Vì ĐT Anh, Premier League sẽ thắt chặt luật lệ
Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh dự định thắt chặt lại điều luật liên quan đến vấn đề các cầu thủ “cây nhà lá vườn” tại xứ sương mù.
Kể từ mùa giải 2010/11, Premier League đưa ra luật “Home Grown Player Rule” (HGPR) liên quan đến số lượng cầu thủ trưởng thành từ hệ thống đào tạo của xứ sương mù.
Theo đó, mọi đội bóng ở giải đấu cao nhất nước Anh không được phép có quá 17 cầu thủ không phải là HGPR trong danh sách 25 người. Hay nói cách khác dễ hiểu hơn, trong số 25 cầu thủ được đăng ký, CLB phải có ít nhất 8 người thuộc dạng “cây nhà lá vườn”.
HGPR là những cầu thủ bắt buộc phải thỏa mãn 2 điều kiện sau: 1. Lớn hơn hoặc bằng 21 tuổi tính từ ngày 1/1 của năm mà mùa giải bắt đầu, 2. Có 3 năm trong độ tuổi từ 16 đến 21 được đào tạo bởi một CLB bóng đá Anh (không tính thời gian cho mượn ở nước ngoài).
Fabregas dù 27 tuổi nhưng vẫn là một HGPR vì được Arsenal chiêu mộ từ nhỏ
2 điều khoản trên khiến Premier League phát sinh những trường hợp gây nhiều tranh cãi ở mùa giải này. Ví dụ như Fabregas là HGPR dù vừa gia nhập Chelsea sau 3 năm chơi bóng ở Barca. Đó là vì tiền vệ người Tây Ban Nha được HLV Wenger “kèm cặp” từ năm 15 đến 23 tuổi. Szczesny cũng đủ tiêu chuẩn vì được Arsenal chiêu mộ từ khi 18 tuổi.
Nếu chuyển về Man City hồi tháng Giêng vừa qua, Pogba (khi ấy chưa đủ 21 tuổi) chỉ cần chơi thêm mấy tháng là trở thành HGPR vì thần đồng người Pháp rời lò đào tạo của MU sau hơn 2 năm rưỡi gắn bó. Nhưng nếu bây giờ anh trở lại Premier League thì dù Pogba đá nhiêu đi chăng nữa vẫn chỉ được tính là “ngoại binh”.
HGPR tác động không nhỏ đến mọi chính sách của các CLB hàng đầu xứ sương mù, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chuyển nhượng. Nó chắc chắn đang giúp Tam Sư nói riêng và bóng đá Anh nói chung hưởng lợi lớn.
Rất dễ hiểu, với bắt buộc sở hữu 8 cầu thủ thuộc dạng “cây nhà lá vườn”, CLB sẽ phải đối xử tốt hơn với các chàng trai bản địa. Họ cũng không còn ngần ngại mỗi khi tung tiền đầu tư cho Học viện bóng đá của mình.
Arsenal không mất một xu để chiêu mộ Wilshere, Gibbs, Walcott hay Ramsey mà đơn giản chỉ cần tăng thêm lương thưởng để giữ chân họ. Đó là lý do Pháo thủ mua Welbeck trong mùa hè vừa qua chứ không phải Higuain, Remy hay Cavani. Tương tự là trường hợp của Liverpool với Lallana và MU với Luke Shaw.
Pogba mãi mãi không thể là HGPR nữa vì vừa bước qua 21 tuổi
HGPR còn tác động mạnh đến không chỉ chính sách mua bán mà còn cho mượn của CLB. Trước năm 2010, các đội bóng Anh thường lách luật trong việc kiếm giấy phép lao động cho các cầu thủ ngoài châu Âu. Họ (đa số đến từ Nam Mỹ và châu Phi) thường được gửi đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha trong vài năm để “du học” trước khi trở về (Matic, Courtois của Chelsea hay Joel Campbell, Vela của Arsenal).
Tuy nhiên HGPR không tính quãng thời gian mà cầu thủ được cho mượn ở nước ngoài nên các đội bóng của Anh phải ưu tiên việc “gửi gắm” sang những CLB đồng hương ở xứ sương mù. Nếu không muốn làm mạnh cho các đối thủ trực tiếp ở Premier League, giải hạng Nhất hay League One là 2 sự lựa chọn không tồi.
Nhưng người Anh có vẻ vẫn chưa muốn dừng lại, đặc biệt khi đội tuyển của họ thi đấu thất bát ở kỳ World Cup vừa qua. Premier League đang xem xét siết chặt lại luật lệ để khiến những trường hợp như Fabregas hay Szczesny không còn thuộc dạng HGPR.
Số lượng tối thiểu 8 cầu thủ “cây nhà lá vườn” vẫn sẽ được giữ nguyên nhưng HGPR phải có 3 năm được đào tạo ở nước Anh trước khi bước sang tuổi 18 (thay vì 21). Điều này có nghĩa các cầu thủ trẻ phải ở CLB từ năm 15 tuổi và không được phép chuyển ra nước ngoài, kể cả là khối EU, trước 16 tuổi.
Đây là hành động hết sức toan tính khi 18 là ngưỡng tuổi mà FIFA quy định để một cầu thủ quyết định sẽ chọn đội tuyển mà anh thi đấu. Hãy thử tưởng tượng trong tương lai Tam Sư sẽ không để lọt tài năng chớm nở nào trên xứ sương mù bất chấp anh ta có quốc tịch gì đi chăng nữa.