VFF tìm thầy cho các đội tuyển VN: Tiền nào của nấy!
Cộng hết các khoản ngân sách dành cho chuyên gia ngoại, VFF chỉ có trong tay khoảng 20.000 USD mỗi tháng để trả lương cho HLV nước ngoài.
Trong bảy tiêu chí do VFF thống nhất với Hội đồng HLV Quốc gia đưa ra, thầy nội gần như không có ai hội đủ điều kiện trở thành HLV trưởng các đội tuyển quốc gia sau khi Hữu Thắng từ chức vì thất bại ở SEA Games 29. Những ông thầy kỳ cựu, giàu thành tích như Lê Thụy Hải hay đồng nghiệp Mai Đức Chung hiện tạm quyền thì quá 60 tuổi theo tiêu chuẩn của VFF. Trẻ hơn như Phan Thanh Hùng, Lư Đình Tuấn, Lê Huỳnh Đức lại chưa hoàn thiện bằng cấp Pro.
HLV Riedl và Kiatisak là hai cái tên quen thuộc của bóng đá Việt Nam (ảnh lớn) nhưng khó đến Việt Nam sau đời thầy ngoại Miura (ảnh nhỏ) từng bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn từ thất bại ở SEA Games 2015. Ảnh: ANH NHẬT
Duy có mỗi HLV Hoàng Anh Tuấn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thì không mấy mặn mà, lại đang dẫn dắt các đội trẻ Việt Nam và sắp tới đầu quân cho Trung tâm PVF nên chắc hẳn sẽ nằm ngoài cuộc. Vì thế VFF chắc chắn sẽ chọn thầy ngoại cho các đội tuyển quốc gia, chậm nhất đến cuối tháng 10 này.
Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh tiết lộ hiện có gần 20 bộ hồ sơ ứng tuyển của các HLV ngoại cần thêm thời gian sàng lọc và chọn theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp hơn. Tuy nhiên, ai cũng thấy rằng với khoản ngân sách chi trả tiền lương tháng cho thầy ngoại khoảng 20.000 USD, cực khó cho VFF chọn ra HLV vừa giỏi lại vừa có thành tích như mong muốn, theo kiểu tiền nào của nấy.
Dư luận mấy ngày qua râm ran khả năng Kiatisak sẽ sang Việt Nam dẫn dắt các đội tuyển nhưng cơ hội cho cựu cầu thủ của HA Gia Lai gần như bằng 0. Thứ nhất, Kiatisak chưa có bằng cấp Pro theo tiêu chuẩn VFF đưa ra. Tiếp đó, ông thầy trẻ người Thái vừa nghỉ đội tuyển quốc gia nước mình lẫn từ chức CLB Thai Port mà khi tại vị có mức lương tháng không dưới 1 tỉ đồng.
Non trẻ cỡ Kiatisak còn có mức lương cao ngất đến 10 con số thì những thầy ngoại khác có tiếng tăm, am hiểu bóng đá Đông Nam Á sẽ đòi nhiều hơn trong khi VFF chỉ có 20.000 USD (hơn 400 triệu đồng).
Một cái tên khác là ông thầy người Áo Alfred Riedl từng có kinh nghiệm sau ba thời kỳ huấn luyện các đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, ông Riedl chỉ là chuyên gia về nhì ở Đông Nam Á và không dám mạo hiểm thêm lần nữa “se duyên” với VFF.
Riêng với ông Calisto thành công nhất với bóng đá Việt Nam nhờ chức vô địch AFF Cup 2008 cũng không hạ mình trở lại sau lần ông bị miễn nhiệm cay đắng hồi năm 2010. Hơn nữa, HLV Calisto không chắc chịu mức lương bèo bọt mà ông từng bực bội với VFF đòi thêm 1 USD để thừa nhận sự thành công của ông vẫn bất thành.
Các đời thầy ngoại gần nhất, VFF trang trải tiền lương và một số phụ phí khác chấp nhận được còn nhờ vào sự hợp tác với liên đoàn các quốc gia của HLV, như thời ông Miura hay ông Falko Goetz trước đó. Dĩ nhiên khi mời các thầy ngoại này, VFF buộc phải bỏ đi một vài tiêu chí kinh nghiệm và thành tích. Ông Goetz chỉ làm công tác huấn luyện các đội hạng dưới của Đức, còn ông Miura đang làm bình luận viên truyền hình.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn bật mí nếu cần thiết trả lương cho thầy ngoại cao hơn mức 20.000 USD, VFF sẽ xoay xở, huy động các nguồn lực xã hội khác. Đấy cũng mới chỉ là lời hứa kiếm tiền cho HLV ngoại hội đủ tiêu chí của VFF, còn thực tế dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam ra sao lại là chuyện khác.
Bầu Đức: “Cần tìm HLV giỏi qua thành tích” Dù nộp đơn từ chức sau thất bại của thầy trò Hữu Thắng ở SEA Games 29 nhưng ông Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức vẫn chờ đến cuộc họp Ban Chấp hành VFF vào cuối năm nay mới thông qua. Bầu Đức hiến kế cho các đồng sự của mình: “Tuyển chọn HLV cho các đội tuyển quốc gia của ngoại hay nội không thành vấn đề. Điều quan trọng nhất là người ngồi ghế nóng trưởng phải có thành tích trong huấn luyện, hiểu biết về bóng đá Việt Nam và Đông Nam Á. Chúng ta từng có nhiều bài học kinh nghiệm xương máu với nhiều HLV ngoại có bằng cấp đầy mình nhưng rồi vẫn thất bại như thường”. |
Liên đoàn bóng đá ĐNA có cuộc họp thống nhất tổ chức một số giải bóng đá năm 2018,