Vì sao bóng đá Hải Phòng sa sút?
Được ngân sách thành phố hỗ trợ số tiền mơ ước với các địa phương khác nhưng bóng đá Hải Phòng lại gây thất vọng lớn cho người hâm mộ.
Mỗi mùa giải CLB bóng đá Hải Phòng đều được ngân sách TP hỗ trợ 40 tỷ đồng. Cá biệt mùa giải năm nay con số trên còn tăng lên 50 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí cho đào tạo trẻ. Đây là con số hỗ trợ lớn nhất 1 địa phương dành cho đội bóng, như khẳng định của lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng trong lễ chuyển giao.
CLB bóng đá Hải Phòng được ngân sách thành phố cấp 50 tỉ, cao nhất trong các đội bóng ở V-League được địa phương hỗ trợ, nhưng liên tục kêu khó để đòi dừng giải (Ảnh: Công Dụng)
Tuy nhiên, thành tích của CLB bóng đá Hải Phòng lại sa sút, gây thất vọng với người hâm mộ. Gần nhất mùa trước, Hải Phòng phải trầy trật mới trụ hạng. Công tác quản lý đội lại để lại nhiều vấn đề gây nhức nhối. Sân Lạch Tray không được chăm sóc, bảo dưỡng dẫn tới xuống cấp, cho người dân thuê ở, nuôi gà, trồng rau thả chó…ảnh hưởng tới hình ảnh địa phương. Có dạo báo chí Thái Lan cũng ngỡ ngàng với hình ảnh sân bóng trồng rau ở V-League.
Do quản lý không tốt, Hải Phòng bị FIFA buộc phải đền cho ngoại binh Stevens số tiền khoảng 5 tỷ đồng. Ở khía cạnh sử dụng vốn ngân sách, tức tiền thuế của dân, đây là vấn đề cần được làm rõ nhưng có vẻ như lãnh đạo thành phố Hải Phòng chưa chú tâm. Vụ việc vì vậy bị chìm xuống, chưa thấy ai xem xét.
Mới đây, Hải Phòng đã có quyết định chuyển đội bóng từ Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng sang công ty Sông Hồng của ông Văn Trần Hoàn, một CĐV nổi tiếng với biệt danh Hoàn “pháo”. Như trên đã nói, số tiền ngân sách đầu tư cho đội bóng tăng 10 tỷ, lên 50 tỷ đồng. Thành phố thậm chí thông báo chấp thuận dự án sửa sân Lạch Tray với số vốn 30 tỷ đồng. Tất cả những ưu ái này chỉ để bóng đá Hải Phòng tốt lên, thoả mãn người hâm mộ.
Thành tích của CLB Hải Phòng không đáp ứng được chờ đợi của người hâm mộ. Mùa trước đội bóng phải đi mượn quân của Quảng Ninh để trụ hạng. (ảnh Anh Tú)
Tuy nhiên, Hải Phòng đang ở nhóm cuối bảng, và là đội kịch liệt kêu ca khó khăn kinh tế để đòi dừng LS V-League suốt thời gian qua. Không khó để thấy 2 mùa giải qua, những đội bóng kêu khó nhiều nhất, chỉ chăm chăm đòi dừng giải là các đội có thành tích kém, nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách địa phương. Câu hỏi cần đặt ra là phải chăng do quen sống nhờ bao cấp, tiêu bằng tiền thuế của dân nên dẫn tới các đội bóng trên đều thiếu đi sự năng động, tinh thần vượt khó?
Một vấn đề khác cần đặt ra, VFF đã có quy định về chuẩn AFC, buộc các đội bóng hoạt động với mô hình doanh nghiệp. Việc nhiều địa phương dùng ngân sách “bơm” cho bóng đá có phù hợp với xu thế phát triển?
Trường hợp Hải Phòng, liệu có cần thiết đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách dùng cho bóng đá 5 năm qua. Làm bóng đá bằng tiền dân, khi khó khăn đẩy gánh nặng cho cầu thủ thì ai không làm được? Dùng 1 đồng tiền thuế của dân cũng phải có trách nhiệm, đằng này là hàng chục tỉ đồng mỗi năm.
Nguồn: [Link nguồn]