VFF: Tuyển HLV & chuyện các sếp
Bóng đá Việt Nam đang đứng trước những tranh luận về quan điểm thuê thầy. Khi mà ngay chính nội bộ VFF đã có những bất đồng. Tuy nhiên điều đáng lo là những bất đồng đấy lại không xuất phát từ cái chung mà vì sự thể hiện vai trò và đối chọi của những người làm bóng đá đang tính đến “bãi đáp” ở Đại hội VFF vào giữa năm nay.
Sự kiện công bố HLV trưởng vào tuần này đã được dự báo khó thành khi giờ chót HLV Hoàng Anh Tuấn rút lui vì cảm thấy không an toàn “giữa hai làn đạn”. Nói đúng hơn là sau khi được thương thảo và thấy được quyền lợi lẫn quyền hạn của mình thì ông Tuấn mới chợt nhận ra rằng phần còn lại trong bộ máy Liên đoàn đã thẳng thắn chống lại những người đã ủng hộ ông Tuấn vào chiếc ghế HLV trưởng.
Phát biểu của Phó chủ tịch phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng khi nói rằng việc chọn HLV Hoàng Anh Tuấn là quan điểm của một cá nhân trong bộ máy VFF đã nói lên điều đấy.
Thực chất thì buổi làm việc và “dựng” ông Hoàng Anh Tuấn lên chỉ có ba thành viên tham dự đó là Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Phạm Văn Tuấn, Tổng thư ký Ngô Lê Bằng và đại diện Phòng Các đội tuyển quốc gia. Phần còn lại hầu như không biết và cũng không tham dự sâu vào việc chọn HLV trưởng. Ở đây cũng cần biết rằng trong việc này, ông Phó Chủ tịch VFF Phạm Văn Tuấn là người “đá hai sân” khi một nửa ông đại diện cho Tổng cục TDTT với chức danh Phó Tổng cục trưởng và một mặt ông lấy danh nghĩa Phó Chủ tịch Liên đoàn. Và với việc “đá hai sân” với hai chức vụ đấy, rõ ràng ông Tuấn có một tiếng nói nhất định trong việc chọn người theo ý Tổng cục là phải chuyên trách.
Chọn HLV trưởng chỉ là chuyện của các sếp?
Chưa nói đến việc chọn đúng hay sai nhưng rõ ràng việc thuyết phục rồi “quyết” việc chọn thầy đã nói lên ảnh hưởng lẫn quyền lực của người chọn HLV trưởng mà nhìn vào ai cũng biết ông Tuấn là “chủ xị”.
Nhưng thành phần còn lại mà đặc biệt là ông Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng cũng không vừa. Những người có mối quan hệ làm ăn với đối tác Nhật Bản trong đó có có công ty Dentsu – đơn vị làm ăn và nhúng khá sâu vào các hoạt động bóng đá lẫn bản quyền bóng đá tại Việt Nam. Và cũng cần biết Dentsu là đơn vị đã giới thiệu cho bóng đá Việt Nam một chuyên gia điều hành giải chuyên nghiệp lẫn một HLV được tính toán để lèo lái đội tuyển Việt Nam.
Và vô tình việc chọn thầy đã bị biến dạng thành “cuộc đấu” của những “sếp” đang muốn khẳng định uy thế của mình trước Đại hội VFF nhiệm kỳ tới vào giữa năm 2013 nhiều hơn là vì cái chung. Nói như các cầu thủ hay nói là “Các bác đánh nhau xong chưa để các cháu còn đá bóng?”.
Bóng đá Việt Nam trước thềm năm mới rõ ràng không bình yên chút nào nhất là không khó để người trong cuộc nhận ra sự phân hóa của bộ phận điều hành bóng đá. Phân hóa trong quan điểm, phân hóa trong việc thể hiện quyền lực và phân hóa trong cách thể hiện quyền lực nhằm chạy đà từ đây đến Đại hội VFF năm 2013.
Mọi chuyện mà bóng đá Việt Nam đang xôn xao, bàn tán rõ ràng không chỉ là chiếc ghế nóng HLV đội tuyển, là chuyện thầy nội hay thầy ngoại mà là chuyện của các “quan”. Và chắc chắn là điều đấy không có lợi cho bóng đá Việt Nam. Bởi xét cho cùng nó cũng là cuộc đấu của “các bác”.
Năm 2013 tiếp nối một năm thất bại của bóng đá Việt Nam nhưng với khởi điểm không bình yên như thế cùng những mâu thuẫn trong bộ máy VFF rõ ràng có quá nhiều điều để người hâm mộ phải lo lắng.