săn bàn của những trung phong nội. "Đức Chinh may mắn được HLV Huỳnh Đức tạo cơ hội ở V-League và đã đáp ứng phần nào niềm tin của SHB Đà Nẵng.
Tuy nhiên, Đức Chinh sắp tới phải cạnh tranh khốc liệt chỗ đứng với Gaston Merlo khi tiền đạo người Argentina này trở lại sau chấn thương. Còn nhiều em khác như Tiến Linh, Trần Thành thật khó để mài giũa khi vị trí của họ chỉ là ghế dự bị hoặc là Giải Hạng nhất vốn thi đấu với mật độ thưa thớt".
Ít sút xa và ít tập sút Không chỉ hàng tiền đạo, các tuyến còn lại của nhiều đội tuyển bóng đá Việt Nam cũng ít chịu sút xa trong trận - một trong những vũ khí tạo đột biến. Điều này có thể do 2 nguyên nhân: Cầu thủ ít chịu tập thêm và các HLV (cấp CLB lẫn đội tuyển) cũng hiếm khi buộc họ sút xa. Thái Lan, ở cấp độ Đông Nam Á, thường dùng các pha dứt điểm từ tuyến 2 để xuyên phá hàng thủ chắc chắn của đối phương. |