Vì sao AFF Cup 2022 vẫn chưa có VAR?
Đã có rất nhiều tranh cãi nổ ra sau trận thắng 3-0 của Việt Nam trước Malaysia hôm 27/12. Một lần nữa, việc phải lắp đặt VAR ở AFF Cup lại được đặt ra.
Kết thúc trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia trong khuôn khổ bảng B AFF Cup 2022, rất nhiều câu hỏi được đặt ra về các quyết định của trọng tài Jyuji Sato, từ 2 thẻ vàng liên tiếp với Nguyễn Văn Toàn đến chiếc thẻ đỏ cho Azam Azmi cùng quả phạt đền Việt Nam được hưởng.
Ngoài ra, có luồng ý kiến cho rằng Đoàn Văn Hậu có thể nhận thẻ đỏ từ trước đó với các tình huống tranh chấp quyết liệt hơn mức cần thiết và mang tính khiêu khích đối phương. Hậu vệ của ĐT Việt Nam nên cảm thấy may mắn vì không có VAR. Do đó, việc lắp đặt VAR cho các trận đấu ở AFF Cup là cần thiết nhằm đảm bảo tính công bằng, đồng thời khiến các cầu thủ tiết chế các pha bóng thô bạo.
Trọng tài Jyuji Sato trong trận đấu giữa Việt Nam - Malaysia. Ảnh: Như Ý
Thật ra yêu cầu về VAR đã được đưa ra từ lâu. Chính HLV Park Hang-seo là người quyết liệt trong vấn đề này sau lượt đi bán kết AFF Cup 2020. Mặc dù vậy, việc triển khai không dễ dàng ở sân chơi Đông Nam Á. Việc đầu tiên là cần nhiều camera. Như tại World Cup 2022 mới đây, mỗi trận đấu sẽ có 42 camera, bao gồm các camera chuyên biệt.
Tại vòng loại World Cup 2022 mà Việt Nam đi tới vòng thứ ba, AFC đã tiến hành lắp đặt 33 camera quanh Mỹ Đình, bao gồm 8 camera Super Slow Motion và 4 camera Ultra Slow Motion với tốc độ lên đến 120 khung hình/giây.
Ngay cả khi hạ thấp tiêu chuẩn đến mức thấp nhất, theo hướng dẫn từ FIFA, vẫn cần 4-8 camera mỗi trận. Cùng với đó là một phòng VAR với tổ vận hành, cùng nhóm trọng tài được đào tạo để đưa ra các tư vấn chính xác cho trọng tài chính.
Chi phí ước tính mỗi trận có VAR rơi vào khoảng 50.000 USD. Con số này bằng với tiền thưởng của đội đoạt giải ba (đội vô địch AFF Cup năm 2020 được 300.000 USD, Á quân nhận 100.000 USD). Giải đấu có tới 26 trận, theo đó nhân lên, chi phí không hề nhỏ.
Một khó khăn khác, nhiều năm nay AFF Cup không diễn ra theo thể thức tập trung, mà dàn trải ở 10 quốc gia tham dự. Có nghĩa VAR sẽ phải lắp đặt ở ít nhất 10 sân ở các nước khác nhau (tại AFF Cup 2022 là 12 sân). Trong bối cảnh thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng cùng chi phí cao, việc triển khai mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng. Vì vậy, AFF Cup vẫn sẽ tiếp tục và tranh cãi trở thành một “đặc sản” của giải đấu.
ĐT Việt Nam sẽ chạm trán chủ nhà Singapore trên sân vận động Jalan Besar.
Nguồn: [Link nguồn]