VFF và chiếc ghế trống ông chủ tịch: Sau ông Lê Hùng Dũng là ai? (Kỳ cuối)
Đây chính là vấn đề khiến ngành thể thao loay hoay thời gian qua, hiện chưa có câu trả lời.
Một chi tiết đáng lưu ý là trong khoảng thời gian ông Lê Hùng Dũng nắm quyền điều hành bóng đá Việt Nam, thành tích của các ĐTQG ở đấu trường khu vực và châu lục đều tốt hơn hẳn so với giai đoạn 2 năm trước đó, cùng với sự xuất hiện của HLV Miura. Tuy nhiên sau đó vị chiến lược gia người Nhật phải về nước do xây dựng lối chơi được xem là không phù hợp với bóng đá Việt Nam.
Trong trường hợp ông Lê Hùng Dũng (đứng) rút lui giữa nhiệm kỳ, một lãnh đạo hiện nay của VFF sẽ đảm nhiệm thay vị trí hay chọn lãnh đạo từ bên ngoài về vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Ảnh: VSI
Đơn cử như AFF cup 2014, đội tuyển Việt Nam vào tới bán kết và chỉ thất bại sau trận đấu đầy nghi hoặc trước Malaysia trên sân Mỹ Đình. SEA Games 2015 đánh dấu Việt Nam lần đầu vào tốp có huy chương sau 2 kỳ liên tiếp “rớt hạng”. Ở cấp độ trẻ, bóng đá Việt Nam liên tục giành được các kết quả khả quan, như tuyển Olympic vào tứ kết ASIAD 2014 (Incheon, Hàn Quốc), U23 lần đầu giành quyền tham dự VCK U23 châu Á 2016, U19 dự VCK cấp châu lục… Trong nước, có thể thấy các lò đào tạo trẻ đang được đầu tư ngày càng mạnh, được dư luận quan tâm nhiều hơn một phần từ hiệu ứng của lứa trẻ HA.GL.
Song không phải chuyện gì cũng xuôi chèo mát mái. Giữa lúc ĐT U23 Việt Nam tranh tài tại SEA Games trên đất Singapore hồi giữa năm 2015, lá đơn tố cáo Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn nhận hối lộ nổ ra gây xôn xao dư luận. Mặc dù vụ việc sau đó được khép lại bởi người tố cáo không cung cấp được bằng chứng cho cơ quan chức năng nhưng từ vụ việc này cũng bắt đầu hé lộ những bất đồng trong hàng ngũ lãnh đạo VFF. Thực tế mất đoàn kết ở VFF, như các bài viết trước đã đề cập, là vấn đề không giấu được ai.
Cũng chính vì điều này, ngành thể thao đã thực sự loay hoay khi ông Dũng gặp vấn đề về sức khỏe. Trên cả cương vị Chủ tịch LĐBĐ TPHCM hay ở VFF, ông Dũng đều nổi tiếng không thuộc “tuýp” người tham quyền, cố vị, cảm thấy đến lúc nên nghỉ là dừng. Trong quá khứ, ông Dũng từng nổi tiếng với không ít lần xin tự rút lui, dù người ta biết ảnh hưởng của ông là rất lớn. Nhưng lần này, ngành thể thao đang phải vận động ông Dũng ổn định sức khỏe để tiếp tục chèo lái, làm trụ ở VFF.
Đau đầu tìm “minh chủ”
Song song với việc cậy nhờ ông Dũng gắng sức, ngành thể thao thời gian vừa qua đang nỗ lực để lựa người lên thay, phòng trường hợp ông Lê Hùng Dũng nhất quyết rút lui.
Thường trực VFF ngoài ông Dũng hiện còn 4 người. Trong số này ông Trần Anh Tú “đặc trách” futsal, Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ phụ trách truyền thông. Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã sớm từ chối chiếc “ghế nóng” do bận kinh doanh cùng quá nhiều công việc với HA.GL. Người đang đảm đương nhiều công việc quan trọng ở VFF lúc này, từ đối nội đến đối ngoại là Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn.
Tuy nhiên, ông Tuấn vướng vì mối quan hệ không mấy yên hòa với giới truyền thông, cũng như việc chưa thể hiện được cái “uy”, sự quyết liệt cần thiết. Vì vậy, để thuyết phục được dư luận, giới chuyên môn, ông Tuấn cần thể hiện mạnh mẽ vai trò của mình ở cương vị phó chủ tịch thường trực. Có điều cái khó với ông Tuấn là phải đảm đương, giải quyết nhiều công việc hằng ngày, cả trong đối nội lẫn đối ngoại, trong khi thời gian lại không ủng hộ. Nếu “chấm” ông Tuấn, Tổng cục TDTT cũng như Bộ VHTTDL rất cần dũng khí trước dư luận.
Trong trường hợp không chọn được ai ở VFF lên đảm đương vị trí cao nhất, ngành thể thao sẽ buộc phải mời một người bên ngoài về. Theo nguồn tin của Tiền Phong, đã có những động thái chuẩn bị cho công việc này. Nếu phương án này thực thi, một lần nữa lãnh đạo VFF có thể sẽ lại là dân “ngoại đạo” về nắm bóng đá. |