Vì sao các đội bóng nước ngoài ngại mua đứt cầu thủ Việt?
Đâu là những rào cản khiến cầu thủ Việt không phải là những món hàng được các đội bóng ngoại quốc khao khát sở hữu?
Nhiều cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam được liên hệ ra nước ngoài chơi bóng nhưng gần như tất cả chỉ dừng lại ở bản hợp đồng cho mượn thay vì mua đứt.
Đâu là những rào cản khiến cầu thủ Việt không phải là những món hàng được các đội bóng ngoại quốc khao khát sở hữu?
Đoàn Văn Hậu từng thi đấu cho CLB Heenrenveen của Hà Lan theo dạng cho mượn
Điệp khúc cho mượn
Trong một diễn biến mới nhất, truyền thông Thái Lan cho biết, CLB Pathum United (Thái Lan) đang muốn chiêu mộ tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức của CLB Viettel theo bản hợp đồng cho mượn thời hạn nửa mùa.
Song song với đó, nhiều nguồn tin trong nước khẳng định, HLV Park Hang-seo đang có ý định kết nối để Hoàng Đức sang Hàn Quốc thi đấu, cũng theo hình thức cho mượn.
Lâu nay, “cho mượn” là khái niệm rất quen thuộc với cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu.
Ngoại trừ thủ thành Đặng Văn Lâm được CLB Muangthong United (Thái Lan) mua đứt kèm hợp đồng 3 năm, tất cả những cái tên khác của bóng đá Việt Nam khi “mang chuông đi đánh xứ người” chỉ theo hợp đồng cho mượn.
Trước đây có Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh, gần nhất có Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường và Nguyễn Tuấn Anh (cùng của HAGL); Đoàn Văn Hậu (Hà Nội FC).
Trong đó, Xuân Trường hai lần xuất ngoại sang Hàn Quốc và Thái Lan còn Công Phượng có tới ba lần tới thi đấu ở Nhật Bản, Hàn Quốc rồi Bỉ.
Ngoài ra, những trường hợp khác như Phan Văn Đức (SLNA), Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC) hay Nguyễn Tiến Linh (Bình Dương), Bùi Tiến Dũng (Viettel)… cũng nhiều lần được các đội bóng bên ngoài biên giới ướm mượn.
Một điểm dễ nhận thấy, số cầu thủ ra nước ngoài theo dạng cho mượn không được thi đấu nhiều.
Điều này chứng minh CLB đứng ra đàm phán gần như chỉ nhằm mục đích thương mại, quảng bá hình ảnh tại Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung. Nếu chỉ để hoàn thành mục tiêu thương mại, việc chi số tiền lớn để mua đứt trở nên lãng phí.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Huỳnh Trí Thiện, ngành Quản lý Thể thao, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), thương mại chỉ là một phần tiêu chí trong các thương vụ chuyển nhượng quốc tế.
Hai tiêu chí còn lại tài năng và lối chơi phù hợp. Bởi vậy, việc cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài hầu hết theo dạng cho mượn chủ yếu xuất phát từ việc họ chưa được đánh giá cao về chuyên môn.
“Thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã có những thành công ở khu vực, đặc biệt là tham dự Vòng loại cuối World Cup 2022. Đó là tín hiệu tốt cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, các CLB bóng đá chuyên nghiệp lại cần nhiều hơn nữa, nhất là những trận đấu ở cấp độ câu lạc bộ tại các giải AFC Champions League. Đây có thể là điểm trừ cho các cầu thủ Việt Nam khi hồ sơ của họ đặt trên bàn đàm phán chuyển nhượng”, ông Thiện phân tích
Trong khi đó, nhà môi giới Nguyễn Minh Châu cho rằng, thực trạng trên xuất phát từ hai phía: “Cầu thủ Việt Nam mang tâm lý bao bọc, sợ thất bại nên họ chưa sẵn sàng cắt đứt với CLB trong nước để tìm chân trời mới. Văn Lâm là trường hợp đặc biệt vì cậu ấy lớn lên ở châu Âu, tính tự lập và sự chuyên nghiệp cao hơn nhiều so với đồng đội ở tuyển Việt Nam. Phía đội bóng nước ngoài họ cũng chưa tin tưởng tuyệt đối vào cầu thủ Việt Nam. Như vậy rất khó tạo ra những thương vụ chuyển nhượng đúng nghĩa”.
Cần nâng tầm nền bóng đá và cầu thủ
Thực tế cho thấy, các cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài ít được thi đấu, trình độ chuyên môn không cải thiện.
Ông Nguyễn Minh Châu khẳng định, nếu muốn nền bóng đá phát triển, đội tuyển quốc gia có bước tiến lớn thì trong tương lai Việt Nam phải có nhiều cầu thủ chơi bóng ở các nền bóng đá phát triển, được tiếp xúc với bóng đá đỉnh cao.
Cầu thủ Việt Nam kém ngoại ngữ là thiệt thòi rất lớn khi ra nước ngoài. Mình không thể hiểu HLV nói gì, không trao đổi được với đồng đội dẫn tới việc khó hòa nhập. Các đội bóng nước ngoài khi mua cầu thủ họ tìm hiểu kỹ về mọi mặt chứ không riêng chuyên môn. Khi nào cầu thủ Việt Nam còn chưa thực sự sẵn sàng chơi bóng ở nước ngoài, chúng ta khó mong chờ những bản hợp đồng lớn.
Muốn làm được như vậy, nhà môi giới trên nhấn mạnh, bản thân cầu thủ ngoài kỹ năng chuyên môn cần trang bị các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, tác phong sinh hoạt, khả năng tự lập.
Các CLB cần có những kế hoạch, lộ trình rõ ràng về việc đưa cầu thủ xuất ngoại. CLB cũng cần tạo dựng các mối quan hệ chiến lược, mạng lưới thông tin rộng khắp để kết nối với thế giới bên ngoài chứ không thể đóng cửa mà chơi như hiện tại.
“Các đội bóng trong nước đa phần đều chưa chủ động trong việc xuất khẩu cầu thủ. Những trường hợp đã và đang được quan tâm đều do đội bóng nước ngoài họ tìm hiểu thông tin qua các kênh khác nhau rồi nhờ liên hệ đặt vấn đề. Anh muốn bán hàng mà lại không chào hàng thì ai biết mà mua”, ông Châu ví von.
Tiến sĩ Huỳnh Trí Thiện phân tích, để cầu thủ Việt Nam được coi trọng khi đàm phán, điều tiên quyết CLB Việt Nam phải tạo tiếng vang ở giải châu lục: “Thái Lan có Chanathip và Bunmathan chơi tốt, khẳng định được tài năng ở J-League 1 (giải Vô địch quốc gia Nhật Bản). Trước đó, CLB Muangthong United đã xuất sắc vượt qua vòng bảng AFC Champions League ở bảng đấu có cả đại diện Nhật Bản lẫn Hàn Quốc.
Do đó, để cầu thủ Việt Nam có thêm sức mạnh đàm phán ở những hợp đồng chuyển nhượng quốc tế, việc các CLB thành công ở giải đấu hàng đầu châu lục là rất cần thiết.
Thêm nữa, hợp đồng cho mượn hay mua đứt chỉ là một phần. Việc chuẩn bị đủ kiến thức, lối chơi, kỹ chiến thuật và tâm lý cho cầu thủ Việt Nam để có thể tồn tại và phát triển tại các CLB nước ngoài là điều quan trọng nhất. Chanathip trước khi ký chính thức cũng chơi theo dạng cho mượn đó thôi”.
Theo xác nhận của lãnh đạo SLNA, đội bóng này đã đạt được thoả thuận với Viettel về việc chiêu mộ Quế Ngọc Hải...
Nguồn: [Link nguồn]